• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tình trạng di cư do biến đổi khí hậu gia tăng ở châu Á

Thế giới 04/01/2024 14:04

(Tổ Quốc) - Khi số lượng thảm họa khí hậu gia tăng, ngày càng có nhiều người buộc phải rời bỏ nhà cửa, đặc biệt là ở các quốc gia châu Á.

Thống kê từ Trung tâm Giám sát Di dời Nội bộ (IDMC) cho biết kỷ lục 32,6 triệu lượt di cư trong nước có liên quan đến thảm họa vào năm 2022 - cao hơn 41% so với mức trung bình hàng năm trong thập kỷ qua. Con số này lớn hơn nhiều so với 28,3 triệu người phải di dời do xung đột và bạo lực cùng năm đó.

Tình trạng di cư do biến đổi khí hậu gia tăng ở châu Á - Ảnh 1.

Kỷ lục 32,6 triệu người phải di dời trong nước có liên quan đến thảm họa vào năm 2022 và hơn 28,3 triệu người do xung đột và bạo lực, theo Trung tâm Giám sát Di dời Nội bộ (IDMC). Ảnh: Fida Hussain | Afp | Getty Images

Đặc biệt, theo IDMC, 4 trong 5 quốc gia có số lượng người di tản mới trong nước cao nhất do thiên tai vào năm 2022 đều ở châu Á. Pakistan có số lượng cao nhất với 8,2 triệu, tiếp theo là Philippines với 5,5 triệu và Trung Quốc với 3,6 triệu.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2021, biến đổi khí hậu có thể buộc 216 triệu người ở 6 khu vực phải di chuyển trong nước đến năm 2050.

Tuy nhiên, ông Vinod Thomas, thành viên cao cấp đến thăm Viện ISEAS-Yusof Ishak đã lưu ý những ước tính này vẫn đánh giá thấp hơn so với thực tế.

"Các dự đoán thường đánh giá thấp hơn so với mức độ tồi tệ do thiên tai gây ra. Điều này sẽ ngày càng gia tăng và tăng rất nhanh", ông Thomas cho biết.

Khu vực Nam Á có nguy cơ cao nhất

Theo chuyên gia Thomas, Nam Á có thể là khu vực có nhiều người phải di dời do biến đổi khí hậu nhất vì mật độ dân số và tính dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. Cụ thể, Bangladesh, Pakistan và Afghanistan là những quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nghiêm trọng.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, khu vực Nam Á có thể thất thoát 10% đến 18% GDP do thảm họa khí hậu. Mức độ rủi ro tăng gấp 10 lần so với châu Âu.

Ông Thomas cho rằng sự di dời trong nước do biến đổi khí hậu đã gây ra hậu quả kinh tế nghiêm trọng cho nước sở tại. Theo IDMC, trong vụ cháy rừng Mùa hè Đen ở Australia vào cuối năm 2019 đến năm 2020, thiệt hại về sản xuất kinh tế của một người bằng tiền lương làm việc một ngày là khoảng 510 USD. Có 65.000 người phải di dời mới vì cháy rừng.

Và số lượng người phải di dời do thảm họa khí hậu cũng tăng mạnh.

"Những gì chúng ta thấy về chuyển động bên ngoài chỉ là phần nổi của tảng băng trôi và là cái nhìn thoáng qua về những gì có thể xảy ra. Chúng ta chưa hề chuẩn bị cho điều đó", ông Thomas nói.

Tình trạng di cư

Ông Tamara Wood, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Luật tị nạn quốc tế Kaldor nhận định mặc dù việc di dời trong nước do thiên tai thường phổ biến hơn nhiều so với việc di dời xuyên biên giới nhưng gần đây, mọi người đã dần dần lựa chọn di chuyển xuyên biên giới khi tác động của biến đổi khí hậu ngày càng tồi tệ hơn.

Vào tháng 11, Australia đã ký một thỏa thuận di cư với Tuvalu, cung cấp cho 280 công dân thường trú tại Australia mỗi năm.

Ở Đông Nam Á, Cố vấn cấp cao của Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) Pia Oberoi nhận định nhiều người đã có những phản ứng trước tình trạng biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường.

Rõ ràng, biến đổi khí hậu đã làm tăng thêm số lượng dòng người di cư truyền thống như di cư lao động. Chẳng hạn như số lượng lớn người lao động nhập cư Bangladesh ra nước ngoài làm việc và thậm chí phải chịu những khoản nợ lớn để làm việc đó.

Một số người thậm chí không còn gì để quay về vì thiên tai đã ảnh hưởng đến sản xuất cây trồng tại quê nhà cũng như không thể quay trở lại khu ổ chuột ở thành phố. Hay những người khác bị buộc phải di cư khi không còn khả năng sống ở quê nhà.

Hành động nhiều hơn nữa

Ông Thomas khẳng định các quốc gia cần tập trung vào các bước để đối phó với tình trạng dịch chuyển khí hậu đồng thời xây quỹ hoạt động cứu trợ và phục hồi, thích ứng với biến đổi khí hậu và thúc đẩy nền kinh tế khử carbon.

Ông cho biết hiện các nước châu Á chưa chuẩn bị sẵn sàng cho việc cứu trợ và phục hồi người tị nạn cũng như chưa thực hiện tốt việc xây dựng mạng lưới an toàn tài chính và xã hội. Điều cần xem xét trong tương lai sẽ là một cơ sở thu hút các nguồn lực trên khắp các quốc gia và hỗ trợ khi cần thiết.

"Hầu hết là khi vấn đề xảy ra, bạn không sẵn sàng về mặt tài chính. Khi nói đến khả năng thích ứng, số tiền phân bổ cho các giải pháp, chẳng hạn như bảo vệ bờ biển, phải được coi là một phần của ngân sách đầu tư - không phải là ngân sách tùy chọn. Vì vậy, chúng ta phải liên tục tăng cường khả năng thích ứng. Tăng cường khả năng chống chịu và cải thiện là những gì cần thiết để giải quyết vấn đề di cư do khí hậu", ông Thomas nói.

Bên cạnh đó, chuyên gia Wood cũng gợi ý các quốc gia khác ở Bắc bán cầu hoặc các nước công nghiệp hóa đã đóng góp rất nhiều vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Các quốc gia ở khu vực này có thể cung cấp con đường di cư và cơ hội việc làm cho người gặp nạn cũng như tài trợ để giúp các quốc gia khác thích ứng và quản lý vấn đề./.


Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ