(Tổ Quốc)-Thời điểm chín muồi cho một giải pháp tạm thời gác tranh chấp để hợp tác toàn diện Nga-Nhật.
Trong cuộc gặp 30 phút giữa Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Sochi, ngày 2/12 vừa rồi, ông Kishida đã đề nghị Tổng thống Nga tháo gỡ những vướng mắc trong vấn đề tranh chấp Nam Kuril để thúc đẩy đàm phán ký kết hiệp ước hòa bình và triển khai các chương trình hợp tác kinh tế tại vùng Viễn Đông Nga. Đây là cuộc gặp cấp ngoại trưởng hai nước cuối cùng trước khi Tổng thống Putin thăm Nhật Bản ngày 15-16/12 tới.
Tổng thống Putin tiếp Ngoại trưởng Nhật Bản Kishida tại Sochi, ngày 2/12, hoàn tất chương trình nghị sự cho chuyến thăm Tokyo của Tổng thống Nga |
Mặc dù còn những bất đồng về các đảo tranh chấp, hai bên dường như quyết tâm không bỏ lỡ cơ hội thuận lợi đối với cả hai phía. Ông Kishida đã chuyển thư của Thủ tướng Nhật Bản Abe gửi Tổng thống Putin và nhận thư phúc đáp của Tổng thống Nga.
Ông Kishida hoan nghênh phát biểu của Tổng thống Putin hồi đầu tuần vừa rồi thể hiện lạc quan về việc có thể “đạt tiến bộ thực chất” trong quan hệ hai nước. Ngoại trưởng Nhật Bản khẳng định đã chuyển lập trường của Tokyo về vấn đề lãnh thổ và về đàm phán hiệp ước hòa bình tới Tổng thống Putin.
Tại cuộc gặp Sochi, Tổng thống Putin khẳng định Nga đang nỗ lực để đạt được tiến bộ trong mọi vấn đề mà hai nước quan tâm.
Ông Kishida cho biết sẽ rất khó cho Nhật Bản chấp nhận việc hai bên thực hiện các dự án kinh tế chung tại 4 đảo tranh chấp chừng nào các đảo này vẫn do Nga kiểm soát và “nếu các hoạt động ấy làm suy yếu vị trí pháp lý của Nhật Bản về các đảo này”. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nhật Bản cam kết nỗ lực “khắc phục những khác biệt về lập trường của hai nước và hướng tới ký kết hiệp ước hòa bình bằng một giải pháp hai bên đều chấp nhận được”.
Trong khi đó, Igor Morgulov, Thứ trưởng Ngoại giao Nga phụ trách cuộc đàm phán hiệp ước hòa bình với Nhật Bản, nhấn mạnh: “Lập trường của Nga về các cuộc đàm phán hiệp ước hòa bình vẫn không thay đổi. Nhật Bản cần công nhận vô điều kiện kết quả do cuộc Chiến tranh thế giới thứ II mang lại”.
Về công khai, các nhà ngoại giao hai nước vẫn giữ lập trường nguyên tắc của mỗi bên trước cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Nhật tại Tokyo sắp tới.
Tranh chấp chủ quyền đối với 4 hòn đảo hiện do Nga kiểm soát tại Nam Kuril, mà Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc, đã ngăn cản hai nước ký hiệp ước hòa bình 70 năm qua. Tuần trước, Nhật Bản đã lên tiếng phản đối việc Nga triển khai hệ thống tên lửa chống hạm ở 2 đảo tranh chấp mà Tokyo gọi là Etorofu và Kunashiri trong khi Nga gọi là Iturup và Kunashir. Phía Nga khẳng định việc triển khai các tổ hợp tên lửa bảo vệ bờ biển tại khu vực quần đảo trên không ảnh hưởng đến xu thế hiện nay trong mối quan hệ song phương với Nhật Bản, cụ thể là kế hoạch chuẩn bị cho chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Putin, cũng như các cuộc tiếp xúc nhằm phát triển mối quan hệ song phương, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, và các cuộc đàm phán về ký hiệp ước hòa bình.
Phía Nga kỳ vọng chuyến thăm Nhật Bản tới đây của Tổng thống Putin sẽ tạo động lực mới trong phát triển quan hệ giữa hai nước trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là phát triển vùng Viễn Đông Nga. Thúc đẩy quan hệ với Nhật Bản sẽ giảm sức ép của phương Tây đối với Nga về cấm vận và tránh cho Nga quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Sự có mặt kinh tế của Nhật Bản tại Viễn Đông Nga, nơi đất rộng người thưa, sẽ mang lại lợi ích kép: Vừa phát triển vùng lãnh thổ này bằng vốn và công nghệ của Nhật Bản, vừa đối trọng với Trung Quốc đang tìm cách thâm nhập về kinh tế, lãnh thổ và di dân vào khu vực này.
Nhật Bản cũng cần củng cố quan hệ với Nga để giảm sức ép từ phía Trung Quốc trên biển Hoa Đông, cũng như giảm việc Trung Quốc lôi kéo Nga tăng áp lực lên Nhật Bản. Nhưng nhiều khả năng, Nga sẽ không “đổi đảo lấy các lợi ích kinh tế”.
Thời điểm quốc tế cũng thuận lợi đối với cả hai nước, khi Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump tỏ ra muốn cải thiện với Nga, trong khi chính quyền Obama sắp rời Nhà Trắng cũng không tạo sức ép quá mạnh để ngăn cản Nhật Bản xích lại gần Nga.
Shinzo Abe và Vladimir Putin có quan hệ gần gũi và thân thiện với nhau. Cả hai cùng có vị trí chính trị trong nước tương đối vững chắc. Uy tín của chính quyền Abe trong dư luận Nhật Bản đang ở mức cao, phe đối lập suy yếu, cho phép Thủ tướng Abe vượt qua sự chống đối trong nước nếu thực hiện một giải pháp thỏa hiệp nào đó. Tổng thống Putin cũng đã “dọn dẹp” sân nhà của mình, loại bỏ những nhân vật cứng rắn chống các thỏa hiệp mà ông Putin có thể thu xếp.
Hiện vẫn chưa rõ hình thù một thỏa hiệp Nga-Nhật có thể đạt được trong dịp Tổng thống Putin thăm Tokyo sắp tới là gì. Nhưng các tin tức trong thời gian qua cho thấy hai bên sẽ thực hiện một kiểu thỏa thuận tạm thời theo tinh thần “gác tranh chấp cùng khai thác”, đồng thời tiếp tục tìm kiếm một công thức pháp lý có thể chấp nhận được đối với cả hai phía cho đến khi một hiệp ước hòa bình được ký kết.
Sự cải thiện quan hệ kinh tế thương mại có thể tạo không khí thuận lợi cho hai bên tiến tới giải pháp cuối cùng./.
Người bình luận