• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tổng thống Moon hợp tác với Mỹ giải quyết hạt nhân Triều Tiên

Thế giới 30/06/2017 16:00

(Tổ Quốc) - Những phiêu lưu ban đầu về chính sách đối ngoại của ông Moon nhường bước cho chính sách thực dụng.  

Tối  29/6, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc trao đổi thẳng thắn về một loạt vấn đề xung quanh bán đảo Triều Tiên. Trong cuộc thảo luận đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Hàn, hai bên đã nhất trí phát triển hơn nữa liên minh Hàn-Mỹ, cam kết phi hạt nhân hóa Triều Tiên, thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và đảm bảo sự phát triển kinh tế của hai nước dựa vào liên minh vững mạnh Hàn-Mỹ.

 Tổng thống Hàn Quốc Moon thăm Nhà Trắng thúc đẩy hợp tác Hàn-Mỹ để giải quyết quan hệ với Triều Tiên

Ông Moon cho rằng “liên minh Hàn-Mỹ là một hành trình lớn hướng tới hòa bình và thịnh vượng”. Việc thiết lập mối quan hệ thân thiết và riêng tư giữa hai nhà lãnh đạo Hàn-Mỹ cũng là một mục tiêu quan trọng trong chuyến công du Mỹ của Tổng thống Moon. Trên trang mạng cá nhân, ông Trump cho biết ông đã thảo luận “hiệu quả” với người đồng cấp Hàn Quốc về nhiều vấn đề song phương và khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Triều Tiên và một thỏa thuận thương mại mới.

Phối hợp Hàn-Mỹ để đối phó với Bình Nhưỡng      

Triều Tiên là bậc thầy lợi dụng mâu thuẫn Mỹ-Hàn Quốc. Mỗi lần, một tổng thống Hàn Quốc muốn hòa giải với Triều Tiên và phê phán chính sách cứng rắn của Mỹ đối với Triều Tiên, Bình Nhưỡng lại có không gian dễ thở hơn. Những trục trặc chính sách Triều Tiên giữa hai nước đồng minh đã tạo ra một cục diện có lợi để Bình Nhưỡng theo đuổi chiến lược hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Tổng thống Moon Jae-in đã hành động để tránh tình trạng này. Chỉ sau hơn một tháng rưỡi nhậm chức, Tổng thống Moon Jae-in đã vượt lên những tuyên bố dân túy để tiến đến những chủ trương thực dụng. Nhưng, trước tình hình phức tạp của quan hệ liên Triều và Hàn-Mỹ, chính sách của ông Moon không tránh khỏi các mâu thuẫn khó giải quyết.

Trong bài diễn văn nhậm chức, ông Moon tuyên bố: “Tôi sẵn sàng đi đến bất cứ đâu vì hòa bình của bán đảo Triều Tiên – nếu cần, tôi sẽ ngay lập tức bay tới Washington. Tôi sẽ tới Bắc Kinh và tôi sẽ tới Tokyo. Nếu các điều kiện được cải thiện, tôi sẽ tới Bình Nhưỡng”. Ông Moon bày tỏ ý muốn đưa mối quan hệ liên Triều vào một khuôn khổ khu vực, “mang lại một bước ngoặt nhằm giảm bớt những căng thẳng trên bán đảo bằng cách kiên quyết thiết lập một chế độ hòa bình tại Đông Bắc Á”.

Bất chấp sự lạc quan của Hàn Quốc, tại Washington, giới chức Mỹ thận trọng về nghị trình của ông Moon, lo ngại rằng sự can dự của ông Moon đối với Bình Nhưỡng sẽ xung đột với nhịp độ và chính sách mà chính quyền Trump chủ trương. Nhiều người dự đoán về căng thẳng giữa chính phủ bảo thủ ở Washington và chính phủ tự do ở Seoul.

Bình Nhưỡng đã không ngừng tạo ra sức ép thông qua các vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung thời gian qua. Tổng thống Moon buộc phải nhấn mạnh: “Chúng ta để ngỏ cửa cho đối thoại với Triều Tiên, nhưng chúng ta phải hành động dứt khoát chống lại những khiêu khích của Triều Tiên để nước này không tính toán sai lầm... Chúng ta phải chứng tỏ rằng đối thoại là có thể khi Triều Tiên thay đổi thái độ của họ”. Hồi giữa tháng 5, một đại diện của Hàn Quốc tham dự Diễn đàn Vành đai và Con đường tại Bắc Kinh đã gặp người đồng cấp phía Triều Tiên để truyền đạt thông điệp tương tự.

Suh Hoon, người đứng đầu Cơ quan tình báo quốc gia mới, được Tổng thống Moon tín nhiệm, nói với New York Times: “Điều chúng tôi cần nhất là phải tìm ra một bước đột phá để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Khi những điều kiện như vậy đã chín muồi, tôi cho rằng chúng tôi có thể đến Bình Nhưỡng”.

Mỹ và Hàn Quốc gần đây đã không đòi phi hạt nhân hóa như điều kiện tiên quyết để mở cánh cửa thương lượng với Bình Nhưỡng. Ông Moon nói: “Để không thưởng cho Bắc Triều Tiên về những hành động xấu của họ, Hàn Quốc và Mỹ cần tham khảo chặt chẽ để đối lấy việc Triều Tiên đông kết chương trình hạt nhân”. Ông Trump cũng nói đến việc sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên trong những tình huống cho phép.

Ông Moon là một đồng minh trung thành của Mỹ, nhưng không phụ thuộc. Ông coi Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) là để Trung Quốc gây sức ép với Bình Nhưỡng, nhưng không tán thành sự triển khai vội vàng hệ thống này. Ông muốn có sự tự chủ lớn hơn đối với hoạt động phòng thủ đất nước.

 Người Hàn Quốc tiếp tục phản đối triển khai THAAD. Nhưng quá trình này dường như không bị đảo ngược, dù có thể trì hoãn

Tổng thống Moon Jae-in đã giải thích với các nghị sĩ Mỹ về quyết định hoãn triển khai hệ thống THAAD tại Hàn Quốc để đánh giá về tác động với môi trường. Điều này không có nghĩa Hàn Quốc thay đổi quyết định về việc triển khai THAAD.

Tổng thống Moon Jae-in, Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Shinzo Abe sẽ có cuộc gặp ba bên trước thềm Hội nghị G-20 sắp diễn ra tại Đức.

Chính quyền Mỹ có đòn bẩy là Hiệp định thương mại Mỹ-Hàn và sử dụng nó để tác động vào lập trường của chính quyền mới ở Seoul./.

 

Người bình luận

NỔI BẬT TRANG CHỦ