• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tin sốc về một cuộc chiến khốc liệt hơn cả Syria sắp nổ ra: Vũ khí hiện đại Nga-Mỹ đối đầu

Thế giới 27/06/2020 13:14

(Tổ Quốc) - TTg Israel Netanyahu không dự Lễ duyệt binh ở Moscow bởi những lý do hết sức nghiêm trọng. Xác suất nổ ra cuộc chiến toàn diện còn khốc liệt hơn cả ở Syria đang gia tăng từng ngày.

Tin tình báo sốc về một cuộc chiến khốc liệt hơn cả ở Syria

Thủ tướng Israel Netanyahu và Bộ trưởng quốc phòng Beni Gantz đã không tham dự Lễ duyệt binh Chiến thắng tại Moscow với 2 lý do chính yếu "tình hình liên quan tới virus corona và bối cảnh chính trị tại Israel cần những nỗ lực của các chính trị gia nhằm tổ chức hoạt động của chính phủ".

Tuy nhiên đại dịch CoViD-19 và các vấn đề chính trị nội bộ có thể chỉ là bức màn, đằng sau đó là những lý do hết sức nghiêm trọng: Xác suất nổ ra cuộc chiến tranh quy mô toàn diện giữa Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Libya đang gia tăng từng ngày.

Đồng thời, Ankara có thể đơn thương độc mã, trong khi Cairo sẽ nhận được sự hỗ trợ quốc tế, bao gồm của cả các nước láng giềng trong khu vực. Có một loạt những tín hiệu chỉ ra điều này, và có thể dừng lại phân tích một trong những số đó.

Một nguồn tin tính báo cấp cao của Ai Cập nói với tờ báo Israel Hayom rằng, đã diễn ra một loạt những cuộc đàm phán bí mật giữa người đứng đầu Mossad là ông Cohen và lãnh đạo tình báo Ai Cập Abbas Camal.

Trong khuôn khổ những cuộc đàm phán trên, các bên đã đạt được thoả thuận mang tính nguyên tắc rằng Tel-Aviv trong thời gian tới sẽ tuyên bố chủ quyền của mình đối với 1/3 khu vực Judea và Samaria (lãnh thổ bờ Tây sông Jordan), còn Cairo "chỉ giả vờ" khó chịu.

Có vẻ như Israel đã cam kết với người Ai Cập điều gì đó rất nghiêm túc - thứ mà Cairo không thể từ chối. Nhiều khả năng, đó là công tác phối hợp tình báo để chống lại sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya.

Chắc chắn rằng Mossad đã tiết lộ cho người Ai Cập thông tin quan trọng, khiến Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi khi gặp gỡ với những phi công Không quân Ai Cập tại căn cứ nằm sát biên giới Libya, đã ra lệnh cho các lực lượng của mình sẵn sàng cho cuộc chiến với Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya.

Có nghĩa xác suất lớn là ban đầu Cairo sẽ triển khai một loạt những cuộc không kích nhằm vào các đơn vị của Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) đang đóng quân tại Tripoli.

Tới đây cần phải viện dẫn một vài tình tiết. GNA do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn hiện đang cố thủ bảo vệ Thủ đô Tripoli trước sự tấn công của lực lượng LNA do tướng Halifa Haftar chỉ huy vốn do Nga, UAE và Ai Cập hậu thuẫn.

Chính những binh lính Thổ Nhĩ Kỳ, được cho là đã thay đổi quân phục, có thể không chỉ đánh bật cuộc tấn công thủ đô kéo dài 14 tháng của binh lính LNA (chủ yếu là các cựu binh lính của quân đội Gaddafi), mà còn đẩy lui họ về phía đông đất nước.

Tin sốc về một cuộc chiến khốc liệt hơn cả Syria sắp nổ ra: Vũ khí hiện đại Nga-Mỹ đối đầu - Ảnh 2.

Lực lượng LNA của tướng Haftar gần đây đã thiệt hại nặng nề. Ảnh: Pantsir-S1 bị GNA bắt sống

Mỹ, gián tiếp đứng về phía TT Erdogan ở Libya, nhiều khả năng sẽ hỗ trợ bằng các thông tin tình báo. Được biết rằng GNA đã chính thức mời người Mỹ đến Tripoli và sẵn sàng cung cấp nhiều vị trí cho họ để làm căn cứ quân sự.

Vấn đề này đã được cân nhắc tại Lầu Năm Góc trên cơ sở chính sách gây áp lực toàn cầu của Mỹ lên Nga và Trung Quốc. Và thực ra TT Trump chẳng có tâm trí nào nghĩ tới Libya, nhưng mọi thứ có thể thay đổi nếu phe Dân chủ lên nắm quyền ở Mỹ.

Chiến sự Libya đang ở bước ngoặt quan trọng

Mặc dù Mỹ chưa can dự vào cuộc chiến uỷ nhiệm Libya, nhưng những lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đang đánh bật các lính đánh thuê và tình nguyện đến từ Nga, UAE và Ai Cập tham gia vào cuộc xung đột này.

Tình hình diễn biến nhanh tới mức các đơn vị của GNA sắp sửa có thể chiếm cả Sirt và Jufra, điều mà người Ai Cập gần như không hề muốn.

Ông Sisi gọi nỗ lực tấn công của GNA là "lằn ranh đỏ", rồi sau đó là "Ai Cập sẽ bị dồn vào góc mà chỉ có một lối thoát - can thiệp quân sự ồ ạt để ngăn cản Thổ Nhĩ Kỳ có được sự hiện diện đáng kể trên lãnh thổ rộng lớn này".

Vấn đề ở chỗ LNA của tướng Haftar thực tế sẽ chấm dứt tồn tại khi hai thành phố này thất thủ, và Libya sẽ biến thành quốc gia chư hầu của Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara đã từ chối tất cả những sáng kiến mang tính hoà bình của Cairo.

Tổng thống Ai Cập đã tuyên bố rằng "mọi sự can thiệp trực tiếp của Ai Cập tại Libya sẽ mang tính hợp pháp quốc tế, với quyền phòng vệ, hoặc theo yêu cầu của chính phủ được bầu chọn duy nhất tại Libya".

Tin sốc về một cuộc chiến khốc liệt hơn cả Syria sắp nổ ra: Vũ khí hiện đại Nga-Mỹ đối đầu - Ảnh 4.

Tổng thống Ai Cập Sisi (phải) và tướng Haftar (trái).

Ông Sisi nhấn mạnh rằng, mặc dù APE không muốn can thiệp vào các vấn đề của Libya và ủng hộ giải pháp hoà bình nói chung, "hiện nay tình hình hoàn toàn khác". Và tóm lại "đây sẽ là tín hiệu đối với toàn bộ thế giới rằng Ai Cập và Libya - đó là một đất nước, một lợi ích".

Mặt khác, GNA được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn muốn đạt được vị trí mà quốc tế thừa nhận và quyền kiểm soát toàn bộ đất nước Libya. GNA sẵn sàng chấm dứt việc truy đuổi các lực lượng của Haftar, nếu họ rút khỏi khu vực mỏ dầu lưỡi liềm phía đông, mà chìa khoá của nó đang nằm ở Sirt và Jufra.

Về bản chất, hiện nay đang bắt đầu cuộc chiến giành tài nguyên thực sự, mà để có được chúng người Thổ sẽ nghiền nát toàn bộ Libya.

Cần lưu ý rằng cộng đồng thế giới, bao gồm cả Washington, ủng hộ về mặt hình thức những sáng kiến của Cairo, nhưng Tripoli và Ankara gần như phản đối. Những tổn thất của TT Erdogan trong các trận giao tranh chống lại tướng Haftar không được công bố, nhưng theo thông tin từ Libya, chúng khá nghiêm trọng.

Trong bối cảnh này, ông ta không có lý do gì để dừng lại, kể cả vì những vấn đề chính trị nội bộ. Việc chiếm được Libya sẽ mang tới cho tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ những lợi ích đáng kể, điều đặc biệt quan trọng trong bối cảnh kinh tế thê thảm.

Chính vì thế, cuộc chiến tranh giữa Cairo và Ankara dường như không còn ít khả năng xảy ra nữa, ngoài ra Không quân Ai Cập đã oanh tạc phiến quân tại Benghazi, Darnah và Tripoli để yểm trợ cho các lực lượng của Haftar.

Nhưng không thể coi những cuộc không kích này mang tính hệ thống, mà là sự thể hiện tình đoàn kết muộn màng với cựu Đại dân quốc Nhân dân Xã hội chủ nghĩa Ả Rập Libya.

Vũ khí hiện đại Nga-Mỹ sắp đối đầu nảy lửa

Theo thông tin của tạp chí Military Watch (Mỹ), người Thổ đã giành lại được ưu thế nhờ các UAV tấn công thế hệ mới mới của mình, chúng gần như đã nghiền nát các binh lính của tướng Haftar.

Trong khi đó, lực lượng không quân của Sisi gồm chủ yếu là các máy bay F-16 già nua, không sở hữu những tên lửa đánh chặn các UAV. Người Mỹ từ lâu đã không cung cấp đạn dược cho Không quân Ai Cập.

Tại Mỹ, người ta không nghi ngờ việc các máy bay tiêm kích MiG-29 sẽ tham chiến với những UAV của Thổ Nhĩ Kỳ, bởi vì ông Sisi không còn gì khác. Bắn hạ UAV bằng những tên lửa tối tân từ tiêm kích Rafale sẽ là quá tốn kém đối với một cuộc chiến uỷ nhiệm.

Tin sốc về một cuộc chiến khốc liệt hơn cả Syria sắp nổ ra: Vũ khí hiện đại Nga-Mỹ đối đầu - Ảnh 6.

Không quân Ai Cập được trang bị nhiều vũ khí hiện đại như tiêm kích MiG-29, Rafale, Mirage-2000 và cả F-16.

Liên quan tới các đơn vị bộ binh của GNA và lính đánh thuê Thổ Nhĩ Kỳ, thì theo ý kiến của các phương tiện truyền thông Ai Cập, ông Sisi có thể tung trực thăng tấn công Ka-52 Alligator vào trận. Thậm chí UAE sẵn sàng đổ tiền tài trợ cho cuộc chiến này.

Ưu thế lực lượng tại Libya thuộc về phe Ai Cập, nhưng thất bại của Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ khiến cho mối quan hệ giữa Moscow và Ankara tại Syria xấu đi. Đồng thời, Washington vẫn thừa nhận GNA, bởi vậy sẽ không để Tripoli thất thủ.

Theo ý kiến của một loạt quan sát viên, các phương tiện truyền thông Israel và một số trang tin tức của Mỹ thân cận với Tel-Aviv ở chừng mực nào đó, đang kích động cuộc xung đột, nhưng chỉ ở mức có thể giúp cho Nhà nước Do Thái tuyên bố chủ quyền đối với 1/3 khu vực Judea và Samaria.

Chiến thắng vô điều kiện của Ai Cập, suy cho cùng, không có lợi cho ông Netanyahu, bất chấp điều đó làm suy yếu Thổ Nhĩ Kỳ.

Về lý tưởng, đất nước Hồi giáo với 100 triệu dân là đối thủ của Israel. Về phần mình, các phương tiện truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ (nhất là mang màu sắc đối lập) đưa tin rằng cuộc chiến tranh giữa Cairo và Ankara tại Libya xảy ra sẽ được Tel-Aviv mở tiệc ăn mừng.

Nhưng đó chỉ là tạm thời, bởi vì Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ được liên kết bằng lịch sử, văn hoá và tôn giáo chung, cũng như có những triển vọng sáng lạn trong việc phối hợp khai thác các mỏ khí trên Địa Trung Hải.

Rõ nhất một điều, thảm hoạ nhân đạo tại Libya là hệ quả của sự tàn phá cùng cực bởi phương Tây mà đứng đầu là Mỹ. Trên các bức tường của những thành phố bị tàn phá ở cả hai phía mặt trận người ta đều viết "Tôi nhớ Muammar Gaddafi và Saddam Hussein".

Bảo Lam

NỔI BẬT TRANG CHỦ