• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tổng thống Trump thống trị “điểm nóng” toàn cầu 2017

Thế giới 16/02/2018 11:00

(Tổ Quốc) - Thế giới đã để lại dấu ấn mạnh mẽ trong năm 2017 bởi hàng loạt sự kiện lớn và có sức ảnh hưởng rộng khắp trên nhiều bình diện như chính trị, ngoại giao, kinh tế, công nghệ….  

Thế giới đã để lại dấu ấn mạnh mẽ trong năm 2017 bởi hàng loạt sự kiện lớn và có sức ảnh hưởng rộng khắp trên nhiều bình diện như chính trị, ngoại giao, kinh tế, công nghệ….

1. Tổng thống Donald Trump và một năm cầm quyền

Ông Donald Trump đã vận động tranh cử tổng thống Mỹ với những cam kết sẽ thực hiện những điều khác biệt trong chính sách đối ngoại. Ông đã rút Mỹ khỏi Hiêp định Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, rút khỏi Hiệp định Khí hậu Paris, từ chối xác nhận Iran tuân thủ các nghĩa vụ hạt nhân, công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, tăng cường sử dụng máy bay không người lái.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có một năm cầm quyền đầy biến động.

Chiến lược An ninh quốc gia mới của Mỹ, được Tổng thống Trump công bố ngày 18/12, cũng thể hiện rõ chính sách đề cao lợi ích quốc gia của Mỹ.

Về đối nội, Tổng thống Trump cắt giảm 1/3 chi tiêu ngoại giao và các khoản viện trợ quốc tế; siết chặt kiểm soát nhập cư, xây dựng chính sách thuế quan mới...

Dù vậy, việc ông Trump phản đối các chính sách đối ngoại truyền thống thậm chí đã khiến một số đồng minh lo ngại về sự hiện diện của Mỹ trên toàn cầu.

2. Đại hội 19 và hình ảnh Chủ tịch Tập Cận Bình

Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc vạch ra tư tưởng, phương châm, sách lược phát triển trong giai đoạn tới cùng tầm nhìn chiến lược đến năm 2050 với mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại và có tầm ảnh hưởng dẫn đầu thế giới. Đại hội đã thông qua nghị quyết sửa đổi Điều lệ Đảng, bổ sung tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới làm nền tảng chỉ đạo con đường phát triển.

Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình đã giành được sự ủng hộ sau bài phát biểu hồi tháng 1/2017 tại Davos trong việc thúc đẩy toàn cầu hoá và chống lại chủ nghĩa bảo hộ. Trong tháng 4, Chủ tịch Trung Quốc đã đến thăm Mỹ và gặp gỡ chính thức Tổng thống Donald Trump.

Vào tháng sáu, Chủ tịch Tập cũng đã giành được nhiều sự ủng hộ toàn cầu hơn khi gia tăng gấp đôi cam kết của ông đối với thỏa thuận khí hậu Paris. Trong Đại hội 19, ông Tập Cận Bình đã được bổ nhiệm nhiệm kỳ 5 năm thứ hai trên cương vị Tổng Bí thư của đảng, trong khi Đại hội 19 cũng đưa Tư tưởng Tập Cận Bình vào điều lệ Đảng.

3. Triều Tiên liên tiếp thử hạt nhân và tên lửa

Đầu tháng 9, Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ sáu. Ba tháng sau, họ đã thử nghiệm một tên lửa đạn đạo có khả năng phóng vào bất cứ thành phố nào của Hoa Kỳ. Tổng thống Trump nói rằng ông sẽ ngăn chặn Triều Tiên và nói rằng "các giải pháp quân sự hiện nay đang được xem xét."

Ông Trump cũng đã thúc đẩy Trung Quốc giải quyết vấn đề vấn đề này. Trong khi Bắc Kinh đang áp dụng một lập trường cứng rắn hơn về Triều Tiên, họ chưa thể buộc Bình Nhưỡng phải rút chương trình tên lửa và hạt nhân.

Mặt khác, việc coi Triều Tiên vẫn là một cường quốc hạt nhân cũng đặt ra những rủi ro lớn. Washington, Bắc Kinh, Seoul và Tokyo vẫn phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn trong năm 2018.

4. IS bị đánh bại tại Iraq, Syria

Cuộc chiến chống khủng bố tại Trung Đông đã đạt được dấu ấn quan trọng khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bị đánh bật khỏi hầu hết các thành trì lớn từng chiếm đóng ở Iraq và Syria.

IS đang thất thế tại Iraq và Syria.

Vào tháng 10/2016, quân đội Iraq và lực lượng người Kurd được ủng hộ bởi Anh, Pháp và Hoa Kỳ, cũng như của Iran, đã khởi động một cuộc tấn công giải phóng Mosul. Tháng 6 năm 2017, sau 3 năm dài, thành phố này cuối cùng đã được giải phóng.  

Với sự trợ giúp của Nga, sau 6 năm chiến sự ác liệt, quân đội Syria cũng đã thành công đánh bại IS, đẩy nhóm này rời khỏi thành trì lớn Raqqa.

5. Tăng trưởng toàn cầu hồi phục ấn tượng

Mười năm sau khi cuộc suy thoái kinh tế bắt đầu, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang được thúc đẩy và thị trường chứng khoán trên thế giới đang đạt mức cao kỷ lục. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết trong tháng 10/2017 rằng "Triển vọng đang gia tăng, với sự hồi phục đáng chú ý trong đầu tư, thương mại và sản xuất công nghiệp, cùng với sự niềm tin gia tăng."

IMF ước tính tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt mức trung bình 3,6% trong năm 2017 – cao hơn nửa điểm phần trăm so với năm 2016. Khu vực đồng tiền chung Châu Âu đã có mức tăng trưởng đặc biệt, ở mức cao nhất trong mười năm trong khi kinh tế Mỹ tăng 3,3% trong quý thứ ba năm 2017, mức cao nhất trong ba năm, và tỷ lệ thất nghiệp là thấp nhất kể từ năm 2000.

Đáng chú ý, tại Diễn đàn APEC tổ chức ở Việt Nam tháng 11, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump cũng đã đưa ra 2 quan điểm về trật tự thương mại thế giới mới. Trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình nêu lên quan điểm mở cửa, nhấn mạnh “toàn cầu hóa là xu thế không thể đảo ngược” thì Tổng thống Trump tập trung vào quan hệ thương mại bình đẳng, có đi có lại.

6. Bất ổn chính trị châu Âu

Năm 2017, châu Âu tiếp tục đối mặt với nhiều bất ổn cả về chính trị và an ninh.  Các vụ khủng bố liên tiếp xảy ra tại Anh, Pháp, Bỉ…. Trong khi đó, châu lục này cũng phải nỗ lực ngăn cản phong trào ly khai đang có xu hướng lan rộng, nhất là sau khi chính quyền xứ Catalonia tại Tây Ban Nha tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về độc lập, gây ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng tại nước này.

Cuộc trưng cầu dân ý tại Catalonia đã khiến chính trường Tây Ban Nha rúng động.

Những khó khăn trong trong đàm phán thành lập chính phủ mới tại Đức hay tiến trình đàm phán Brexit cũng bộc lộ nhiều mâu thuẫn sâu sắc tồn tại trong lòng châu Âu.

7. Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô Israel

Cuối năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô Israel đồng thời yêu cầu chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới thành phố này.

 Động thái này đã thổi bùng cuộc xung đột lâu năm giữa Israel-Palestine và khiến làn sóng phản đối lan rộng. Nhiều cuộc biểu tình diễn ra trong khu vực và nhiều nước trên thế giới, trong khi nhiều cuộc xung đột giữa Israel và dải Gaza liên tục diễn ra.

Quyết định về Jerusalem cũng chứng kiến sự cô lập của Mỹ trong cộng đồng quốc tế. Trong vòng hai ngày sau tuyên bố của Mỹ, cộng đồng các quốc gia Hồi giáo, tất cả các quốc gia Châu Âu trừ Séc, Trung Quốc và Nga cũng lên tiếng phản đối. Trong các phiên họp của Hội đồng Bảo an, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc diễn ra sau đó đa số các nước đều bỏ phiếu phản đối quyết định này.

8. Robert Mugabe bị buộc phải từ chức

Tháng 11 vừa qua, thời gian dài giữ vai trò Tổng thống Zimbabwe của ông Robert Mugabe đã kết thúc khi quân đội kiểm soát các vị trí trọng yếu tại thủ đô Harare và sau đó tiến hành đàm phán để thực hiện một cuộc chuyển giao quyền lực không đổ máu.

Người dân Zimbabwe biểu tình đòi Tổng thống Robert Mugabe từ chức.

Ông Mugabe sau đó đã bị buộc từ chức và người từng là cộng sự của Mugabe - Emmerson Mnangagwa, 75 tuổi tạm thời lên nắm quyền và đã cam kết sẽ tổ chức các cuộc bầu cử mới vào năm tới.

9. Sự lên ngôi của trí tuệ nhân tạo

Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ trong năm 2017.

Hàng loạt dự án được mở rộng thuộc nhiều lĩnh vực, từ giao thông vận tải đến các loại máy móc tối ưu hóa trong y học, các ứng dụng AI trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ, tình báo, an ninh, giám sát, nghiên cứu vũ trụ....

Ra đời nhiều robot thế hệ mới với hình dáng, giọng nói, tư duy, biểu cảm như con người. Đáng chú ý, Saudi Arabia đã chính thức cấp quyền công dân cho người máy nữ Sophia.

Dù vậy, trí tuệ nhân tạo cũng đang đặt ra những thách thức lớn cho nhân loại, đặc biệt là nguy cơ về mất an ninh và ổn định toàn cầu.

10. Sự lên ngôi của ngoại giao mạng xã hội

Trong thời đại ngày nay, khi mạng xã hội bùng nổ, việc các nhà lãnh đạo thế giới sử dụng mạng xã hội và tận dụng nó để truyền tải thông điệp, lập trường về nhiều vấn đề đang ngày càng phổ biến. Theo kết quả khảo sát năm 2017 do Hội đồng Chính sách kỹ thuật số có trụ sở tại Washington (Mỹ), cứ 5 lãnh đạo trên thế giới thì 4 người có tài khoản trên mạng xã hội.

Theo thống kê của báo New York Times, tính tới năm 2017, một loạt lãnh đạo quốc tế từ Thủ tướng Anh, Chile, Mexico, Nga, các quan chức châu Âu... đã chính thức đăng ký dùng Twitter.

Đáng chú ý, ảnh hưởng từ những thông điệp trên mạng xã hội của các chính trị gia cũng không hề kém những tuyên bố chính thức, thậm chí còn có sức lan tỏa nhanh chóng hơn.

Gần đây nhất là việc Tổng thống Trump có các tin tweet đầu năm mới về cuộc chiến chống khủng bố tại Pakistan – điều được theo sau bởi thông báo chính thức về cắt viện trợ, cũng như các phản ứng từ cả Mỹ và Pakistan. 

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ