(Tổ Quốc) - Triều Tiên hôm thứ Hai cho biết họ đã chuẩn bị hàng ngàn quả bóng bay và hàng triệu tờ rơi để sẵn sàng "đáp trả" Hàn Quốc.
Thông tin này, trong một bản tin trên truyền thông nhà nước Triều Tiên, được đưa ra một ngày sau khi Bình Nhưỡng cho biết họ đang chuẩn bị bắt đầu một chiến dịch phát tờ rơi chống lại Seoul – điều nước này nói rằng để đáp trả loạt tờ rơi đến từ các nhóm dân sự ở Hàn Quốc.
Những người đào thoát ở Hàn Quốc đã gửi những tờ rơi như vậy chỉ trích nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và các thông điệp thường được gắn vào bóng bay hoặc cho vào trong chai thả nổi.
"Việc chuẩn bị cho hoạt động phát tờ rơi lớn nhất từ trước đến nay đối với đối thủ gần như đã hoàn tất", một bản tin của hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết.
"Các tổ chức xuất bản và in ấn ở tất cả các cấp trong thủ đô đã phát ra 12 triệu tờ rơi các loại phản ánh sự phẫn nộ của mọi người từ mọi tầng lớp," KCNA viết.
KCNA cho biết, hơn 3.000 "bóng bay các loại có khả năng phát tán tờ rơi vào sâu bên trong Hàn Quốc, đã được chuẩn bị", cùng với các phương tiện phân phát khác, KCNA cho biết thêm.
Quan hệ liên Triều đã bị đóng băng trong nhiều tháng, sau khi quá trình đối thoại giữa ông Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump vào đầu năm ngoái không đạt được nhiều tiến bộ.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã là bên hòa giải cho một cuộc đối thoại giữa Bình Nhưỡng và Washington, nhưng Triều Tiên hiện đổ lỗi cho ông vì đã không thuyết phục được Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt.
"Hàn Quốc phải đối mặt với hậu quả. Chỉ khi trải qua cảm giác đau đớn và khó chịu như thế nào khi vứt tờ rơi và rác thải, họ mới từ bỏ thói quen xấu của mình", KCNA nói. "Thời điểm để trả đũa đang đến gần."
Triều Tiên hôm thứ Ba tuần trước cũng đã cho nổ văn phòng liên lạc liên Triều ở gần biên giới và đe dọa sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự của họ trong và xung quanh Khu phi quân sự.
Các hành động của Triều Tiên dường như được hiệu chỉnh cẩn thận, với việc Bình Nhưỡng vạch ra quy trình bằng cách đưa ra nhiều cảnh báo gia tăng từ các nguồn chính thức khác nhau - lãnh đạo, các cơ quan chính phủ và quân đội - trước mỗi bước đi.
Hai miền Triều Tiên về mặt kỹ thuật vẫn còn trong tình trạng chiến tranh sau khi chiến sự liên Triều kết thúc bằng một hiệp định đình chiến năm 1953 chứ chưa đạt được một hiệp ước hòa bình.