• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tính tới Mỹ, NATO đột phá mặt trận Iraq

Thế giới 08/02/2018 15:06

(Tổ Quốc) - NATO đang chịu áp lực khi Mỹ gia tăng hiện diện tại Iraq- điều sẽ “hồi sinh” những chia rẽ trong liên minh này về cuộc chiến chưa kết thúc tại Afghanistan.  

Mỹ đang gia tăng sức ép lên các đồng minh của NATO ở châu Âu để xây dựng một nhóm huấn luyện và cố vấn dài hạn tại Iraq, theo các nhà ngoại giao.

Theo Reuters, động thái này sẽ một lần nữa “hồi sinh” những vấn đề đang gây chia rẽ trong liên minh NATO sau cuộc chiến kéo dài hơn một thập kỷ ở Afghanistan.

NATO trước nhiều lựa chọn tại Iraq

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã gửi một lá thư tới trụ sở của NATO vào tháng 1 kêu gọi triển khai một phái đoàn chính thức của NATO đến Iraq với thời gian hoạt động vĩnh viễn hoặc bán thời gian dài hạn để huấn luyện các lực lượng Iraq, năm nhà ngoại giao cấp cao của NATO cho hay.

Sau cuộc chiến kéo dài ba năm với Nhà nước Hồi giáo (IS), Washington muốn đảm bảo nhóm này sẽ không thể tái tập hợp lực lượng. Mặc dù NATO đã đưa tới Iraq các lực lượng huấn luyện, nhưng số lượng này chưa tới 20 người. Các bộ trưởng quốc phòng của NATO dự kiến sẽ thảo luận về yêu cầu của Hoa Kỳ tại Brussels vào tuần tới, và quyết định có thể sẽ được đưa ra tại một hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7.

Trong bức thư của mình, ông Mattis đã nêu ra nhiều chi tiết mở, tuy nhiên, đề xuất cụ thể về việc xây dựng các học viện quân sự và thiết lập một học thuyết quân sự cho Bộ Quốc phòng Iraq, các nhà ngoại giao nói. Những ý tưởng khác bao gồm đào tạo về xử lý bom, bảo dưỡng các phương tiện thiết bị từ thời Xô viết và đào tạo y khoa.

Liên minh do Mỹ dẫn đầu đã hỗ trợ Iraq giành được nhiều thắng lợi trước IS.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Johnny Michael đã từ chối thảo luận thực hư về bức thư của ông Mattis gửi NATO, nhưng nói rằng: "Chính quyền Mỹ đang tiếp tục tìm kiếm nhiều cách thức thúc đẩy các đồng minh có thể làm nhiều hơn để chống lại các tổ chức khủng bố."

Đô đốc Mỹ James Foggo – chỉ huy Bộ Tư lệnh liên quân NATO đã đến thăm Baghdad vào ngày 1/2 và nói với Reuters rằng ông ở đó để thảo luận về sự hỗ trợ nhiều hơn cho Iraq, bao gồm một "trung tâm chuyên ngành" về quy trình xử lí chất nổ và đào tạo ngôn ngữ.

Foggo nói: "NATO có thể làm nhiều hơn và tôi nghĩ, nếu bạn hỏi tôi, câu trả lời là chúng ta nên làm điều này. Nhưng quyết định đó thực sự là cần lên đến giới lãnh đạo chính trị ở Brussels".

Sắp tới, các quan chức quốc phòng NATO sẽ đưa ra cho các bộ trưởng của khối một loạt các lựa chọn về thực hiện nhiệm vụ ở Iraq trong bối cảnh Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã thảo luận về vấn đề này với Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi – người đã đồng tình ủng hộ, các nhà ngoại giao nói.

Lo sợ một cuộc chiến Afghanistan thứ hai

Một nhà ngoại giao cấp cao của NATO xin giấu tên cho biết, "Hoa Kỳ đang đẩy mạnh ảnh hưởng của NATO tại Iraq, không phải trong vai trò chiến đấu, mà là một nhiệm vụ dài hạn".

Nhà ngoại giao trên cũng cho hay, điều này dường như mang đến nhiều nghi ngờ rằng nó sẽ giống như cuộc chiến “bất tận” tại Afghanistan– nơi NATO đang tài trợ và đào tạo các lực lượng Afghanistan. "Rất ít đồng minh muốn điều đó."

Những động thái hiện nay từ chính quyền Mỹ cũng là một phần trong yêu cầu của Tổng thống Donald Trump rằng liên minh NATO phải vượt ra ngoài nhiệm vụ cốt lõi là bảo vệ lãnh thổ để tiến tới ngăn chặn sức mạnh của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Ông Trump đã chỉ trích các đồng minh hồi tháng 5 năm ngoái tại một hội nghị thượng đỉnh ở Brussels, cảnh báo rằng sẽ có thêm các cuộc tấn công ở châu Âu nếu NATO không làm gì để ngăn chặn các chiến binh khủng bố. trước đó, ngay cả người tiền nhiệm của ông là Barack Obama cũng đã tìm kiếm một vai trò lớn hơn của NATO ở Trung Đông.

Các quan chức Mỹ cũng đang nêu ra khả năng NATO sẽ tiếp quản việc điều hành liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo chống lại IS - như điều đã làm trong sứ mệnh do Hoa Kỳ lãnh đạo ở Afghanistan vào năm 2003.

Hoa Kỳ coi những kinh nghiệm hiện diện lâu dài của NATO ở Afghanistan là nền tảng lý tưởng để giúp xây dựng, phát triển lực lượng Iraq sau khi chiếm lại được nhiều vùng lãnh thổ do IS kiểm soát tại nước này. Hoa Kỳ hiện có hơn 5.000 quân tại Iraq.

Tuy nhiên, các đồng minh châu Âu lo sợ sẽ bị kéo vào một cuộc chiến lâu dài khác vượt xa biên giới của họ. Những cuộc chiến này rất đắt đỏ, không nhận được nhiều sự ủng hộ từ trong nước, trong khi có nhiều rủi ro đi kèm.

Trong một cử chỉ hữu nghị với ông Trump, NATO năm ngoái đã đồng ý gia nhập liên minh trên. Tuy nhiên, Pháp và Đức khẳng định rằng quyết định này chủ yếu mang tính biểu tượng.

Bức thư và thế trận bầu cử Iraq

Quy mô của bất kỳ sứ mệnh tiềm năng nào của NATO tại Iraq chưa được nêu ra, nhưng các nhà ngoại giao nói rằng họ cần nhiều hơn lực lượng hiện tại để làm dịu sự cứng rắn từ ông Trump. Các hoạt động mới có thể bao gồm việc mở các trung tâm huấn luyện khu vực bên ngoài Baghdad.

"Đây là một khía cạnh mà chúng tôi có thể cho thấy sự hiện diện", một nhà ngoại giao nói.

Tuy nhiên, thiết lập một nhiệm vụ chính thức của NATO có nghĩa là cần nhiều ngân sách hơn để tạo dựng lực lượng và xây dựng một cấu trúc để duy trì họ hoạt động trong thời gian lâu hơn. Các vấn đề khó khăn trong việc này cũng bao gồm việc có cần bảo vệ các huấn luyện viên quân sự hay không và nước này sẽ hỗ trợ cho điều này.

Iraq sẽ cần chính thức nêu yêu cầu với NATO, các nhà ngoại giao nói. Điều đó chắc chắn sẽ dựa vào việc ông Abadi chiến thắng trong cuộc bầu cử Iraq vào tháng 5 do những ứng cử viên đối thủ thân cận Iran đang phản đối quân đội Mỹ ở lại đất nước này.

Dù vậy, lúc này sức ép, thậm chí cả những quan  ngại, cũng sẽ lớn hơn khi NATO vẫn chưa thực hiện một yêu cầu trước đó về đào tạo và cố vấn tương tự từ chính phủ Libya ở Tripoli – thể chế được Liên hợp quốc ủng hộ, với lí do là nước này vẫn đang bị chia rẽ và kiểm soát bởi các phe phái đối nghịch.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ