• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tôn vinh thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại Lễ đón bằng của UNESCO

Văn hoá 10/03/2017 22:14

(Tổ Quốc) - Lễ đón Bằng UNESCO ghi danh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại sẽ diễn ra ngày 2/4 (tức ngày 6/3 âm lịch) tại quần thể di tích Phủ Giầy, xã  Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Buổi lễ sẽ có những tiết mục nghệ thuật tôn vinh giá trị di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu chứ không có nghi thức hầu đồng. 

Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo chiều ngày 10/3 tại Hà Nội do Bộ VHTTDL tổ chức. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên chủ trì cuộc họp.

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên chủ trì cuộc họp báo

 Tại cuộc họp báo, đại diện địa phương tổ chức sự kiện, ông Khúc Mạnh Kiên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định cho biết: Buổi lễ đón nhận bằng công nhận của UNESCO là dịp để quảng bá, tôn vinh các giá trị đặc sắc của di sản văn hóa “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt” nói chung và hình ảnh quê hương Nam Định giàu truyền thống văn hóa với nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế. Tỉnh Nam Định sẽ tổ chức lễ đón bằng trang trọng, tiết kiệm, thể hiện được bản sắc và giá trị của di sản Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ của người Việt” mà Nam Định là trung tâm.

Sau phần lễ đón bằng công nhận ghi danh của UNESCO sẽ là chương trình nghệ thuật tập trung thể hiện rõ các giá trị tiêu biểu của tín ngưỡng thờ mẫu, nhất là hát văn…

Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Thờ Mẫu là tín ngưỡng có từ lâu đời của cư dân bách Việt. Đối tượng thờ phụng gồm những nhân vật nữ có công đức được dân gian sùng bái là Thánh Mẫu - người mẹ của trăm họ như: Mẫu Thoải, Mẫu Âu Cơ, Bà Chúa Thượng Ngàn, Bà Liễu Hạnh, Bà chúa Kho…, mỗi vị Thánh có hiệu linh riêng. Tỉnh Nam Định được coi là một trong những địa phương có các trung tâm thờ Thánh  mẫu Liễu Hạnh tiêu biểu với những nơi lưu giữ sự tích về sự giáng thế của Mẫu  như Phủ Dầy, Phủ Nấp và gần 400 nơi thờ cúng thánh Mẫu. Thánh mẫu Liễu Hạnh còn được thờ cúng tại các đền, phủ lớn khác gắn với huyện thoại về bà như Phủ Tây Hồ (Hà Nội), đền Sòng (Thanh Hóa), đền Bắc Lệ (Lạng Sơn)… Tín ngưỡng thờ Mẫu lan tỏa và được thực hành ở nhiều địa phương bởi các giá trị: Giáo dục lòng yêu nước, truyền thống  uống nước nhớ nguồn, tinh thần hòa hợp dân tộc, sáng tạo văn hóa dân gian, đề cao vai trò của người phụ nữ...

Trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt thì nghi lễ lên đồng được coi là trung tâm. Đây thực chất là một hình thức diễn xướng dân gian, thể hiện đức tin về sự giáng/nhập của các vị thần. Các giá đồng bao gồm hát văn, trang phục, múa thiêng được kết hợp hài hòa… Để nghi lễ lên đồng không bị biến tướng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị cần có quy định thống nhất về trang phục hầu đồng, đồ cung tiến, vàng mã… để tránh hiện tượng lãng phí tiền của vào đồ lễ trong các hoạt động liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu. Mặt khác, các đơn vị chức năng cần tuyên truyền, phổ biến để các thầy đồng hiểu được giá trị nhân văn cao đẹp và bản sắc văn hóa trong “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt” mà UNESCO đã ghi nhận. Việc này để đảm bảo việc thực hành nghi lễ đúng theo bản sắc tín ngưỡng chứ không phải là hành vi lợi dụng đức tin để trục lợi, mê tín dị đoan…

Toàn cảnh cuộc họp báo

Tại cuộc họp báo, Bộ VHTTDL cũng đã đưa ra bản dự thảo chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật  thể “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt” giai đoạn 2017-2020 gồm 5 điều.

Cũng tại cuộc họp báo, nhiều phóng viên báo chí bày tỏ lo ngại về hiện tượng biến tướng của hầu đồng, nảy sinh những hiện tượng chùa nào, đền nào cũng có hầu đồng như diễn ra vừa qua. Theo GS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, thành viên lập hồ sơ Di sản này cho rằng, ông không ủng hộ việc tràn lan hầu đồng và một số chùa có vị trí đặc biệt trong lịch sử, trong hệ thống di tích Việt Nam tổ chức hầu đồng như hiện nay như tại Chùa Một Cột, đền thờ Hai Bà Trưng…

Theo Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên, việc di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là một trong những cơ sở quan trọng để hiểu đúng và đầy đủ giá trị của di sản này. Cùng với Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản này do Bộ VHTTDL ban hành tới đây, Bộ VHTTD mong muốn báo chí sẽ tuyên truyền, phổ biến kiến thức về di sản nói chung và di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” nói riêng để công chúng có những trí thức, hiểu biết khoa học về di sản. Từ đó, những người thực hành sẽ chủ động tham gia vào quá trình bảo tồn và phát huy, kế thừa và phát triển di sản này một cách đúng đắn.

Thứ trưởng cũng mong muốn, việc tuyên truyền được đẩy mạnh để các thầy đồng hiểu được những giá trị nhân văn cao đẹp, bản sắc văn hóa của người Việt trong “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt”, không “phán truyền”, không lợi dụng trục lợi… đồng thời vinh danh, động viên khuyến khích các cung văn giỏi, có công sưu tâm, truyền dạy hát Văn, kết hợp với những thủ nhang, thầy đồng gương mẫu trong thực hành đúng về di sản…/.

Hoàng Nguyên

Ảnh: Thế Công

 



NỔI BẬT TRANG CHỦ