(Tổ Quốc) - Với những chỉ đạo sát sao của Chính phủ, nỗ lực của ngành, lĩnh vực du lịch thời gian qua đã đạt nhiều kết quả nổi trội. Báo cáo của Tổng cục Du lịch cho hay, 9 tháng đầu năm nay, tổng thu từ khách du lịch đạt 504.000 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2018.
- 08.10.2019 Hà Nội được bình chọn là điểm đến lý tưởng cho những người thích đi du lịch một mình
- 08.10.2019 Bài toán nào cho phát triển du lịch nông thôn tương xứng với tiềm năng?
- 26.09.2019 Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch 2019: Những điểm sáng và cảnh báo
- 19.09.2019 Thắp sáng kinh tế đêm: Cần những cơ chế, chính sách riêng biệt
- 08.08.2019 Giải mã nguyên nhân Đà Nẵng dẫn đầu về tăng trưởng du lịch
Tổng thu từ khách du lịch đạt 504.000 tỷ
Từ đầu năm tới nay, ngành du lịch tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp duy trì tốc độ tăng trưởng khách quốc tế, khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch.
Cụ thể, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 9 đạt hơn 1,5 triệu lượt, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm 2018. Sau 9 tháng, tổng lượng khách quốc tế tới Việt Nam đạt hơn 12,8 triệu lượt.
Với khách nội địa, 9 tháng đầu năm đạt 66 triệu lượt, trong đó có 33,7 triệu lượt khách lưu trú.
Đáng lưu ý, báo cáo của Tổng cục Du lịch cho hay, tổng thu từ khách du lịch đạt 504.000 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Khách quốc tế tới Hạ Long bằng tàu biển. Ảnh minh họa.
Những địa phương có mức tăng trưởng tốt như Ninh Bình đón 6,5 triệu lượt khách; Hà Nội đón 21,5 triệu lượt. Các địa phương như Thanh Hóa; Quảng Ngãi; Kiên Giang; TP. HCM… đều có mức tăng trưởng cao.
Với những chỉ đạo sát sao của Chính phủ, nỗ lực của ngành, lĩnh vực du lịch thời gian qua đã đạt nhiều kết quả nổi trội. Mới đây, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã công bố Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch 2019. Theo đó, du lịch Việt Nam đã tăng 4 bậc từ 67 lên 63 trong số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.
"Đây là một tin vui cho ngành du lịch Việt với mức tăng trưởng tốt nhất so với các nước trong khối ASEAN. Trong nhóm này, chỉ số tăng trưởng của một số nước tăng thấp thậm chí còn giảm như Thái Lan tăng 3 bậc, còn Singapore giảm 4 bậc, Malaysia giảm 3 bậc… Nhìn một cách khách quan, ngành du lịch Việt Nam đã có sự tăng trưởng về năng lực cạnh tranh tốt và đây là tín hiệu đáng mừng" - Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) đánh giá.
Tính đến hết tháng 9, cả nước có 2.477 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, trong đó 914 doanh nghiệp cổ phần, 27 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 1.536 công ty TNHH và doanh nghiệp tư nhân
Trích báo cáo của Tổng cục Du lịch
Báo cáo cũng chỉ rõ sự tăng hạng chủ yếu nhờ cải thiện của các nhóm chỉ số như mức độ mở cửa đối với quốc tế tăng 15 bậc, trong đó tăng mạnh nhất là chỉ số Yêu cầu về thị thực với mức tăng 63 bậc. Đây được coi là chỉ số tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.
Hay nhóm chỉ số Hạ tầng vận tải hàng không của Việt Nam cũng có mức tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Trong đó tăng mạnh nhất là chỉ số số lượng hãng hàng không đang khai thác tăng 10 bậc.
Đặc biệt, nhóm Hạ tầng dịch vụ du lịch cũng tăng được 7 bậc do tăng chỉ số buồng khách sạn và chất lượng hạ tầng du lịch.
Tạo sự tin tưởng cho du khách khi đến Việt Nam
Mặc dù có nhiều khó khăn, hạn chế như công tác bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường vẫn còn nhiều thiếu sót, rác thải ô nhiễm, tai nạn ảnh hưởng đến an toàn của khách du lịch tại các điểm du lịch còn xảy ra, đặc biệt vào các dịp lễ hội, mùa cao điểm du lịch. Nhưng ngành đã có nhiều chỉ đạo cũng như giải pháp cho các vấn đề này.
Tổng cục Du lịch cho hay, trong 9 tháng đầu năm đã tổ chức 3 đoàn kiểm tra về việc chấp hành quy định pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ lữ hành của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và công tác cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa và cấp đổi thẻ HDV tại Hà Nội, Quảng Ninh, Gia Lai và Đắk Lắk.
Trong tháng 9, đã thẩm định 39 hồ sơ cấp, đổi, cấp lại, rút giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, trong đó: cấp mới 25 giấy phép, đổi 9 giấy phép và thu hồi 5 giấy phép.
Với các cơ sở lưu trú du lịch, ngành tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở lưu trú du lịch đảm bảo chất lượng phục vụ, an ninh an toàn, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chất lượng dịch vụ, công tác quản lý điểm đến du lịch từng bước được cải thiện, an ninh, an toàn được bảo đảm đã tạo sự tin tưởng cho khách du lịch khi đến du lịch Việt Nam. Hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch phát triển nhanh; nhiều sản phẩm du lịch được bổ sung đa dạng tạo sức hấp dẫn thu hút khách du lịch.
Hiện số lượng cơ sở lưu trú du lịch trên cả nước là 29.000 cơ sở với trên 590.000 buồng (tăng hơn 1.000 cơ sở lưu trú so với năm 2017), trong đó: 164 khách sạn 5 sao với 56.121 buồng, 284 khách sạn 4 sao với 37.986 buồng
Trích báo cáo Tổng cục Du lịch
Ngành du lịch cũng đã tích cực, năng động, sáng tạo trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch ở trong và ngoài nước như tổ chức thành công Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) và Hội chợ du lịch quốc tế Travex 2019 tại Quảng Ninh. Tham dự Hội nghị Bộ trưởng du lịch ACMECS, CLMV tại Thái Lan.
Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch ở trong và ngoài nước được đẩy mạnh: Triển khai các hoạt động nhằm quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam bên lề Hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên - Hoa Kỳ lần thứ hai; dịp Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2019; trong thời gian tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội; tham dự các Hội chợ du lịch quốc tế.
Đồng thời, ngành du lịch cũng xây dựng kế hoạch quảng bá du lịch thông qua sự kiện thể thao Giải đua F1. Tổ chức Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Indonesia, Philippines, Nga và thị trường Trung Quốc. Đón các đoàn doanh nghiệp, báo chí từ các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc khảo sát du lịch Việt Nam./.