• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tranh cãi Châu Âu "tự vác đá đập chân mình" trước sự trỗi dậy của Trung Quốc?

Thế giới 06/02/2019 19:44

(Tổ Quốc) - Cải tổ hay không cải tố, cải tổ như thế nào… - đó là những vấn đề mà chính sách cạnh tranh của EU đang phải đối mặt.

Trong tuần này, Brussels sẽ thể hiện một trong những quyền lực đáng chú ý nhất của mình: quyền giám sát các vụ sáp nhập giữa các đối thủ - với quyết định ngăn cản Siemens và Alstom thiết lập một đế chế thống trị công nghiệp đường sắt châu Âu.

Những thương vụ sáp nhập khủng như trên không phải là một vấn đề quá xa lạ. Tuy nhiên, động thái của Uỷ ban châu Âu hôm thứ Tư (6/2) được đánh giá là sẽ vượt qua giới hạn của ngành giao thông, góp phần định hình nên những cách thức đáp trả của châu Âu trước sự trỗi dậy ngày càng lớn của kinh tế Trung Quốc.

Tranh cãi Châu Âu tự vác đá đập chân mình trước sự trỗi dậy của Trung Quốc? - Ảnh 1.

Thương vụ sáp nhập Siemens và Alstom đã bị phủ quyết (ảnh: FT)

Đối với Pháp và Đức, việc phủ quyết vụ sáp nhập đánh dấu rằng, các quy định cạnh tranh nghiêm ngặt của EU là tàn dư của một kỷ nguyên đã đi vào dĩ vãng; từ đó, khiến các tập đoàn châu Âu trở nên yếu thế trước các đối thủ Trung Quốc - vốn đang hưởng lợi từ trợ cấp quốc gia, chính sách công nghiệp táo bạo và bảo hộ thị trường nội địa của Bắc Kinh.

Trong lịch sử 30 năm hình thành, quyền kiểm soát các vụ sáp nhập của EU chưa từng phải đối mặt với công kích dữ dội như lúc này.

Chính sách cạnh tranh của EU hiện tại như thế nào?

Kể từ lần đầu tiên Uỷ ban châu Âu sử dụng quyền phủ quyết đối với một vụ sáp nhập lớn vào năm 1991, khi chặn Aerospatiale của Pháp mua lại De Havilland của Canada, Brussels đã phải hứng chịu nhiều chỉ trích. Những người phản đối tin rằng, sự can thiệp như vậy chỉ làm giảm sức cạnh tranh của các công ty châu Âu trên trường quốc tế.

Trong khi đó, những nhà lập pháp châu Âu bày tỏ quan điểm, nghĩa vụ của họ là áp dụng các quy định của EU, để các công ty không thể thống trị thị trường thông qua các vụ sáp nhập.

Bà Margrethe Vestager, Cao ủy châu Âu về cạnh tranh đánh giá trường hợp Siemens – Alstom sẽ tạo ra sự thiếu công bằng. Bà cũng phủ nhận luận điệu, tập đoàn Trung Quốc CRRC – hiện là tập đoàn sản xuất tàu lớn nhất thế giới, sẽ nhanh chóng trở thành một thế lực ở châu Âu. Đề xuất cấm vụ sáp nhập của bà Vestager đã nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia thành viên, các tập đoàn đường sắt đối thủ và nhà điều hành hạ tầng cơ sở. Không ngạc nhiên khi chính phủ Pháp và Đức – hai nước chủ nhà của Alstom và Siemens, đều tỏ ra không hài lòng.

Pháp luôn thúc đẩy việc cải tổ lại chính sách cạnh tranh, nhưng Paris cũng bị "giám sát" chặt chẽ bởi hai quốc gia có nền kinh tế thị trường hàng đầu châu Âu là Đức và Anh.

Alec Burnside

Luật sư Alec Burnside lưu ý, một mặt Pháp luôn thúc đẩy việc cải tổ lại chính sách cạnh tranh, mặt khác, Paris cũng bị "giám sát" chặt chẽ bởi hai quốc gia có nền kinh tế thị trường hàng đầu châu Âu là Đức và Anh.

Cân bằng trên giờ đây đứng trước nguy cơ thay đổi lớn. Anh đang rời EU và Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày càng tỏ ra lo ngại hơn trước những thách thức đến từ Trung Quốc. Vụ sáp nhập nhà sản xuất robot Đức Kuka với tập đoàn điện tử Trung Quốc Midea vào năm 2016 được coi là một thời khắc thay đổi cho các nhà lập pháp tại Berlin. Họ cho rằng, châu Âu đang mở cửa thị trường đầu tư của mình, trong khi Trung Quốc không áp dụng những điều kiện "có đi có lại" thích ứng.

Cuộc bầu cử EU vào tháng Năm và sự thay đổi lãnh đạo tại Brussels trong năm 2019 có thể là một cơ hội để thay đổi chính sách cạnh tranh.

Những gì có thể thay đổi?

Thay đổi căn bản nhất có thể là cho phép các chính trị gia có nhiều tiếng nói hơn đối với các vụ sáp nhập. Ví dụ như các nhà lãnh đạo EU có thể được quyền đảo ngược quyết định cấm sáp nhập của Uỷ ban, nếu họ nhận thấy nó đi ngược lại các quyền lợi của EU.

Tuy nhiên, theo ông Burnside, do các chính trị gia thường tập trung vào ngắn hạn, quyền lực trên "có thể dẫn tới nguy cơ họ đưa ra các quyết định sai lầm cho dù có ý định tốt".

Một thay thế khác là xóa bỏ một số lĩnh vực nhất định trong quyền phủ quyết sáp nhập của EU. Manfred Weber, ứng cử viên hàng đầu của đảng trung hữu Nhân dân châu Âu coi những biện pháp như vậy là cách để giải quyết "lỗi lầm chủ chốt" trong thương vụ Siemens – Alstom. Tuy nhiên, chọn ra ngành công nghiệp nào là chiến lược, lại có thể gây tranh cãi. Theo công ước EU, hiện tại chỉ quốc phòng mới không bị ảnh hưởng bởi quyền phủ quyết sáp nhập.

Bên cạnh đó, EU có một chế độ "độc nhất vô nhị" để hạn chế những hỗ trợ của chính phủ cho các công ty của mình và hiện cũng do Uỷ ban điều tiết - nhằm hạn chế cuộc đua trợ giá giữa các nước. Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao châu Âu cho rằng, những thay đổi trong kinh tế toàn cầu đồng nghĩa với việc cách tiếp cận cứng rắn của EU sẽ phải trả giá đắt hơn bao giờ hết, do các công ty châu Âu đang phải đối mặt với các đối thủ mạnh được nhà nước hỗ trợ.

EU đã thống nhất hệ thống xem xét ngặt nghèo hơn đối với đầu tư nước ngoài, sau những lo ngại liên quan tới Trung Quốc. Điều này có thể được mở rộng tới mức cân nhắc các khoản trợ giá giành cho người mua trong các vụ sáp nhập. Tuy nhiên, nó lại chỉ ảnh hưởng chủ yếu trong nội khối EU, chứ chưa phải là các thị trường quốc tế.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ