(Tổ Quốc) - Thời gian tới công tác phòng chống tham nhũng cần phải được tiến hành đồng bộ hơn giữa Trung ương và địa phương. Vừa qua, công tác này ở cấp Trung ương được thực hiện khá mạnh, nhưng ở cấp địa phương chưa thật sự vào cuộc.
Hôm qua (25/6) đã diễn ra Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm đánh giá tình hình, kết quả công tác phòng chống tham nhũng từ khi Ban Chỉ đạo được thành lập (năm 2013), nhất là từ Ðại hội XII của Ðảng đến nay và bàn phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.
Nhân dịp này, Báo Điện tử Tổ Quốc đã trao đổi với PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Lịch sử Đảng:
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Lịch sử Đảng. (Nguồn: kontumtv.vn) |
-Ông nhận định thế nào về công tác phòng chống tham nhũng đến thời điểm này?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Tôi đánh giá cao những kết quả, những bước tiến nổi bật trong công tác phòng chống tham nhũng từ Đại hội XII của Đảng đến nay. Những vụ tham nhũng lớn, số lượng đảng viên liên quan đến tham nhũng... đã được xử lý, việc thu hồi tài sản tham nhũng đều đã có bước tiến so với trước đây.
Thành công này rất rõ và đã được khẳng định. Kết quả này đã củng cố niềm tin vào công cuộc đấu tranh chống tham nhũng – một “tệ nạn” rất lớn vốn đang cản trở bước phát triển của đất nước, làm suy yếu hệ thống chính trị, làm mất niềm tin của nhân dân...Vì thế, kết quả công tác phòng chống tham nhũng đạt được từ Đại hội XII của Đảng cho đến nay rất đáng ghi nhận và là bước tiến vô cùng quan trọng.
Để đạt được kết quả đáng ghi nhận trong công tác phòng chống tham nhũng, theo tôi, trước hết là bởi quyết tâm chính trị, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, của ban lãnh đạo TƯ Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư... đặc biệt là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cùng với đó là sự vào cuộc đồng bộ của Quốc hội, của Chính phủ, của toàn dân...Tất cả đã tạo ra một sức mạnh tổng hợp, một phong trào hết sức mạnh mẽ về công cuộc phòng chống tham nhũng. Đặc biệt là đã tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức để ai cũng thấy rằng cấp thiết phải tạo ra cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Ngay cả thế giới cũng nhìn nhận phong trào đấu tranh phòng chống tham nhũng của Việt Nam có những bước tiến tích cực.
- Trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, vai trò của người đứng đầu có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với vai trò là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, của đất nước, đã thể hiện ý chí, quyết tâm chính trị rất cao. Ông cũng đã thể hiện rõ đường đi nước bước, cách thức chỉ đạo phù hợp nhằm tạo ra sự chuyển biến căn bản trong công tác phòng chống tham nhũng. Điều này rất quan trọng, bởi người lãnh đạo phải có quyết tâm, có cách thức để truyền tới toàn bộ hệ thống lãnh đạo của Đảng... thì mới tạo ra chuyển biến được. Người lãnh đạo bao giờ cũng phải gương mẫu, phải đi đầu, tạo ra những bước chuyển, nắm những khâu quan trọng... Những điều này chúng ta đã thấy rất rõ ở Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Vì thế, Tổng Bí thư đã được toàn Đảng, tất cả các tổ chức từ Trung ương đến cơ sở, những người tâm huyết với Đảng, người dân chân chính...đồng tình, ủng hộ. Nhân dân luôn nhắc đến người lãnh đạo cao nhất của Đảng với niềm tin và hy vọng.
-Theo ông, thời gian tới, chúng ta cần phải tiếp tục làm thế nào để công tác phòng chống đạt kết quả hơn nữa?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Thời gian tới công tác phòng chống tham nhũng cần phải được tiến hành đồng bộ hơn giữa Trung ương và địa phương. Vừa qua, công tác này ở cấp Trung ương được thực hiện khá mạnh, nhưng ở cấp địa phương chưa thật sự vào cuộc. Vì thế, cần phải khắc phục được tình trạng này vì đây là việc chung, là vận mệnh của đất nước.
Ngoài ra, xử lý cán bộ tham nhũng, xét về kỷ luật Đảng, xử lý hình sự theo pháp luật thì đã rõ. Tuy nhiên, việc thu hồi tài sản tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu, con số thu hồi tài sản tham nhũng chưa được nổi 10%. Đây là một hạn chế.
Chúng ta mới chú ý xử lý những con người, sự việc cụ thể... nhưng cơ chế để phòng ngừa tham nhũng còn chưa tốt. Phải lấy phòng làm căn bản để làm sao không xảy ra tham nhũng, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói rằng “không có điều kiện để tham nhũng”. Nghĩa là chúng ta cần phải bịt các lỗ hổng trong chính sách, pháp luât, cơ chế, cách thức quản lý kinh tế, cơ chế kiểm soát quyền lực, lựa chọn và sắp xếp cán bộ...
-Theo ông, Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng lần này có ý nghĩa như thế nào đối với công tác phòng chống tham nhũng, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Tại Hội nghị lần này, chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật xem công tác phòng chống tham nhũng từ Đại hội XII đến nay đã làm được những gì và chưa làm được gì. Từ đó để tìm ra nguyên nhân của thành công và nguyên nhân của những hạn chế. Hội nghị lần này có tính tổng kết thực tiễn rất cao để làm rõ những vấn đề đã làm được và chưa làm được.
Bên cạnh đó, thông qua Hội nghị sẽ thống nhất cao hơn nữa về nhận thức trong toàn Đảng, trong toàn bộ máy hệ thống chính trị về công tác phòng chống tham nhũng. Cần phải làm cho một số cá thể nhận thức rõ hơn nữa về ý nghĩa của phòng chống tham nhũng bởi trong số đảng viên vẫn có những người thoái chí, nhận thức rằng đây là việc khó, “sợ không làm được”. Về vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói “nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”.
Vì thế, Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng lần này có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Hội nghị đề ra phương pháp, đường đi nước bước tiếp tục cuộc chiến phòng chống tham nhũng thật hiệu quả. Qua Hội nghị sẽ tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trong công tác phòng chống tham nhũng, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh và hệ thống chính trị vững vàng để nâng cao đời sống nhân dân, củng cố sự đồng thuận trong xã hội, từ đó tiếp tục đưa đất nước ngày một phát triển.
-Xin cảm ơn ông!
Hà Giang