(Tổ Quốc) - Phản ứng của Iran đối với vụ Jamal Khashoggi bị giết là đầy bất ngờ.
Tehran đã dành hàng tuần lặng lẽ theo dõi cuộc khủng hoảng quốc tế diễn ra xoay vụ nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi bị giết tại khuôn viên lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Các quan chức Iran phần lớn kiềm chế không bình luận công khai về cái chết và duyên cớ vụ việc khiến nhà báo hai quốc tịch Mỹ và Saudi Khashoggi, một cây viết của tờ Washington Post và nhà phê bình nhiều chính sách của Saudi, tử vong.
"Khó hiểu" Iran im lặng
Phản ứng thậm chí còn là sự lặng thinh của những nhân tố theo lập trường cứng rắn tại Iran – trước đó đã từng dấy lên nhiều tuyên bố căng thẳng giữa Iran – do người Hồi giáo Shitte lãnh đạo và Saudi Arabia – vương quốc của người Hồi giáo Sunni đứng đầu.
Nhưng cuối cùng sự im lặng đó đã bị phá vỡ vào ngày 22/10 trong một bài phát biểu của người đứng đầu mạnh mẽ và cứng rắn của giới Tư pháp Iran - Bộ trưởng Tư pháp Iran Ayatollah Sadeq Amoli Larijani. Ông này dường như đã trở thành quan chức Iran cấp cao đầu tiên công khai lên án vai trò đang bị nghi ngờ của các quan chức Saudi trong vụ Khashoggi bị giết hại.
Dư luận thế giới thời gian gần đây đều xoay quanh vụ Khashoggi thiệt mạng.
Trong phát biểu của mình, 20 ngày sau khi Khashoggi được nhìn thấy còn sống và bước vào lãnh sự quán Saudi, Larijani cáo buộc Saudi Arabia "lúc ban đầu đã sắp đặt để che đậy tội ác với sự giúp đỡ của phương Tây và gần đây, khi buộc phải thừa nhận vụ việc để thanh minh cho hệ thống tham nhũng của mình thì lại [tuyên bố] rằng một số nhân tố đi quá trách nhiệm đã thực hiện hành vi này".
Vụ việc Khashoggi đã tập trung sự chú ý của quốc tế vào một số chính sách gần đây của Saudi Arabia như bắt giữ một số nhà hoạt động vì nữ quyền – thậm chí điều này còn kéo theo căng thẳng giữa Riyadh với Canada, hay việc nước này tham gia cuộc chiến tại Yemen – nơi được cho là đang cận kề bờ vực của một thảm họa nhân đạo lớn.
Vụ việc này cũng làm rung chuyển mối quan hệ giữa Riyadh với các đồng minh thân cận nhất như Mỹ và một số nước EU và dấy lên một làn sóng kêu gọi tẩy chay và trừng phạt Saudi, như việc Đức tạm dừng các thương vụ vũ khí với nước này. Giữa bối cảnh này, sự im lặng của Tehran đặc biệt khó hiểu.
Cơ hội và lợi ích vàng của Iran?
Thấy rõ một thực tế rằng, dư luận công chúng quốc tế trong 20 ngày qua tập trung vào [vụ việc Khashoggi] là điều tích cực [đối với Tehran], vì nó làm giảm áp lực tâm lý đối với Iran
Ahmad Fateminejad
"Vào thời điểm khi Saudi Arabia đối mặt với áp lực khu vực và quốc tế gia tăng, thậm chí từ [Tổng thống Mỹ Donald] Trump, [Iran] không thấy lý do gì để can thiệp vào vấn đề này, "Hossein Alizadeh, cựu nhà ngoại giao Iran và một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình thuộc Đại học Tampare, Phần Lan, nói với RFE/RL.
"Cộng hòa Hồi giáo [Iran] và Saudi Arabia đang ở đỉnh cao của căng thẳng trong quan hệ [song phương], và Tehran có thể cảm thấy rằng, nếu họ tập trung vào vụ việc này, vào thời điểm mà Saudi muốn phản ứng lại tình thế khó khăn mà họ phải đối mặt, thì nước này có thể trả đũa".
Mặt khác, nếu có thêm nhiều bằng chứng khác cho thấy vụ việc này có liên quan tới Hoàng Thái tử Mohammad bin Salman (MBS) hay các quan chức cao cấp khác của Saudi Arabia, sức nóng của vụ việc có thể lan ra, thậm chí cả bên ngoài khu vực.
Ali Vaez, giám đốc dự án về Iran tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG), cho rằng Tehran có thể cảm nhận được một cơ hội trong vụ Khashoggi.
Vaez cho biết: "Nếu [vụ giết hại này] "hạ bệ" được Hoàng Thái tử Mohammad bin Salman, Iran có thể mở cánh cửa hòa giải với Riyadh; nếu không, thì sự kiềm chế lúc này của Iran có thể giúp giảm căng thẳng với Saudi Arabia". "Nhưng nhìn chung, Iran dường như rất hài lòng khi bước ra khỏi con đường mà đối thủ của mình đang tự bắn vào chân."
Nhà phân tích Ahmad Fateminejad tại Tehran bày tỏ nhận định với hãng tin bán chính thức ISNA gần đây rằng, Iran đã được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng ở Saudi bằng cách chỉ hành động và không nói gì.
"Thấy rõ một thực tế rằng, dư luận công chúng quốc tế trong 20 ngày qua tập trung vào [vụ việc Khashoggi] là điều tích cực [đối với Tehran], vì nó làm giảm áp lực tâm lý đối với Iran," ISNA trích lời Fateminejad nói.
Fateminejad cho biết thêm rằng, sự im lặng của Iran có thể được Saudi Arabia hiểu là một cử chỉ "thân thiện" vào thời điểm đất nước này bị tấn công từ mọi phía.
[Vụ việc] Khashoggi sớm hay muộn sẽ rời khỏi vòng tròn chính trị và truyền thông... mối quan hệ căng thẳng giữa Tehran và Riyadh sẽ là "vấn đề vĩnh cửu" trong chương trình nghị sự của khu vực và thế giới.
Sadeq Maleki
Nhà phân tích chính sách đối ngoại từ Iran, Sadeq Maleki, người đã đóng góp cho Dự án Iran và hãng tin Mehr, cũng cảnh báo Tehran không nên gia tăng căng thẳng và kêu gọi các quan chức Iran sử dụng cuộc khủng hoảng để xây dựng lại quan hệ với Saudi Arabia.
"[Vụ việc] Khashoggi sớm hay muộn sẽ rời khỏi vòng tròn chính trị và truyền thông", Maleki đã viết, và nói thêm rằng, mối quan hệ căng thẳng giữa Tehran và Riyadh sẽ là "vấn đề vĩnh cửu" trong chương trình nghị sự của khu vực và thế giới.
"Tehran và Riyadh không có bất kỳ lựa chọn nào khác hơn là hòa bình với nhau bằng cách thừa nhận và tôn trọng lợi ích chung," Maleki viết trong một bài phân tích cho trang irdiplomacy.ir. "Họ (Iran và Saudi Arabia-pv) sẽ phải từ bỏ (căng thẳng-pv) sớm hay muộn. Đừng để cơ hội qua đi cho đến khi quá trễ. "
Một nhà khoa học chính trị Iran Elahe Koulaee đã có một đề xuất khác cho Tehran. Các quan chức Iran có thể tận dụng làn gió phản đối Riyadh từ vụ Khashoggi để giảm bớt căng thẳng với Hoa Kỳ - một đồng minh Ả Rập truyền thống - trong nỗ lực điều chỉnh sự ảnh hưởng của các nước trong khu vực, bà nói.
"Bằng cách tập trung vào ngoại giao" khoa học và văn hóa ", Iran nên xây dựng lại các mối quan hệ với Hoa Kỳ và thay đổi sự cân bằng quyền lực trong khu vực thành lợi thế của mình", bà nói trên Twitter.