(Tổ Quốc) - Các nhà tổ chức tranh luận Tổng thống Mỹ muốn sẽ có giải pháp để các cuộc tranh luận tiếp theo diễn ra "một cách trật tự hơn".
Reuters đăng tải, các nhà tổ chức tranh luận Tổng thống Mỹ hôm thứ Tư (30/9) cho hay, họ sẽ thay đổi các quy định kiểm soát hành vi sau khi Tổng thống Donald Trump liên tiếp ngắt lời đối thủ Joe Biden và người điều phối trong cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng viên tổng thống mới diễn ra tại Cleveland.
Trong khi cựu Phó Tổng thống Biden gợi ý áp dụng một nút bấm im lặng thì ông Trump cũng phàn nàn rằng Ủy ban Tranh luận Tổng thống đã thiên vị phe Dân chủ. Cuộc tranh luận kéo dài 90 phút đã làm dấy lên nhiều chỉ trích dành cho đương kim tổng thống và cả ứng viên Đảng Dân chủ. Tổng thống Đảng Cộng hòa nhiều lần chen lời và tỏ ý nghi ngờ đầu óc của đối thủ; còn ông Biden cũng gọi ông Trump là phân biệt chủng tộc, dối trá và là tổng thống tồi tệ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Theo một cố vấn, chiến dịch tranh cử của ông Biden đã gây quỹ được gần 10 triệu USD trong cuộc tranh luận. Cựu Phó Tổng thống Đảng Dân chủ hiện đang duy trì khoảng cách dẫn trước "khiêm tốn" nhưng khá ổn định trong các cuộc thăm dò ý kiến toàn quốc suốt nhiều tháng qua. Tuy vậy, tại các bang "chiến địa" vốn thường quyết định kết quả cuối cùng của bầu cử, chênh lệch giữa hai ứng viên không quá rõ ràng.
Sau cuộc tranh luận, ông Biden đã có một chuyến đi kéo dài một ngày bằng tàu hỏa qua hai bang quan trọng là Ohio và Pennsylvania. Trong bài phát biểu tại điểm cuối ở Johnstown, Pennsylvania, ứng viên 77 tuổi dành nhiều thời lượng chỉ trích cách Tổng thống Trump xử lý đại dịch COVID-19. Tại Alliance, Ohio, ông Biden kêu gọi cử tri Mỹ đồng lòng bỏ phiếu cho mình để loại bỏ khả năng Trump "khăng khăng" tìm cách ở lại Nhà Trắng ngay cả khi bị thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống.
Cho tới thời điểm hiện tại, Tổng thống Trump vẫn chưa cam kết sẽ chấp nhận kết quả bỏ phiếu mà chỉ nhắc lại những lo ngại về hình thức bỏ phiếu qua thư có thể dẫn tới kết quả kiểm phiếu gian dối trên diện rộng.
Cũng trong ngày 30/9, ông Trump đã cố gắng phủ nhận mối liên hệ với nhóm cánh hữu "Proud Boys" sau khi từ chối lên án những người theo chủ nghĩa da trắng tối thượng trong cuộc tranh luận.
"Tôi không biết Proud Boys là ai. Anh phải nói rõ ra bởi vì tôi thực sự không biết họ là ai", ông nói với phóng viên tại Nhà Trắng.
Proud Boys được thành lập vào thời kỳ bầu cử Mỹ 2016 bởi nhà hoạt động cánh hữu người Anh gốc Canada Gavin McInnes (tuy nhiên sau đó McInnes không còn hoạt động trong nhóm). Tổ chức này có hàng trăm thành viên ở hầu hết các bang nước Mỹ và cả một số quốc gia khác. Cuối năm 2018 họ gây chú ý sau khi có cuộc đụng độ bạo lực với những người biểu tình cánh tả ở TP New York. Nhóm cũng tiếp tục trở thành một tâm điểm trong phong trào biểu tình tại Mỹ gần đây.
Tự nhận mình là một câu lạc bộ "những người theo chủ nghĩa sô vanh phương Tây" và "từ chối xin lỗi về đã tạo ra thế giới hiện đại", Proud Boys bị Trung tâm Luật Đói nghèo Miền Nam xếp vào danh sách các nhóm có tư tưởng cực đoan.
Tắt microphone?
Ủy ban tranh luận cho hay, họ sẽ thông qua một số thay đổi nhằm cho phép các cuộc thảo luận tiếp theo vào ngày 15/10 tại Miami, diễn ra "một cách trật tự hơn". Ngay lập tức có ý kiến đồn đoán, một trong những biện pháp là áp dụng một nút tắt tiếng giúp giới hạn hành động ngắt lời.
Chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump cáo buộc ủy ban tranh luận "di chuyển khung thành và thay đổi luật lệ ngay trong trận đấu". Ông Trump cũng chỉ trích người điều phối Chris Wallace. "Chris có một tối thật vất vả", ông Trump viết trên Twitter và gọi cuộc tranh luận là một cuộc chiến "2 đấu 1".
"Không bao giờ được quên rằng họ tấn công tôi vì tôi đấu tranh cho các bạn", đương kim tổng thống phát biểu trước những người ủng hộ tại một cuộc mít tinh tại Duluth, Minnesota.
Trong khi đó, ứng viên Biden bày tỏ hy vọng, các nhà tổ chức tranh luận có thể tắt microphone của ứng viên đang không trình bày.
"Đó thật là một nỗi xấu hổ quốc gia", ông nói về cuộc tranh luận và các động thái của Tổng thống Trump. "Tôi sẽ không dự đoán về những gì sẽ xảy ra ở cuộc tranh luận thứ 2 và thứ 3".
Cơ quan tổ chức tranh luận cũng gửi lời cảm ơn tới Chris Wallace vì "sự chuyên nghiệp và kỹ năng". Trong phần lớn thời gian tranh luận, người dẫn chương trình nổi tiếng của kênh Fox News đã phải cố gắng hết sức để khôi phục trật tự và giữ cho hai ứng viên bình tĩnh.
Tuy nhiên, cuộc tranh luận hỗn loạn dường như không có ảnh hưởng gì đáng kể tới tình hình tranh cử. Khoảng 73,1 triệu người đã theo dõi cuộc đối đầu trực tiếp Trump-Biden vào tối ngày 29/9 (giờ Mỹ) – giảm hơn 10 triệu người so với số lượng xem cuộc tranh luận đầu tiên giữa ông Trump và đối thủ Hillary Clinton vào năm 2016.