(Tổ Quốc)-Quan hệ Mỹ-Nga sẽ có đột phá với không ít hệ lụy.
Với việc ông Donald Trump trúng cử tổng thống, cử tri Mỹ không chấp nhận nguyên trạng và hướng tới sự thay đổi. Họ muốn có một tổng thống mạnh, lãnh đạo một cách cứng rắn và quyết đoán.
Với việc ông Trump giành được Nhà Trắng và đảng Cộng hòa chiếm đa số tại hai viện của Quốc hội Mỹ, nước Mỹ sẽ thiên hữu, hướng nội, và tập trung củng cố sức mạnh từ bên trong, chú trọng phục hồi kinh tế và củng cố sức mạnh quân sự.
Phút thất vọng của những người ủng hộ bà Clinton tại nơi tổ chức sự kiện bầu cử ngày 8/11 của bà Clinton. |
Mỹ sẽ theo đuổi một chính sách đối ngoại có trọng tâm, trọng điểm, phục vụ trực tiếp lợi ích an ninh quốc gia sát sườn của Mỹ; có thể ít quan tâm hơn đến những khu vực ngoại vi như Ukraine hay Biển Đông.
Những thay đổi của nước Mỹ sẽ tác động đến nhiều mối quan hệ quốc tế, làm chuyển dịch quan trọng bàn cờ chính trị thế giới. Sẽ diễn ra một số điều chỉnh có ý nghĩa quan hệ giữa Mỹ với các nước lớn khác. Một số cuộc xung đột khu vực sẽ được thúc đẩy giải quyết. Một số vấn đề quốc tế như chống biến đổi khí hậu, toàn cầu hóa, tự do thương mại sẽ ít được quan tâm.
Quan hệ Mỹ-Nga sẽ có đột phá
Nga là nước được lợi nhất từ việc Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ. Quan hệ Mỹ-Nga sẽ có những bước cải thiện đáng kể nhất. Cuộc xung đột Ukraine sẽ được giải quyết theo những thỏa thuận đạt được tại Minsk tháng 2/2015. Mỹ sẽ phối hợp với Đức và Pháp để gây sức ép lên các phe phái Kiev thực hiện điều khoản sửa đổi hiến pháp để trao cho các tỉnh phía Đông của Ukraine một số quyền tự trị theo thỏa thuận Minsk. Các cuộc xung đột tại Syria và Iraq có thể đi tới giải quyết dứt điểm, có thể với sự phối hợp của Nga trên chiến trường và giải pháp chính trị.
Mỹ và Nga sẽ nối lại hợp tác kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Nga Putin khi chúc mừng ông Trump, “bày tỏ tin tưởng rằng cuộc đối thoại giữa Moscow và Washington tính tới quan điểm của hai bên, sẽ đáp ứng lợi ích của cả Nga và Mỹ”. Ông Putin nói: “Trump đề cập nối lại và khôi phục quan hệ với Nga. Chúng tôi hiểu con đường để đạt điều đó sẽ khó khăn, khi tính đến tình trạng xuống cấp hiện nay của quan hệ giữa Mỹ và Nga”. Ông Putin khẳng định “Nga sẵn sàng và mong muốn khôi phục đầy đủ quan hệ với Mỹ”.
Sự cải thiện quan hệ Mỹ-Nga sẽ tác động đến một số quan hệ giữa Nga với Liên minh châu Âu và NATO. Cấm vận Nga sẽ nới lỏng và dỡ bỏ.
Thượng Nghị sĩ John McCain và vợ lên khán đài tuyên bố việc ông tái đắc cử lần thứ 6 |
Quan hệ Nga-Trung sẽ mất động lực chủ yếu, đó là hợp tác để đối trọng với Mỹ. Một khi Nga tiếp cận trở lại thị trường tín dụng quốc tế và kỹ thuật cao của phương Tây, Nga sẽ giảm được sức ép phối hợp với Trung Quốc trong một số vấn đề thuộc “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc và thực hiện tái cân bằng quan hệ với châu Âu và Mỹ, tìm cách khôi phục lại Liên minh kinh tế Á-Âu và chặn đà suy yếu ảnh hưởng tại Trung Á và các khu vực thuộc Liên Xô cũ. Quan hệ giữa Nga với Nhật Bản sẽ có môi trường tương đối thuận lợi so với trước, có thể đạt tới một thỏa thuận nào đó theo hướng “gác tranh chấp cùng khai thác” tại các quần đảo Kuril.
Chính sách gì thay thế Xoay trục châu Á?
Châu Á-Thái Bình Dương vẫn là một trọng điểm của chiến lược toàn cầu của Mỹ.
Trung Quốc vẫn là đối tượng mà chính quyền Cộng hòa quan tâm. Chính quyền Trump và các nghị sĩ Cộng hòa sẽ tăng sức ép để Trung Quốc thỏa hiệp và nhượng bộ về những vấn đề thương mại, tỷ giá đồng nhân dân tệ. Trung Quốc sẽ có một số thỏa hiệp chiến thuật để tránh gây căng thẳng trong quan hệ với Mỹ, nhưng Trung Quốc cũng có thế mạnh để thương lượng “ngang tay” với Mỹ. Khi gọi điện chúc mừng tổng thống đắc cử Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc đã rào đón: “Tôi xem trọng quan hệ Trung-Mỹ và mong muốn cùng Ngài thực hiện các nguyên tắc không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng thắng”.
Xoay trục sẽ kết thúc, nhưng cái gì thay thế nó để kiềm chế Trung Quốc sẽ là vấn đề của êkip đối ngoại mới phải giải quyết. Cũng không loại trừ các thỏa hiệp Mỹ-Trung vì các thỏa hiệp ấy vốn là truyền thống của các chính quyền Cộng hòa.
TPP sẽ là một trong các nạn nhân của thái độ kỳ thị đối với các thỏa thuận tự do thương mại mà ông Trump thường nhấn mạnh trong các phát biểu tranh cử. APEC có thể sẽ không được quan tâm như trước.
Tổng thống Mỹ có lẽ sẽ không thường xuyên tham dự các diễn đàn cấp cao như Thượng đỉnh Đông Á; cấp cao Mỹ-ASEAN lại càng hiếm.
Vấn đề Biển Đông sẽ không được quan tâm ở cấp cao Mỹ-Trung. Nhưng giới quân sự Mỹ, dưới ảnh hưởng của hải quân, sẽ không để Trung Quốc mặc nhiên kiểm soát Biển Đông. Vì hoạt động của hải quân Mỹ vừa liên quan đến tự do hàng hải, vừa theo dõi hoạt động tàu ngầm tại Biển Đông. Các tàu sân bay sắp xuất xưởng và các phương tiện quân sự hiện đại của Trung Quốc sẽ tạo ra những thách thức lâu dài đối với giới quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Quan hệ Mỹ-Việt những năm qua được sự ủng hộ của hai đảng, sẽ không bị ảnh hưởng dưới chính quyền Trump. Nhưng Washington sẽ bênh vực các nhà sản xuất Mỹ mỗi khi có các tranh chấp thương mại.
Ông Trump muốn “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Việc này nói dễ hơn làm. Mỗi tiến bộ của lịch sử đều cần hội tụ được thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Cuộc bầu cử ở Mỹ vừa rồi phải chăng cho thấy có sự hội tụ ấy?
Người bình luận