(Tổ Quốc) -Căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc tại Djibouti "có lẽ là bước chân đầu tiên trong số nhiều động thái" xây thêm nhiều căn cứ khác.
Theo các quan chức tình báo Mỹ, căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc tại một nước nhỏ ở Châu Phi Djibouti "có lẽ là bước chân đầu tiên trong số nhiều động thái" xây dựng thêm các căn cứ khác trên khắp thế giới – động thái có thể khiến lợi ích của nước này vào thế xung đột với Hoa Kỳ.
"Trung Quốc có tốc độ hiện đại quân đội nhanh nhất thế giới và ngay sát với Hoa Kỳ", theo những thông tin chi tiết được các quan chức tình báo Mỹ ngày 5/10 đưa ra – những người đã yêu cầu giấu tên về việc thảo luận những thông tin này. Theo các quan chức trên, điều đó sẽ tạo ra "những khu vực tiếp xúc mới - và tiềm ẩn xung đột giữa lợi ích an ninh Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng các nước khác ở nước ngoài".
Lễ khai trương căn cứ quân sự Trung Quốc tại Djibouti. (Nguồn: AFP) |
Quân đội Trung Quốc đã tuyên bố thành lập cơ sở hỗ trợ hậu cần tại Djibouti vào tháng 7, nói rằng căn cứ sẽ trợ giúp các tàu hộ tống của quân đội Trung Quốc, thực hiện hoạt động gìn giữ hòa bình và các hoạt động nhân đạo ở châu Phi và Tây Á cũng như trong các cuộc tập trận và sơ tán khẩn cấp của Trung Quốc.
Là một phần trong đà mở rộng quân sự và kinh tế của Trung Quốc, nước này đang có một lập trường cứng rắn hơn về các yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông, quan hệ với Đài Loan và trong việc thúc đẩy sáng kiến thương mại "Một Vành đai, Một Con đường". Theo các quan chức Mỹ, nếu lợi ích của Trung Quốc xung đột với Hoa Kỳ, Bắc Kinh đang "chủ động tìm cách làm suy yếu ảnh hưởng của Hoa Kỳ".
Những nhận xét hiếm hoi về cách các cơ quan tình báo Mỹ nhìn nhận về các tham vọng của Trung Quốc được đưa ra khi Chủ tịch Tập Cận Bình đang tìm cách củng cố sự ủng hộ tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc thứ 19 ngày 18/10 tới – sự kiện quan trọng được tổ chức 5 năm một lần. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng có kế hoạch thăm Trung Quốc vào tháng tới, và trong khi hai nước đã tìm ra các lĩnh vực hợp tác, bao gồm các biện pháp trừng phạt của LHQ đối với Triều Tiên, họ vẫn còn nhiều bất đồng liên quan đến thương mại, các yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh và cuộc xung đột Syria.
Tranh chấp thép
Bộ trưởng thương mại Wilbur Ross, đã đến thăm Bắc Kinh vào tháng trước, nhấn mạnh ý định cắt giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với nước xuất khẩu lớn nhất thế giới thông qua việc "tăng xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ giá trị cao sang Trung Quốc, cùng với việc cải thiện tiếp cận thị trường." Ông Ross cũng tuyên bố thực hiện một vụ điều tra vào mặt hàng thép không gỉ của Trung Quốc vì các khoản trợ cấp không công bằng - động thái mới nhất sau khi đại diện thương mại Hoa Kỳ mở một cuộc điều tra về việc thực hiện sở hữu trí tuệ của Trung Quốc.
Theo các quan chức tình báo Mỹ, "các nhà lãnh đạo Trung Quốc xem trật tự thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo, đáng chú ý nhất là mạng lưới liên minh của Hoa Kỳ và việc thúc đẩy các giá trị Mỹ trên toàn thế giới đang làm hạn chế sự gia tăng hiện diện của Trung Quốc, đồng thời, đang cố gắng thay đổi cấu trúc thế giới để phù hợp hơn với vị thế và sự hiện diện gia tăng của Trung Quốc."
Các quan chức trên cho biết, trước thềm Đại hội Đảng, các quan chức ở Bắc Kinh đã tăng cường "kiểm soát sự bất đồng trong nước." Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trên con đường đạt được mục tiêu tăng trưởng hàng năm là 6,5%. Nước này cho rằng, sự tăng trưởng này, một phần sẽ nhờ vào việc tìm kiếm sự cộng tác sâu hơn về công nghệ với các công ty của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, cựu cố vấn của Tổng thống Trump, Stephen Bannon, từng nói rằng việc chuyển giao công nghệ của Hoa Kỳ sang Trung Quốc là "vấn đề kinh tế và kinh doanh lớn nhất trong thời đại chúng ta", và thêm rằng "nếu chúng ta không thay đổi tình hình quan hệ với Trung Quốc, chúng ta sẽ bị hủy hoại về mặt kinh tế."
Bắc Kinh đang cố gắng giảm bớt lo ngại về việc các công ty nhà nước của nước này đang tiếp cận nhiều công nghệ mới và tạo nên một sân chơi bất bình đẳng, việc nước này bắt buộc chuyển giao công nghệ sang Trung Quốc, hạn chế các công ty nước ngoài tiếp cận thị trường Trung Quốc – điều được cho là mối đe dọa đối với sức mạnh kinh tế của Hoa Kỳ và các nước khác.
Mỹ đã gây sức ép lên Trung Quốc về một loạt vấn đề kinh tế và an ninh. Washington muốn Bắc Kinh có hành động để hạn chế chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, giảm thâm hụt thương mại song phương, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và cho phép các công ty Mỹ tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Nhưng sau hai vòng đàm phán về kinh tế và an ninh trong tháng 6 và tháng 7 ở Washington, chính quyền của Trump mới đạt được một số tiến bộ rất hạn chế.
(Theo Bloomberg)