(Tổ Quốc) - Nhiều chính trị gia Mỹ lo ngại về tuyên bố của Tổng thống Trump về việc rút quân khỏi Syria và Afghanistan.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis ngày 20/12 đã thông báo từ chức, động thái kéo theo nhiều tín hiệu căng thẳng sau khi Tổng thống Donald Trump bất ngờ ra lệnh rút quân hoàn toàn khỏi Syria và rút một phần khỏi Afghanistan.
Ông Trump kiên quyết bảo vệ các động thái rút quân của mình, nói rằng, Hoa Kỳ sẽ không còn là "cảnh sát của Trung Đông" và lực lượng 2.000 người Mỹ ở Syria không còn cần thiết vì nhóm Nhà nước Hồi giáo IS đã bị đánh bại.
Ông Mattis chia sẻ trong lá thư từ chức gửi ông Trump rằng, "Bởi vì ông có quyền có một bộ trưởng quốc phòng có quan điểm phù hợp hơn với ông"…"Tôi tin rằng việc tôi từ chức là đúng đắn."
Trong thư ông Mattis cũng viết, Các quan điểm của tôi trong mối quan hệ với các đồng minh trong hơn 4 thập kỷ nay là đối xử với họ bằng sự tôn trọng nhưng cũng phải tinh tường để coi họ vừa là chủ thể hợp tác, vừa là đối thủ cạnh tranh chiến lược".
Ông Mattis sẽ giữ cương vị cho đến tháng 2 tới để quá trình chuyển giao cương vị được suôn sẻ. (Nguồn: Yahoo/AFP)
Một ngày sau thông báo bất ngờ về việc rút quân khỏi Syria, một quan chức Mỹ nói với AFP rằng ông Trump cũng đã quyết định "rút một lượng quân số đáng kể" trong chiến dịch của Mỹ tại Afghanistan – chiến dịch có quy mô lớn hơn nhiều so với Syria.
Khoảng 14.000 binh sĩ Mỹ đang tham chiến chống Taliban ở Afghanistan - một phần trong cuộc chiến dài nhất từ trước đến nay của Hoa Kỳ. Nhật báo phố Wall thông tin rằng, hơn một nửa lượng quân có thể sẽ rút về.
Ông Trump đã từng bóng gió đề cập về sự ra đi của ông Mattis từ tận tháng 10. Ông Trump nói với CBS: "Có thể là ông ấy (đang rời đi). Tôi nghĩ ông ấy là một thành viên Dân chủ, nếu bạn muốn biết sự thật ... Ông ấy có thể rời đi. Ý tôi là, đến một lúc nào đó, mọi người rời đi".
Tuy nhiên, trên Twitter hôm thứ Năm, ông Trump đã dành nhiều lời khen ngợi cho Bộ trưởng quốc phòng của mình, người sẽ phục vụ cho đến cuối tháng 2, tin rằng ông Mattis đã đạt được "tiến bộ to lớn".
Khủng hoảng an ninh quốc gia?
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đang lên tiếng lo ngại về sự hồi sinh của nhóm Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria và đã gióng lên hồi chuông cảnh báo khi ông Mattis rút khỏi một chính quyền không thể đoán trước.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio, một thành viên của Đảng Cộng hòa, nói rằng, ông Mattis trong bức thư của ông ấy đã "chỉ rõ rằng chúng ta đang hướng tới thực hiện một loạt các lỗi chính sách nghiêm trọng – điều sẽ gây nguy hiểm cho quốc gia của chúng ta, làm tổn hại các liên minh và trao quyền cho kẻ thù của chúng ta."
Thượng nghị sĩ Dân chủ Mark Warner gọi ông Mattis là "hòn đảo ổn định giữa sự hỗn loạn của chính quyền Trump" và bày tỏ lo ngại về chính sách được định hướng bởi những "ý tưởng bất thường của tổng thống".
Ông Trump đã nhanh chóng lưu ý rằng, ông đã tăng cường chi tiêu quân sự, nhưng ông quan tâm nhất đến việc triển khai quân đội tại nước nhà để thực hiện các mục tiêu trong nước quan trọng của mình là trấn áp nhập cư trái phép.
"Liệu Hoa Kỳ có muốn trở thành Cảnh sát của Trung Đông, không được hưởng gì ngoài việc dành những mạng sống quý giá và hàng nghìn tỷ đô la để bảo vệ những người khác, trong hầu hết các trường hợp, không đánh giá cao những gì chúng ta đang làm? Chúng ta có muốn ở đó mãi mãi không? Hãy để những người khác chiến đấu", ông Trump tweet.
Phản ứng trái chiều từ Nga, châu Âu
Việc Mỹ rút quân sẽ khiến Nga, nước đã triển khai sức mạnh không quân của mình để hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad, trở thành cường quốc hàng đầu trong cuộc xung đột Syria.
"Việc Mỹ quyết định rút quân là đúng", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong cuộc họp báo thường niên cuối năm, nói rằng "về tổng thể, tôi đồng ý với Tổng thống Mỹ" về mức độ thiệt hại của cuộc chiến Nhà nước Hồi giáo IS.
Ông Putin, coi Syria – một đồng minh lâu năm của Moscow là một nền tảng chính trong việc duy trì ảnh hưởng ở Trung Đông. Đồng thời, Iran cũng là một bên ủng hộ mạnh mẽ cho ông Assad.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ - lâu nay luôn phản đối sự hợp tác giữa Mỹ và người Kurd Syria trong cuộc chiến chống IS – có thể sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự của mình (trước đó bị các lực lượng Mỹ ngăn cản) nhằm vào lực lượng này.
Mustefa Bali, phát ngôn viên của Lực lượng Dân chủ Syria SDF, trong đó nhóm người Kurd YPG là chủ chốt, cho biết, các chiến binh của họ sẽ tiếp tục chiến đấu chống lại IS, nhưng hoạt động này sẽ dừng lại nếu họ bị Thổ Nhĩ Kỳ tấn công.
Bali cũng nói, lực lượng người Kurd sẽ tiếp tục giam giữ những kẻ cực đoan IS, nhưng cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể nhắm vào các nhà tù để gieo rắc hỗn loạn khi quân đội Mỹ rời đi.
Văn phòng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi vấn đề tù nhân là "cực kỳ quan trọng đối với Pháp" và kêu gọi tiến hành các cuộc thảo luận để tránh "một trong những hậu quả tiêu cực của một cuộc rút lui vội vàng."
Phong trào IS đã nhận trách nhiệm đối với một loạt các cuộc tấn công đẫm máu trên khắp thế giới, bao gồm cả cuộc tấn công liên hoàn năm 2015 ở Paris.
Trong khi đó, Đức, nơi đón hơn một triệu người tị nạn, trong đó có nhiều người phải ra đi do cuộc xung đột Syria, đã đặt câu hỏi về đánh giá của Trump rằng mối đe dọa đã kết thúc.
Trong khi giao tranh phần lớn đã lắng xuống ở Syria và nhóm IS không còn kiểm soát nhiều lãnh thổ, một giải pháp chính trị vẫn khó nắm bắt trong cuộc chiến đã giết chết hơn 360.000 người và buộc hàng triệu người phải di dời kể từ năm 2011.