(Tổ Quốc) -Chiều 10/11, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã chia sẻ với báo giới về kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ ảnh hưởng tới xuất nhập khẩu của Việt Nam, đặc biệt là với Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).
-Nhận định của Bộ trưởng về ảnh hưởng đối với ngành công thương sau sự kiện ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống thứ 45 của Mỹ?
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ với báo giới bên hành lang Quốc hội chiều 10/11 (Ảnh: Hà Giang) |
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Việc này chưa thể đánh giá được, bởi đây là sự kiện lớn của toàn thế giới.
-Nếu Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) không được thông qua thì sao, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Cái này không thể nói được, bởi tổng thống mới cần phải có thời gian để xem xét mọi việc. Những diễn biến có thể khá phức tạp, không giống như dự đoán và chắc chắn với nhân vật như Tổng thống mới của Mỹ sẽ có những động thái ảnh hưởng đến tâm lý cũng như ảnh hưởng trực tiếp trong các dòng chảy của thương mại của thế giới. Thế nhưng, chúng ta phải đợi xem vì từ những thông tin, quan điểm trong vận động tranh cử đến thực thi chính sách của chính thể mới còn phải có thời gian. Chúng ta chưa thể nhận định gì bởi Tổng thống Mỹ chưa nhậm chức.
-Vậy các bước chuẩn bị đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Chúng ta có quan điểm, chính sách nhất quán trong việc hội nhập chủ động, sâu, rộng với thế giới. Trong việc xây dựng TPP - chúng ta cũng đi theo dòng chảy chung của thương mại thế giới. Nếu có thay đổi hay có bất cứ tình hình phức tạp gì thì chúng ta vẫn còn thời gian dự đoán, tiếp tục xây dựng các phương án và điều này phải dựa trên cơ sở của các chính sách đối ngoại. Quan điểm của Việt Nam đối với phát triển quan hệ thương mại quốc tế, đó là định hướng theo đa phương hóa, đa dạng hóa các mỗi quan hệ thương mại.
TPP cũng là một trong số các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà chúng ta tham gia. Bên cạnh TPP chúng ta có rất nhiều Hiệp định thương mại tự do khác đã và đang được ký kết, tất nhiên, TPP có tầm vóc, bối cảnh rất lớn bởi TPP ảnh hưởng rất mạnh, sâu đến thương mại thế giới.
Nếu TPP tiếp tục triển khai thuận lợi thì chắc chắn cơ hội cho nền kinh tế chúng ta rất lớn. Các ngành kinh tế có lợi thế cạnh tranh như dệt may, thủy sản, da giày sẽ có điều kiện thuận lợi. Nhưng nếu không thì chúng ta vẫn còn có các thị trường khác trên thế giới.
Tuy nhiên, như tôi đã nói, hiện còn rất sớm để có thể đưa ra các đoán định tương lai của TPP trong thời gian tới, nhưng cho dù trong trường hợp nào chúng ta cũng luôn sẵn sàng vì hội nhập của chúng ta không chỉ phụ thuộc vào TPP. Cho nên quan điểm của chúng tôi là xu thế mở cửa và hội nhập của Việt Nam vẫn sẽ được khẳng định.
-Sau khi nghe kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ thì Bộ trưởng đã chỉ đạo đơn vị liên quan như thế nào?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Điều này đang nằm trong nhiệm vụ chung của các cơ quan quản lý Nhà nước, gồm các Bộ ngành, trong đó có ngành công thương. Bởi vì, việc nghiên cứu, bám sát tình hình thế giới về chính trị, đối ngoại cũng như các vấn đề liên quan đến kinh tế, thương mại là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là các đơn vị làm nhiệm vụ tham mưu, dự báo cho Chính phủ.
Chúng tôi đang theo dõi sát sao và sớm có những báo cáo, đánh giá, kiến nghị với Chính phủ về các biện pháp, các công việc cần triển khai trong thời gian tới.
-Cá nhân Bộ trưởng, có cảm thấy lo ngại về xu hướng thương mại mới sau khi tân Tổng thống Mỹ nhậm chức?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Có lẽ, chúng ta cũng cần nói rõ là chúng ta đang bơi ra biển lớn bằng chính sức lực của chúng ta chứ không nhờ ai cả, vì vậy, con thuyền của chúng ta bắt buộc phải đương đầu với mọi sóng gió, thử thách.
Chúng ta phải tự khẳng định mình trong con thuyền ở giữa đại dương mênh mông cho nên dù có cơn sóng gió to lớn đến mấy nếu chúng ta vượt qua được sẽ tiếp tục bơi xa, vươn xa hơn nữa.
-Xin cám ơn ông!
Hà Giang (ghi)