(Tổ Quốc) - Với nụ cười rạng rỡ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lại trở thành tâm điểm của một sự kiện lớn của châu Âu, theo hãng tin AP.
Bức ảnh chụp hơn 40 nhà lãnh đạo châu Âu đứng xung quanh Tổng thống Pháp hôm thứ Năm (ngày 6/10) đã gửi đi tín hiệu về một hình ảnh mang tính biểu tượng cho sự thống nhất của châu Âu khi châu lục này phải đối phó với cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Ông Macron ghi điểm với sáng kiến thượng đỉnh
Đây là hình ảnh được ghi lại tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Cộng đồng Chính trị châu Âu và sự kiện này là một thành công bước đầu đối với ông Macron, người đã đưa ra ý tưởng này vài tháng trước.
Khi chào đón nhà lãnh đạo Pháp tại thủ đô Praha, Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala nói với ông Macron: "Đây là một ngày tuyệt vời đối với ông".
Hội nghị thượng đỉnh này được tổ chức nhằm thúc đẩy an ninh và thịnh vượng trên toàn châu Âu và đã quy tụ các thành viên hiện tại của Liên minh châu Âu EU, các đối tác của họ ở Balkan và Đông Âu, cũng như Anh và Thổ Nhĩ Kỳ. Nga là cường quốc châu Âu duy nhất không được mời, cùng với nước láng giềng Belarus.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, người đã phát biểu qua cầu truyền hình, cho biết: "Chúng tôi không chỉ được đón nhận vào một cơ chế hợp tác nữa ở châu Âu mà còn là một cơ hội cực kỳ mạnh mẽ để khôi phục hòa bình ở châu Âu".
Các nhà lãnh đạo khác đã cảm ơn ông Macron về sáng kiến này. Tại một cuộc họp báo, ông Macron nói rằng sự kiện này đã gửi đi một thông điệp "mạnh mẽ". Ông nói: "Ở quy mô châu lục, chúng tôi đang cố gắng khắc phục các vấn đề.
Cuộc họp tiếp theo sẽ được tổ chức tại Moldova vào mùa xuân tới.
Tại Praha, ông Macron cũng tiếp tục hoạt động ngoại giao của mình, trong đó có việc cải thiện mối quan hệ phức tạp giữa Pháp-Anh và hướng tới xoa dịu một số căng thẳng trong khu vực.
Thủ tướng Anh Liz Truss, người gần đây đã bày tỏ mong muốn "tái gắn kết" với Pháp sau những căng thẳng hậu Brexit, đã gọi ông Macron là "một người bạn". "Điều chúng ta đang nói đến là làm thế nào để Vương quốc Anh và Pháp có thể hợp tác chặt chẽ hơn với nhau", bà nói.
Cùng với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, ông Macron đã kêu gọi được sự tham dự của lãnh đạo nhiều quốc gia vốn đối địch với nhau như Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia và Azerbaijan. Vào tháng trước, Armenia và Azerbaijan đã tiến hành đối thoại về việc ngừng bắn để chấm dứt lần giao tranh gần đây khiến 155 binh sĩ của cả hai bên thiệt mạng.
Ông Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đã có cuộc gặp liên tiếp với các nhà lãnh đạo của Kosovo và Serbia. EU nhiều năm qua đã dõi theo tiến trình đàm phán bình thường hóa quan hệ giữa hai nước này và tuyên bố rằng hai bên phải đối thoại thành công để có thể trở thành thành viên trong khối 27 quốc gia EU. Serbia từ chối công nhận tuyên bố độc lập năm 2008 của Kosovo.
Củng cố vị thế trong nước và nước ngoài
Được bầu lần đầu vào năm 2017, ông Macron đã luôn thúc đẩy một cách tiếp cận phát huy vai trò của châu Âu và tại mỗi sự kiện lớn, ông đều tìm cách đóng vai trò then chốt trong ngoại giao toàn cầu.
Vào tháng 4 năm nay, ông Macron đã tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, giành chiến thắng trước đối thủ cực hữu theo chủ nghĩa dân tộc Marine Le Pen ở vòng hai.
Chiến thắng này đã củng cố vị thế của ông với tư cách là một nhà lãnh đạo hàng đầu ở châu Âu vì người đồng cấp nặng ký khác, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, vẫn còn tương đối mới với công việc của mình sau khi kế nhiệm bà Angela Merkel vào năm ngoái.
Ông Macron cũng giữ chức chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu trong nửa đầu năm nay và coi các lệnh trừng phạt đối với Moscow là hành động thích hợp đáp trả cuộc xung đột của họ với Ukraine.
Tuy nhiên, tại nước Pháp, sức mạnh chính trị của ông có vẻ yếu đi sau cuộc bầu cử quốc hội tháng 6 vừa qua. Đảng của ông đã mất thế đa số tại Quốc hội và buộc phải tìm kiếm thỏa thuận hợp tác với nhiều nghị sĩ khác.
Ông Macron đã phần nào vượt qua điều này khi duy trì được sự ủng hộ của người dân trong suốt mùa hè qua, một phần nhờ vào một loạt các biện pháp giúp người Pháp đối phó với giá thực phẩm và năng lượng tăng, bao gồm giới hạn giá khí đốt và giá điện.
Là một người ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương, ông Macron đang chuẩn bị cho nhiều sự kiện khác để thúc đẩy quan điểm của mình trên trường quốc tế.
Ông dự kiến sẽ đến Ai Cập vào tháng tới để tham dự hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và tham dự hội nghị thượng đỉnh của Nhóm 20 quốc gia giàu có và đang phát triển hàng đầu tại Bali, Indonesia.
Sau đó, vào đầu tháng 12, ông sẽ tới Washington để thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden. Đây là một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa Paris và Washington đã được cải thiện sau những rạn nứt liên quan đến việc bán tàu ngầm cho Australia hồi năm ngoái./.