(Tổ Quốc) - Tuần vừa qua, hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc đã có những động thái chính trị quyết đoán nhằm gia tăng quyền lực và vai trò của mình trong điều hành đất nước.
CNN đăng tải, tuần vừa qua trong sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Nga và Trung Quốc đã có những động thái mang lại nhiều tác động cho trật tự thế giới sắp tới. Mặc dù không diễn ra cùng lúc nhưng cả Bắc Kinh và Moscow đều "tận dụng" thành công tình thế thiếu chắc chắn và khó dự đoán mà chính Washington đã góp phần tạo ra.
Hiện chưa rõ liệu người đứng đầu nước Mỹ sẽ xoay chuyển tình thế như thế nào trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều thành công gia tăng quyền lực kiểm soát cũng như đưa ra những quyết định quan trọng cho đất nước. Và cũng không tình cờ khi cả hai ông Putin và Tập đạt được những mục tiêu hàng đầu của mình trong những tháng cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên (và cũng có thể là duy nhất) của ông Trump.
Cụ thể, cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý toàn nước Nga về sửa đổi hiến pháp vừa kết thúc mấy ngày trước, đã mở toang cánh cửa cho ông Putin trở thành tổng thống thêm 2 nhiệm kỳ nữa (tới tận khi ông ngoài 80 tuổi). Còn với Chủ tịch Trung Quốc, luật an ninh quốc gia mới chính thức có hiệu lực cho phép ông Tập có thêm nhiều tiếng nói và sức mạnh pháp lí đối với Hong Kong. Bắc Kinh cũng thẳng thừng tuyên bố Mỹ và các đồng minh ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Trong một bài báo trên tờ The Washington Post, nhà báo David Ignatius viết: "Putin đang trong thời kỳ thu hồi vốn. Ông tin rằng Mỹ đã phá hủy đất nước cũ của mình là Liên Xô. Ông ấy muốn Mỹ cảm thấy nỗi đau". Giờ đây Putin có rất nhiều thời gian để làm điều đó.
Phó thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Matthews phát biểu: "Tổng thống Trump là một nhà đàm phán đẳng cấp thế giới luôn mở rộng lợi ích của nước Mỹ trên chính trường quốc tế". Tuy nhiên, theo một số cựu quan chức cấp cao Mỹ chia sẻ với nhà báo Cark Bernstein của CNN, ông Trump dường như đã đánh giá quá cao khả năng của mình trong việc lôi kéo các nhà lãnh đạo thế giới khác vào chương trình nghị sự của chính ông.
Cho dù là Tổng thống Putin hay Chủ tịch Tập, cả hai nhà lãnh đạo đều nhìn thấy những cơ hội trước mắt.
CNN phân tích, ông Putin tính toán rằng, bất chấp những lệnh trừng phạt được thắt chặt từ Mỹ liên quan tới quyết định sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga hay vụ Moscow bị cáo buộc đã đầu độc một cựu điệp viên Nga trên lãnh thổ Anh, Tổng thống Trump gần như chắc chắn sẽ không phản ứng với những sự vụ nội bộ trong nước Nga. Và mọi thứ diễn ra đúng như kỳ vọng.
Trong khi đó, bị vướng vào cuộc chiến thương mại chưa có hồi kết với Mỹ, Chủ tịch Tập Cận Bình đã liệt kê ra danh sách các ý định thực sự của Tổng thống Trump trước Trung Quốc: tiền bạc, các vấn đề nhân quyền và hơn tất cả chính là ngăn cản quốc gia châu Á trở thành một siêu cường thế giới với một nền kinh tế công nghệ cao. Điều này thể hiện rõ nhất thông qua những nỗ lực của chính quyền Trump nhằm thuyết phục các đồng minh không cho phép tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei tham gia vào những dự án xây dựng mạng lưới 5G tại nhiều nơi khác nhau trên thế giới.
Tuy nhiên, các đồng minh của Mỹ tỏ ra không sẵn sàng đồng tình với Mỹ. Một mặt nguyên nhân đến từ sức mạnh thương mại của Trung Quốc nhưng mặt khác cũng chính là do mối quan hệ của các đồng minh với Mỹ đang bị xói mòn nghiêm trọng kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền.
Cũng trong tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel thể hiện sự phản đối trước các chiến thuật của ông Trump trước Bắc Kinh khi tuyên bố, "chỉ khi đoàn kết với nhau 27 nước thành viên EU mới có đủ sức mạnh để đạt được những thỏa thuận tham vọng với Trung Quốc".
Mặc dù ông Trump nhận được một số lời ca ngợi vì đã đối đầu Trung Quốc trong lĩnh vực chính sách thương mại, gián điệp thương mại và đánh cắp sở hữu trí tuệ…, các chiến thuật của ông đồng thời vấp phải nhiều chỉ trích nặng nề.
Trong một phân tích cho tổ chức tư vấn chính sách Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, học giả Robert Balckwill viết: "Giờ đây thách thức cho tổng thống và những người kế nhiệm là thuyết phục Bắc Kinh, thông qua kế hoạch mở rộng quyền lực Mỹ, các liên minh khả thi và ngoại giao khéo léo rằng, nước Mỹ sẽ trở nên mạnh hơn nữa tại châu Á và cùng với các đồng minh và bạn bè của mình, sẽ đương đầu hiệu quả những động thái gây bất ổn của Trung Quốc".
Tất cả những điều trên đều sẽ được Chủ tịch Tập Cận Bình tính đến khi nhận định về Tổng thống Trump – cho dù nhà lãnh đạo nước Mỹ là một mối đe dọa đang tồn tại đối với tham vọng vươn lên thành siêu cường thế giới của Trung Quốc, hay là màn mở đầu cho một đối thủ thông minh hơn với cùng mục đích. Luật an ninh quốc gia mới có hiệu lực tại Hong Kong hôm 1/7 được đánh giá là một yếu tố thay đổi cuộc chơi. Theo phía Anh, luật an ninh đã vi phạm tuyên bố Trung-Anh 1984 về một đất nước, hai chế độ.
CNN kết luận, trong tương lai, điều các sử gia tranh cãi có thể không phải là liệu nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump đã ảnh hưởng ra sao tới quyết định của Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập. Thay vào đó, họ nhiều khả năng sẽ tìm hiểu những suy nghĩ tự tin của ông Trump đã thay đổi thế giới theo hướng có lợi cho Nga và Trung Quốc như thế nào.