• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tổng thống Mỹ công du nhắm đến an ninh Arab - Israel

Thế giới 08/07/2022 11:35

(Tổ Quốc) - Sự phối hợp chưa từng có giữa quân đội Israel và Ả Rập đang được chú ý khi ông Joe Biden thực hiện chuyến công du Trung Đông đầu tiên trên cương vị tổng thống.

Trước đó, các bất đồng về an ninh giữa Israel và Ả Rập đã được giảm đi đáng kể từ khi Hiệp định Abraham 2020 bình thường hóa quan hệ giữa Israel và bốn quốc gia thuộc Liên minh Ả Rập được đàm phán dưới thời chính quyền Trump. Mối quan hệ hai bên đã phát triển hơn nữa kể từ khi Lầu Năm Góc chuyển đổi quan hệ phối hợp với Israel từ Bộ Tư lệnh Châu Âu của Mỹ sang Bộ Tư lệnh Trung tâm (CENTCOM), vào năm ngoái. Động thái này đã đưa quân đội của Israel với các đối thủ Ả Rập trước đây, bao gồm cả Saudi Arabia và các quốc gia khác chưa công nhận Israel, vào diện tăng cường tiếp xúc nhiều hơn.

Chú trọng mục tiêu an ninh

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết, việc khuyến khích các quốc gia Ả Rập tăng cường quan hệ an ninh và quan hệ tổng thể với Israel là một trong những mục tiêu trong chuyến công du của ông Biden tới Israel và Saudi Arabia vào tuần tới.

Ngay trong năm nay, các hoàng tử Ả Rập vùng Vịnh và các chức sắc khác đã tham dự và theo dõi từ boong tàu khi Mỹ triển khai cuộc huấn luyện có người nhái, thủy thủ và sử dụng công nghệ quốc phòng của Israel tại Biển Đỏ. Đây là một trong những cuộc tập trận ngày càng tăng của Israel cùng với quân đội Mỹ và Ả Rập.

Tổng thống Mỹ công du nhắm đến an ninh Arab - Israel - Ảnh 1.

Mỹ đang muốn thúc đẩy sự xích lại giữa Israel và các đồng minh vùng Vịnh. Ảnh: AP.

Một sĩ quan liên lạc của Israel sẽ được bổ nhiệm đến trụ sở Hạm đội 5 của Mỹ ở Bahrain, quốc gia vùng Vịnh mới công nhận Israel vào năm 2020. Các quan chức quốc phòng Ả Rập và Israel ngày càng tăng cường tham vấn ý kiến lẫn nhau, tìm kiếm các lĩnh vực để phối hợp an ninh và cách thức phối hợp năng lực quân sự, tình báo và vũ khí.

Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa và Dân chủ đã ban hành luật vào tháng trước nhằm định hướng Lầu Năm Góc hình thành một hệ thống phòng không chung cho Israel và các quốc gia Ả Rập chống lại tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái của Iran.

Các thành viên làm việc cùng CENTCOM cũng đang phối hợp về an ninh hàng hải, một quan chức Israel đề nghị giấu tiên cho biết. Ý tưởng là CENTCOM có thể điều phối hành động giữa các quốc gia và "hiện thực hóa tầm nhìn về phòng thủ trong khu vực," quan chức Israel này cho biết.

Các quan chức Mỹ cho đến nay chỉ công bố rất ít thông tin về mối quan hệ hợp tác liên tục được tăng cường giữa Israel và Ả Rập do lo ngại công chúng Ả Rập có thể phản đối việc hai đối thủ lâu năm xích lại. Lầu Năm Góc đã từ chối yêu cầu bình luận về vấn đề này. Đại sứ quán Saudi Arabia tại Washington cũng không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Đối với các nhà lãnh đạo Ả Rập và Israel, "động lực số 1 là mối đe dọa chung từ Iran và các lực lượng ủy nhiệm của Iran", Daniel Shapiro, cựu đại sứ tại Israel và là người ủng hộ nổi bật cho liên minh mới nổi giữa Israel và các quốc gia Ả Rập.

Đặc biệt là khi Saudi Arabia thúc đẩy các mối quan hệ an ninh theo CENTCOM và điều đó làm gia tăng triển vọng về một "liên minh Ả Rập Sunni thống nhất thực sự sát cánh với Israel" để chống lại Iran do người Hồi giáo Shiite lãnh đạo, ông Shapiro nói.

Israel cũng coi Iran là đối thủ lớn nhất của mình, với lý do chương trình hạt nhân, các hoạt động quân sự và hỗ trợ cho các nhóm chiến binh thù địch của Tehran có thể đe dọa nước này.

Các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh liên minh với Mỹ từ lâu đã cảnh giác với việc Iran hỗ trợ lực lượng dân quân và các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực. Trong khi thiếu các loại vũ khí tinh vi do Mỹ sản xuất, Iran có một kho vũ khí đáng kể gồm tên lửa đạn đạo, máy bay không người lái và các loại vũ khí khác.

Việc thúc đẩy khu vực này hội nhập nhiều hơn với quân đội hiện đại của Israel có thể xoa dịu những phàn nàn của Saudi Arabia và UAE rằng Mỹ không làm đủ để bảo vệ họ khỏi Iran. Tình hình hiện tại có thể mở đường cho phép các quốc gia Ả Rập làm việc với Israel, bất chấp việc Israel không đạt được giải pháp chính trị với người Palestine – điều các quốc gia Ả Rập từ lâu đã yêu cầu đã coi là một điều kiện để công nhận Israel.

Mỹ cũng hy vọng sự phối hợp an ninh hiện tại đồng nghĩa với việc các nước trong khu vực sẽ có trách nhiệm hơn đối với an ninh của chính họ và Mỹ có thể giảm bớt sự chú ý kéo dài hàng thập kỷ tại đây để hướng sự chú ý nhiều hơn đến Nga và Trung Quốc.

Làm quá mối đe dọa từ Iran?

Tuy nhiên, những người phản đối đã cáo buộc Israel thổi phồng mối đe dọa về Iran.

"Họ muốn nhận được sự công nhận từ các quốc gia Ả Rập và Iran là tấm vé của họ đến đó", Vali Nasr, chuyên gia về Iran và Trung Đông tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins, đồng thời là cựu cố vấn của chính quyền Obama cho biết.

Thậm chí những cảnh báo mạnh mẽ hơn đã được đưa ra từ Ngoại trưởng Antony Blinken, trong một bài báo năm 2017 chống lại việc Tổng thống Donald Trump thúc đẩy chính sách xây dựng "NATO Ả Rập." Một liên minh an ninh Ả Rập Sunni "có thể kéo Mỹ vào cuộc đấu tranh giáo phái giữa Sunni và Shia", ông Blinken viết sau đó.

Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, những động thái hiện tại trong khuôn khổ CENTCOM không phải là NATO Ả Rập, thay vào đó thúc đẩy sự phối hợp giữa Israel và các đối tác Ả Rập để chống lại các mối đe dọa từ Iran.

Các quan chức hàng đầu của Saudi Arabia đã ra dấu hiệu ủng hộ CENTCOM để thu hút quân đội hiện đại hùng mạnh của Israel vào phối hợp với các quốc gia Ả Rập. Đến thăm Mỹ đầu năm nay, Thứ trưởng Quốc phòng Saudi Khalid bin Salman đã có chuyến thăm trụ sở CENTCOM ở Florida và hỏi về việc điều phối khả năng phòng không khu vực và các bước khác.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ