(Tổ Quốc) - Ngày 13/7, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức diễn đàn “Đối thoại phát triển địa phương 2021” với chủ đề “Thực thi mục tiêu phát triển trong trạng thái bình thường mới” theo hình thức trực tuyến. Diễn đàn do GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì.
- 06.07.2021 Bàn cách khôi phục, phát triển du lịch nội địa trong trạng thái bình thường mới
- 01.07.2021 Dự kiến từ 10/7, Bắc Giang, Bắc Ninh chuyển sang trạng thái "bình thường mới"
- 07.09.2020 Ông Nguyễn Xuân Thắng tái đắc cử Bí thư Đảng ủy Học viện Chính trị Quốc gia HCM, Tòa án nhân dân Tối cao có tân Bí thư Đảng ủy
Đây là lần đầu tiên Đối thoại phát triển địa phương được tổ chức trực tuyến trên quy mô toàn quốc để lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và các đối tác phát triển quốc tế cùng nhau trao đổi, thảo luận với tinh thần thẳng thắn và nhìn thẳng vào thực tiễn, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất những sáng kiến, mô hình, các giải pháp phát triển địa phương, tạo động lực cho sự bứt phá của phát triển địa phương trong giai đoạn 2021-2030, hướng tới tầm nhìn 2045.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết, Đối thoại phát triển địa phương 2021 diễn ra vào thời điểm năm đầu tiên Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cũng là khi các địa phương tích cực triển khai nghị quyết của Đại hội Đảng bộ các cấp trong bối cảnh đất nước và thế giới đang biến chuyển rất nhanh chóng với nhiều thuận lợi, thời cơ lẫn khó khăn, thách thức đan xen.
Đặc biệt, đợt bùng phát lần thứ tư của đại dịch COVID-19 đặt ra những thách thức rất lớn cho cả nước và các địa phương trong việc thực hiện “mục tiêu kép;” vừa quyết liệt trong phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhằm đạt được sự cân bằng hợp lý giữa phát triển kinh tế và bảo đảm sức khỏe, an toàn cho mọi người dân. Phát huy tinh thần trách nhiệm cao và nỗ lực sáng tạo, các địa phương đã chủ động thích nghi, chuyển sang trạng thái “bình thường mới.”
“Trạng thái bình thường mới đòi hỏi chúng ta cần nắm bắt các cơ hội trong thách thức. Với nhận thức 'trong nguy có cơ', ngay lúc này, chúng ta cần nghĩ đến những vấn đề phát triển kinh tế-xã hội không chỉ trong hoàn cảnh có đại dịch mà cả sau khi đại dịch kết thúc để đạt được các kết quả khả quan ngay từ những năm đầu nhiệm kỳ, tạo tiền đề và xung lực để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của giai đoạn 2021-2025, thiết lập nền tảng thuận lợi cho phát triển trong những năm tiếp theo” - ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Với tinh thần đó, ông Nguyễn Xuân Thắng đã nhấn mạnh một số điểm gợi mở để thảo luận tại Đối thoại như: Nâng cao năng lực quản trị thực thi để biến quyết tâm thành những chiến lược, chính sách, đưa chính sách đi vào hành động thực tế và từ hành động tạo ra được các kết quả phát triển thiết thực đối với người dân.
Theo đó, ở các cấp địa phương, quản trị thực thi là công cụ hữu hiệu để góp phần xử lý tốt mối quan hệ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong các vấn đề phát triển.
Quản trị thực thi là cơ chế giúp đánh giá cán bộ một cách khách quan; bảo vệ cán bộ có tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số là xu hướng của thời đại khi nền tảng công nghệ nói chung và kết nối internet nói riêng hiện nay đã rất phát triển. Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức, từ cấp lãnh đạo Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp cũng mọi người dân.
Để thực hiện chuyển đổi số, theo ông Nguyễn Xuân Thắng, cần quan tâm ba yếu tố cơ bản gồm: Hạ tầng công nghệ - đây là điều kiện cần mang tính then chốt, quyết định chất lượng chuyển đổi số; Hệ thống thể chế, chính sách liên tục được bổ sung, điều chỉnh phù hợp với tiến bộ công nghệ nhanh chóng và sự xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mới, thậm chí chưa từng có, cùng với những cơ chế khuyến khích đổi mới sáng tạo, bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm; Phát triển nhân tố con người, trong đó, người lãnh đạo ở mọi cấp phải có nhận thức, quyết tâm và tài tổ chức thực hiện, cùng với nguồn nhân lực phải được đào tạo các kỹ năng phù hợp trong không gian số.
“Để có được ba yếu tố quan trọng này, rất cần sự vào cuộc tích cực của các địa phương, từ đó từng bước đạt được các mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, chính phủ số và xã hội số theo lộ trình đã vạch ra” - ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Cũng theo Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, trạng thái bình thường mới đòi hỏi sự thích nghi với những rủi ro ngày càng gia tăng trong quá trình phát triển, không chỉ với đại dịch mà còn có các thách thức an ninh phi truyền thống khác, nhất là tình trạng thiên tai, thời tiết bất thường do biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống nhân dân.
Điều đó càng cho thấy, cần đẩy nhanh quá trình tăng trưởng xanh để tạo ra những dư địa phát triển mới, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế và mang lại lợi ích tổng thể trong dài hạn.
Được biết, Đối thoại phát triển địa phương 2021 gồm 2 phiên thảo luận. Phiên 1 là về quản trị thực thi trong bối cảnh chuyển đổi số. Tại phiên thảo luận này, GS Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana, Hoa Kỳ; đại diện Bộ TT&TT, Tập đoàn VNPT, đại diện tỉnh Quảng Ninh… đối thoại xoay quanh các sáng kiến quản trị thực thi trong bối cảnh chuyển đổi số.
Phiên 2 về cơ hội tăng trưởng xanh trong trạng thái bình thường mới với sự tham gia của chuyên gia ngân hàng thế giới cùng lãnh đạo một số bộ ngành, địa phương, chuyên gia, DN thảo luận về khai thác tiềm năng tăng trưởng xanh của các địa phương.
Tại Đối thoại, các đại biểu từ các tổ chức quốc tế, chuyên gia nghiên cứu, các địa phương đã chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết với kinh nghiệm, sáng kiến, giải pháp có giá trị cao để các địa phương cất cánh, phát triển./.