(Tổ Quốc) - Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam vừa phối hợp với UBND xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai tổ chức Tọa đàm về "Bảo tồn và phát huy di sản âm nhạc cồng chiêng".
- 25.12.2018 Gia Lai: Tập trung kêu gọi đầu tư vào các dự án du lịch mang tính đột phá
- 27.11.2018 Trình diễn nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian tại Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018
- 13.11.2018 Đề nghị đưa Nghệ thuật cồng chiêng dân tộc Co vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
- 08.11.2018 Phát hành logo Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai năm 2018
Ảnh minh họa (nguồn: Báo Gia Lai)
Buổi tọa đàm đã báo cáo kết quả công tác triển khai dự án "Di sản kết nối" tại xã Kông Lơng Khơng do Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam phối hợp với UBND xã Kông Lơng Khơng thực hiện dưới sự tài trợ của Hội đồng Anh.
Theo kết quả, từ tháng 12/2018 đã tổ chức tập huấn cho dân làng về nhận diện và bảo tồn di sản cho cộng đồng; đồng thời tổ chức sưu tầm hơn 60 hiện vật về đời sống âm nhạc và vật dụng sinh hoạt của đồng bào Bahnar, trưng bày tại khu vực nhà Rông làng Mơ Hra.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhằm tìm ra giải pháp bảo tồn, phát huy di sản âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên trong đồng bào Bahnar; giúp cho giới trẻ nhận thức được các giá trị của cồng chiêng Tây Nguyên và biến thành sinh kế góp phần vào sự phát triển của đời sống cộng đồng Bahnar.
Dịp này, đại diện Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam và Hội đồng Anh Việt Nam đã trao tặng dân làng Mơ Hra 1 bộ cồng chiêng; trao tặng UBND xã Kông Lơng Khơng Quỹ hỗ trợ âm nhạc cồng chiêng trị giá 50 triệu đồng.
Đây là một trong số các hoạt động trong khuôn khổ Dự án "Di sản Kết nối" do Hội đồng Anh thực hiện tại Việt Nam. Năm đầu tiên của Dự án tập trung vào âm nhạc truyền thống Việt Nam, hợp phần Di sản Văn hóa Cộng đồng được triển khai tại ba địa điểm: Gia Lai (âm nhạc cồng chiêng của người Bahnar), Ninh Thuận (âm nhạc nghi lễ Chăm) và Thành phố Hồ Chí Minh (Cải lương).
Dự án "Di sản Kết nối" sử dụng các hướng tiếp cận sáng tạo nhằm giúp các cộng đồng khác nhau đóng góp và hưởng lợi từ sự bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể, qua đó đem lại sự phát triển bền vững và rộng khắp trong ngành di sản.