(Tổ Quốc) - Một số kịch bản có thể xảy ra sau khi bà Park bị phế truất và một số ứng viên tiềm năng cho cuộc chạy đua vào Nhà Xanh.
Sau khi Toà án Hiến pháp Hàn Quốc duy trì kết luận luận tội Tổng thống Park Geun-hye, Hàn Quốc đang bước vào cơn lốc chính trị chuẩn bị cho một cuộc bầu cử tổng thống mới, có thể vào đầu tháng 5 tới.
Một số kịch bản có thể xảy ra và một số ứng viên tiềm năng cho cuộc chạy đua vào Nhà Xanh.
Căng thẳng bao trùm
Sau động thái từ Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc, nước này phải tổ chức bầu cử tổng thống trong vòng 60 ngày – đồng nghĩa là cuộc bầu cử có thể sẽ diễn ra vào ngày 9/ 5.
Theo Ủy ban Bầu cử Quốc gia Hàn Quốc, người thắng cuộc trong cuộc bầu cử sẽ ngay lập tức tuyên thệ nhậm chức lãnh đạo đất nước này.
Nếu không có một ủy ban chuyển tiếp công việc của tổng thống, tổng thống mới sẽ phải dựa vào các trợ lý và các bộ trưởng nội các của Tổng thống Park, ít nhất là trong vài tuần đầu tiên, trước khi thành lập một chính phủ mới.
Số phận của bà Park?
Bê bối của bà Park đã có ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống chính trị Hàn Quốc. (Nguồn: Reuters) |
Có thể cuộc chay đua bầu cử sẽ diễn ra song song với việc bà Park bị các công tố viên thẩm vấn về các cáo buộc đã cùng với bạn thân Choi Soon-sil gây sức ép lên các doanh nghiệp lớn ủng hộ cho hai tổ chức thúc đẩy các chính sách của Tổng thống, cũng như để bà Choi can thiệp sâu vào chuyện chính phủ mặc dù không nắm bất cứ chức vụ nào.
Các công tố viên đã xác định bà Park là một nghi phạm hình sự và hiện tại có thể mạnh mẽ tiến hành cuộc điều tra khi bà không còn được miễn trừ truy tố. Bà Park liên tục từ chối các cuộc gặp phỏng vấn với các công tố viên trong những tháng gần đây, tuy nhiên, điều này sẽ khó thực hiện hơn vì các công tố viên hiện tại có thể có lệnh bắt giữ bà.
Việc liên quan tới tòa án hình sự và có thể lĩnh án tù sẽ là một sự sụp đổ gây sốc cho Park - người đã đánh bại đối thủ tự do của mình trong cuộc bầu cử năm 2012 với sự ủng hộ mạnh mẽ từ những người dân Hàn Quốc lớn tuổi.
Căng thẳng về người kế nhiệm
Nhiều thành viên trong đảng bảo thủ Hàn Quốc đã bị ảnh hưởng bởi mối liên hệ trước đây của họ với Park, vì vậy một số chính trị gia tin rằng nhà lãnh đạo tiếp theo của Hàn Quốc sẽ được xác định trong các cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ Tự do, đảng lớn nhất trong các đảng đối lập của Hàn Quốc.
Và hai ứng cử viên hàng đầu của đảng này đang có những sắc thái khác biệt đáng kể về các vấn đề lớn, bao gồm cách tiếp cận về vấn đề Triều Tiên.
Moon Jae-in, người đã thua bà Park trong cuộc bầu cử năm 2012, tuy nhiên, giờ đây đang là một ứng viên sáng giá, cho rằng Seoul nên theo đuổi đối thoại, chứ không phải chỉ sử dụng các biện pháp trừng phạt, để thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân. Ông đã cam kết sẽ mở lại khu công nghiệp chung Kaesong ở thị trấn biên giới Triều Tiên - Hàn Quốc – nơi đã bị chính phủ của Park đóng cửa vào năm ngoái sau khi Triều Tiên thử hạt nhân và phóng tên lửa tầm xa.
Ông Moon cũng thể hiện sự sẵn lòng thách thức Hoa Kỳ, đồng minh chính của nước này, nói rằng Seoul nên xem xét lại kế hoạch triển khai THAAD, một hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến của Mỹ, để đối phó với các mối đe dọa Triều Tiên. Chính trị gia này cho rằng những lợi ích an ninh của THAAD sẽ bị hạn chế bởi các mối quan hệ tồi tệ hơn với Trung Quốc và Nga, vốn coi hệ thống radar mạnh mẽ này là mối đe dọa.
Thách thức lớn nhất của ông Moon trong các cuộc bầu cử sơ bộ có thể là An Heejung, thống đốc trung dung của tỉnh Nam Chungcheong. Quan chức này cho rằng sẽ rất khó khăn cho chính quyền kế nhiệm của Hàn Quốc để mở lại Kaesong khi Seoul phải cam kết thực hiện các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Triều Tiên về chương trình hạt nhân. Ông cũng ủng hộ sự cần thiết của THAAD. Quan điểm của ông An đã giúp ông giành được sự ủng hộ của nhiều người bảo thủ đã thất vọng với bà Park.
Xáo trộn trong khối bảo thủ
Sự hỗn loạn chính trị liên quan đến Park đã làm phức tạp bối cảnh chính trị đối với đảng bảo thủ Hàn Quốc Tự do (trước là đảng Saenuri) khi đảng này đã thất bại trong việc ngăn chặn hàng chục nhà lập pháp tách ra lập đảng mới để chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống.
Một số thành viên của đảng này đã báo hiệu việc tham gia cuộc đua tổng thống, bao gồm Thống đốc tỉnh Gyeongsang, Hong Joonpyo. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò cho thấy tỉ lệ ủng hộ của họ chỉ từ 0% - 5%.
Đối với đảng Bareun – tách ra từ đảng Hàn Quốc Tự do, triển vọng tranh cử cũng không hề khả quan. Trước đó, Bareun đã hy vọng thu hút được ông Ban Ki-moon, cựu Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc đại diện cho đảng này tranh cử tổng thống, tuy nhiên, ông Ban không tham gia cuộc đua này.
Người đại diện cho Bareun có thể sẽ là Yoo Seong-min, từng là trợ lý cho bà Park và sau đó là một nhà phê bình. Một cuộc thăm dò gần đây của Gallup Korea cho thấy sự ủng hộ của Yoo ở mức 1%.
Hy vọng lớn nhất dành cho các nhà bảo thủ để giành lại Nhà Xanh là Thủ tướng Hwang Kyo-ahn – hiện đang nắm quyền Tổng thống thay bà Park từ khi bà bị Quốc hội luận tội tháng 12/2016. Ông Hwang Kyo-ahn chưa tuyên bố sẽ tham gia ứng cử cho tổng thống, nhưng cũng chưa từng lên tiếng phủ nhận việc ông có thể tham gia bầu cử.
Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy sự ủng hộ dành cho ông Hwang ở mức khoảng 10 đến 15%, theo các cuộc thăm dò ý kiến. Kết quả này cho thấy ông Hwang vẫn đứng sau ông Moon về - người luôn nhận được sự ủng hộ khoảng 30%
Nếu ông Hwang tham gia vào cuộc đua tổng thống, vai trò điều hành chính phủ tạm thời sẽ được đặt lên vai Phó Thủ tướng Yoo Il-ho cho đến khi cuộc bầu cử diễn ra.
Dù cho kịch bản nào diễn ra thì tình hình chính trường Hàn Quốc trong thời điểm này đang hết sức hỗn loạn và có thể tiềm ẩn nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
(Theo AP)