• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tính đến một Syria hậu chiến, Mỹ lấy chiến dịch Raqqa làm bài tẩy

Thế giới 02/12/2016 13:44

(Tổ Quốc) - Với chiến dịch giải phóng thủ đô tự xưng Raqqa của IS, Mỹ đã bắt đầu tính đến ván cờ Syria thời hậu chiến?  

Theo nhà phân tích Ghassan Ladi, chiến dịch giành lại quyền kiểm soát thành phố Raqqa - thủ đô tự xưng của IS tại Syria, do Mỹ khởi xướng được kỳ vọng sẽ là một đòn giáng mạnh vào chính quyền Tổng thống Putin, liên minh quân đội Nga – Syria, đồng thời cũng tạo ra một “con bài tẩy” cho Mỹ khi tiến hành các cuộc thương lượng - mặc cả, liên quan đến tình hình quốc gia Trung Đông thời kỳ hậu chiến.

Ghassan Ladi, một học giả chính trị và chuyên gia về các vấn đề Trung Đông cho biết, sự liên quan trực tiếp của Washington trong chiến dịch Raqqa trước hết, nhằm phá vỡ vị thế của Nga tại Syria, sau đó, hình thành thế cân bằng đối chọi trong các cuộc thương lượng hậu chiến sau này. Mặc dù vậy, chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ chắc chắn sẽ khiến các nhà hoạch định chiến sự Mỹ đối mặt với thêm nhiều rắc rối.

“Sau khi ông Trump chính thức nhậm chức, cho dù chính sách đối ngoại của nước Mỹ có thay đổi hay không, Washington cũng biết rõ rằng, họ không thể duy trì sự hiện diện quân sự lâu dài tại Syria,” Kadi nhấn mạnh.

Chiến dịch Raqqa và vấn đề người Kurd.

Ông Kadi cho rằng, một trong những điểm quan trọng liên quan đến chiến dịch giải phóng Raqqa mà Mỹ đang chuẩn bị, đó chính là vấn đề người Kurd. “Nước Mỹ muốn có một phần trong miếng bánh Syria, và tạo ra một lãnh thổ độc lập cho người Kurd; đây có lẽ là mục tiêu dài hạn của họ,” ông phân tích, “và đó cũng chính là thời điểm lợi ích của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ gặp phải xung đột.”

Bên cạnh khả năng một Syria hậu chiến  bị chia cắt, tương lai của người Kurd tại đây cũng là một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của giới phân tích. “Theo ý kiến của tôi, viễn cảnh về một quốc gia riêng của người Kurd là điều mà chính phủ Syria đang muốn ngăn chặn, thông qua việc tiến hành các cuộc thương lượng với cộng đồng người Kurd. Chúng ta cần lưu ý rằng, khác với những nỗ lực nhằm thổi bùng ngọn lửa ly khai của người Kurd, không phải tất cả bọn họ đều muốn ra đi,” ông Kadi nói.

Giải pháp win-win cho tất cả các bên chỉ có thể đạt được nhờ đàm phán

Chuyên gia về Syria tin rằng, một giải pháp win-win có lợi cho tất cả các bên tham chiến, chỉ có thể đạt được thông qua các cuộc thương lượng mang tính xây dựng. “Kết quả có lợi cho cả Chính phủ Syria và cộng đồng người Kurd tại đây sẽ chính là giải pháp cuối cùng đạt được sau đàm phán, dựa trên một lập trường rõ ràng rằng, mọi tấc đất của Syria cần phải được giữ nguyên vẹn…”, ông khẳng định. Tuy nhiên, trong tình huống nội các mới của chính quyền Trump vẫn chưa hoàn thiện, các chiến lược gia nước Mỹ chắc chắn sẽ đau đầu hơn với việc tìm ra những đối sách thích hợp cho mối quan hệ giữa Damascus và cộng đồng người Kurd tại Syria.

Tân Tổng thống Trump có định nghĩa lại khái niệm “quân nổi dậy ôn hòa” và “khủng bố”?

Theo chuyên gia Kadi, câu hỏi trên phụ thuộc vào việc ông Trump sẽ thực hiện các cam kết tranh cử của mình đến mức độ nào.

“Điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào, hoặc có thể ảnh hưởng như thế nào đến tình hình tại Syria sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào việc Tổng thống Trump tìm kiếm và có thể thiết lập được mối quan hệ như thế nào với nước Nga,” ông Kadi nói; đồng thời cũng lưu ý rằng, cho đến thời điểm hiện tại, ngài tỷ phú dường như đang rất quyết tâm cải thiện mối quan hệ với người đồng cấp đến từ Moscow. “Nếu ông Trump thừa nhận những lý do nội tại đằng sau các thất bại của chính quyền Obama và quyết định ngồi lại với Nga về vấn đề Syria, thì rất nhiều vấn đề liên quan đến cuộc nội chiến này sẽ tiến triển tích cực và có thể giải quyết được.” Ngoài ra, sự hợp tác Nga-Mỹ tại Syria rất có thể sẽ mở đường cho một thỏa thuận giữa hai cường quốc trong vấn đề Ukraine.

Liệu có còn khái niệm "quân nổi dậy ôn hòa" dưới thời Trump

Đề cập đến Francois Fillon - ứng cử viên đại diện phe cánh hữu và trung hữu đang có khả năng cao trở thành tân Tổng thống Pháp, ông Kadi cho rằng chiến thắng của tỷ phú  Trump trong cuộc bầu cử Mỹ rõ ràng đã tạo ra một hiệu ứng domino ở châu Âu: “Fillon dường như đang ở trong cùng một tình huống giống người đồng nhiệm phía bên kia bờ Đại Tây Dương.” Chuyên gia về Trung Đông khẳng định việc ông Trump trở thành ông chủ mới của Nhà Trắng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ Nga-Mỹ-Châu Âu. Ngoài ra, nếu Tổng thống mới đắc cử của Mỹ vận dụng các mô hình kinh doanh vào chính sách của mình, rất có thể ông sẽ tính đường kết thúc chiến tranh vì những lý do kinh tế. “Một người có đầu óc kinh doanh như ông Trump chỉ để tâm đến nước Mỹ, và mặc kệ thế giới – cũng đã đủ để thế giới thở phào,” Kadi hài hước nói.   

“Chính phủ lâm thời Syria” – kế hoạch mới để hợp pháp hóa sự can thiệp của Mỹ?

Một vài ngày trước khi cuộc bầu cử Mỹ diễn ra, trong một bài bình luận trên New York Times, học giả nổi tiếng người Mỹ Steven Heydemann đề cập đến việc công nhận SIG (Chính phủ lâm thời Syria) tại Idlib là chính phủ lâm thời chính thống ở Syria nhằm hợp pháp hóa sự xuất hiện của Mỹ tại quốc gia Trung Đông. “Nhà Trắng nên quan tâm đến việc thực hiện các bước đi chắc chắn và mang tính thực tiễn cao, trang bị cho Chính phủ mới những công cụ để khôi phục lại thế cân bằng, cũng như phục hồi các nỗ lực ngoại giao nhằm kết thúc cuộc chiến đẫm máu tại Syria,” Heydermann viết.

Kế hoạch này liệu có thành công?

Tổng thống Syria Bashar al-Assad nhận được sự ủng hộ của người dân Syria

Ông Kadi nhận mạnh: “Lịch sử đã chỉ ra rằng, kẻ thắng cuộc sẽ có quyền chi phối các điều khoản dàn xếp hòa bình thời hậu chiến, chứ không phải là bên thua cuộc.” Ông nêu ra một thực tế là, trong gần 6 năm, kể từ khi cuộc chiến Syria bắt đầu, không biết bao mô hình dựa trên khả năng Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ, ám sát, từ chức, thay thế – đã được nêu ra. Tuy nhiên, chưa một kế hoạch nào có thể trở thành sự thật, ngay cả khi sự nghiệp của của ngài Tổng thống Syria từng rơi vào thời điểm đen tối nhất. Theo Kadi, “điều buồn cười là, hầu hết các nhà lãnh đạo khu vực và quốc tế - những người đề ra các kế hoạch trên, hoặc từ chức, qua đời, bị ép nghỉ hưu, thậm chí bị cầm tù; hoặc đơn giản chỉ là kết thúc nhiệm kỳ, trong khi ông Assad vẫn đứng vững cùng với Syria.”

(Theo SPNK)

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ