• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

TP.HCM: Bác sĩ gia đình- chìa khóa giải quyết quá tải bệnh viện

Sức khỏe 18/11/2016 17:15

(Tổ Quốc) -“Vấn đề quá tải bệnh viện còn nhiều thách thức. Do đó, tăng cường, đổi mới y tế cơ sở, xây dựng mạng lưới bác sĩ gia đình là giải pháp căn cơ, bền vững để giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện, nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống y tế” – PGS. TS. BS Phạm Lê Tuấn-Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh. 

Đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Y tế-Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu kiểm tra mô hình bác sĩ gia đình tại quận 2

Sáng ngày 18/11, tại TP.HCM, Hội Khoa học Kinh tế Y tế Việt Nam, Sở Y tế TP.HCM và Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch phối hợp tổ chức hội nghị quốc tế "Bác sĩ gia đình".

Tại hội nghị, các chuyên gia đầu ngành y tế trong và ngoài nước đã có những chia sẻ thiết thực về mô hình "Bác sĩ gia đình trong kinh tế, y tế và giải quyết quá tải bệnh viện".

Theo PGS.TS.BS Phạm Lê Tuấn-Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện hệ thống y tế Việt Nam đã từng bước phát triển. Tuy nhiên, vấn đề quá tải bệnh viện còn nhiều thách thức. Do đó, tăng cường, đổi mới y tế cơ sở, xây dựng mạng lưới bác sĩ gia đình là giải pháp căn cơ, bền vững để giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện, nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống y tế.

Còn theo BS Nguyễn Thế Dũng-Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Y tế Việt Nam-Trưởng văn phòng đại diện TP.HCM, cho biết trước đây chúng ta chưa tổ chức mạng lưới bác sĩ gia đình trong hệ thống y tế nên việc quá tải bệnh viện ngày càng nghiêm trọng khiến cho bệnh viện không làm đúng vị trí, không làm được vai trò, chức năng nhiệm vụ của tuyến chữa bệnh trong phân cấp điều trị.

"Việc quá tải bệnh viện, việc chưa có mạng lưới bác sĩ gia đình ảnh hưởng không tốt đến chất lượng hoạt động của bệnh viện và người dân khó tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng với chi phí hiệu quả”-BS Nguyễn Thế Dũng phân tích.

Mô hình bác sĩ gia đình tại bệnh viện quân 2 TP.HCM

PGS TS BS Ngô Minh Xuân-Hiệu trưởng trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, ở nhiều nước trên thế giới, 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân do bác sĩ gia đình đảm nhận. Ở những nước tiên tiến, người bác sĩ gia đình có thể xử lý được đến 90% bệnh tật. Sự can thiệp sớm trong chẩn đoán, điều trị chính là giải pháp an toàn nhất, kinh tế nhất để tránh các biến chứng do bệnh tật.

Từ năm 2000, Bộ Y tế Việt Nam đã chính thức công nhận ngành y học gia đình và cho phép đào tạo bác sĩ chuyên khoa Y học gia đình. Đến 6-2016, đã có 336 phòng khám Bác sĩ gia đình được thành lập tại 6 tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó, 234 phòng khám bác sĩ gia đình đã thực hiện thanh toán bảo hiểm y tế cho người bệnh.

PGS Ngô Minh Xuân nhận định: "Nếu mô hình Bác sĩ gia đình được đầu tư, phát triển đúng mức sẽ giúp người dân được chăm sóc sức khỏa toàn diện và sẽ chủ động hơn trong phòng bệnh. Y học gia đình chính là chìa khóa để giải quyết cùng lúc 2 vấn đề: giảm chi phí y tế và giảm quá tải bệnh viện" - PGS Ngô Minh Xuân nhận định.

 

Liên quan đến vấn đề này, GS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh-Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết mô hình Bác sĩ gia đình được triển khai thí điểm tại TP.HCM từ năm 2014, với 224 phòng khám Bác sĩ gia đình. Cụ thể, 20/23 bệnh viện quận/huyện; 191/319 Trạm y tế phường xã thành lập phòng khám Bác sĩ gia đình; 6 phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân và 7 phòng khám bác sĩ gia đình nằm trong phòng khám đa khoa tư nhân.

Sau 2 năm triển khai thí điểm, các phòng khám bác sĩ gia đình nói trên đã khám và điều trị cho 652.261 trường hợp, cấp cứu 922 trường hợp, thủ thuật 5.845 trường hợp, chuyển lên tuyến trên điều trị 3.851 trường hợp. Đã lập hồ sơ quản lý sức khỏe một cách toàn diện, liên tục cho 81.765 bệnh nhân.

“Các số liệu trên tuy còn khiêm tốn, nhưng cũng đã thể hiện được sự nỗ lực của các phòng khám bác sĩ gia đình trong giai đoạn đầu thí điểm” - GS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh nói.

Đỗ Bá

NỔI BẬT TRANG CHỦ