(Tổ Quốc) - Tình hình khu vực phía Đông Địa Trung Hải đang leo thang hết sức căng thẳng.
Không khí đối đầu đang bao trùm lên toàn bộ khu vực giữa các cường quốc, một bên là Thổ Nhĩ Kỳ và bên kia là Hy Lạp, Ai Cập, Israel và Pháp.
Trước sáng kiến của tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm giảm căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, hai nước vẫn tiếp tục ráo riết chuẩn bị cho phương án đối đầu quân sự.
Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với các cuộc diễn tập quân sự chung quy mô lớn với Bắc Síp mang tên "Bão táp Địa Trung Hải" có sự tham gia của các binh chủng không quân, hải quân và bộ binh của hai nước từ 6-10/9/2020, đã huy động một lực lượng lớn gồm 40 xe tăng, hàng chục xe bọc thép chở lính và nhiều phương tiện chiến tranh khác đến tập trung ở khu vực gần biên giới với Hy Lạp. Trên biển phía Đông Địa Trung Hải, Ankara đã triển khai nhiều tàu chiến và đặt các lực lượng này trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Tổng thống R. Erdogan tuyên bố: "Thổ Nhĩ Kỳ có đầy đủ ý chí và sức mạnh để có thể đối phó với bất kỳ tình huống nào, kể cả quân sự nếu cần để bảo vệ chủ quyền của mình."
Hy Lạp tuyên bố bác bỏ đề nghị đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ và cáo buộc Ankara đang gây ra bất ổn ở Đông Địa Trung Hải. Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis cảnh báo, tình hình có thể trượt dài tới một cuộc đối đầu quân sự và Hy Lạp quyết tâm bảo vệ chủ quyền của mình. Đáp lại các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ, Athens cũng đã đưa quân đến các đảo ở Biển Eagean, tập trung 130 xe tăng ở biên giới trên bộ với Thổ Nhĩ Kỳ và tiến hành tập trận chung với Pháp tại khu vực tranh chấp.
Đồng thời, Bộ Quốc phòng Pháp cũng tăng cường sự hiện diện quân sự của mình ở khu vực, đưa khinh hạm Lafayette, máy bay chiến đấu Rafale và nhiều phương tiện chiến tranh khác đến Hy Lạp. Đặc biệt, Hy Lạp và Pháp đã đạt được một thỏa thuận vũ khí khổng lồ dự kiến sẽ được công bố tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Corsica trong nay mai.
Trong một diễn biến khác đáng chú ý, Nga đang chuẩn bị tập trận hải quân bắn đạn thật trong tháng này ở Đông Địa Trung Hải tại những khu vực Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành khảo sát địa chấn nhằm tìm kiếm nguồn năng lượng dầu mỏ và hơi đốt. Ngoại trưởng Nga S. Lavrov đến thăm Síp tuyên bố Moscow sẵn sàng đứng ra tổ chức đối thoại giữa các bên tranh chấp.
Bối cảnh căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp
Ngày 18/8/2020, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa tàu Oruc Reis được sáu tàu chiến hộ tống ra khơi tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực gần đảo Meis (còn được gọi là đảo Kastellorizo) mà Hy Lạp cho là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình. Athens cáo buộc Ankara khoan trái phép, trong khi Ankara cho rằng họ tiến hành khảo sát địa chấn tại các khu vực thuộc thềm lục địa của mình.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa tàu ra khảo sát ở khu vực này được tiến hành ngay sau khi Ai Cập và Hy Lạp ký Hiệp định phân định biên giới trên biển và thành lập EEZ ngày 6/8/2020. Trước đó, tháng 12/2019, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã ký với Chính phủ Hoà hợp Dân tộc (GNA) của Libya một Hiệp định tương tự, thiết lập EEZ của Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài từ miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ đến biên giới biển phía Bắc Libya.
Ảnh minh họa: Bloomberg
Trước đó, ngày 25/7/2020, Diễn đàn Khí đốt Đông Địa Trung Hải (EMGF) đã họp tại Cairo với sự tham gia của Bộ trưởng năng lượng các nước Ai Cập, Hy Lạp, Síp, Israel, Jordan và Italy, được sự ủng hộ của Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) và đồng ý nâng diễn đàn EMGF lên thành một tổ chức quốc tế và thành lập một Uỷ ban công nghiệp khí đốt tự nhiên, bao gồm các công ty nhà nước và tư nhân từ các nước thành viên diễn đàn. Diễn đàn này không có sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ giàu tài nguyên, nhưng không có dầu mỏ và khí đốt. Thổ Nhĩ Kỳ phải nhập khẩu 51 tỷ m3 khí đốt/năm và 1 triệu thùng dầu/ngày. Khu vực Đông Địa Trung Hải được cho là có các mỏ dầu và khí đốt rất lớn. Năm 2011, công ty năng lượng Mỹ Noble Energy đã tìm thấy các mỏ khí đốt khổng lồ có trữ lượng 140-170 ngàn tỷ m3. Về dầu mỏ, đến nay đang ở giai đoạn thăm dò, chưa khẳng định được trữ lượng, nhưng các chuyên gia cho biết là khá lớn, có thể đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ hàng chục năm.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa tàu Oruc Reis ra khảo sát dầu khí tại các vùng biển tranh chấp vào thời điểm này là nhằm bác bỏ Thoả thuận ký giữa Ai Cập và Hy Lạp ký về phân định biên giới trên biển, thiết lập EEZ và khẳng định chủ quyền của mình đối với các khu vực này.
Tranh chấp chủ quyền lãnh hải giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp
Tranh chấp chủ quyền giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đối với một số khu vực Đông Địa Trung Hải, chủ yếu ở Biển Aegean đã có những năm 70 của thế kỷ trước. Năm 1987 và 1996, những tranh chấp này đã đưa hai nước đến bờ vực của chiến tranh.
Các tranh chấp tập trung vào việc phân định lãnh hải, thềm lục địa, EEZ, không phận quốc gia, vùng thông tin bay (FIR), tình trạng phi quân sự một số hòn đảo của Hy Lạp trong khu vực và việc Thổ Nhĩ Kỳ đòi chủ quyền đối với một số hòn đảo nhỏ, trong đó có đảo Imia và Kardak.
Theo Công ước của Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) năm 1982, giới hạn lãnh hải và không phận được xác định hợp pháp của các quốc gia là 12 hải lý. Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp bất đồng với nhau về cách giải thích luật biển. Hy Lạp đã ký UNCLOS năm 1995 và Luật thềm lục địa (1958), trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ không tham gia hai công ước này. Đây là lý do tại sao Ankara không công nhận thềm lục địa hợp pháp và EEZ xung quanh các đảo của Hy Lạp.
Ảnh: AP
Từ năm 1998 đến 2010, quan hệ giữa Ankara và Athens trở nên hoà dịu hơn thông qua một loạt các biện pháp ngoại giao nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, cho đến nay những khác biệt vẫn không được khắc phục, các vấn đề bất đồng cơ bản vẫn chưa được giải quyết.
Sau đó, vào các năm 2013, 2014, 2015 và 2016, nhiều cuộc xung đột về chủ quyền các đảo tranh chấp lại bùng phát giữa hai nước do phát hiện ra các mỏ khí đốt lớn ở Đông Địa Trung Hải và các cuộc đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ bế tắc.
Theo Hiệp ước Lausanne (1923) đảo Kastellorizo được nhượng cho Italy và năm 1947 Italy trao cho Hy Lạp theo Hiệp ước Paris. Hòn đảo này nằm cách Hy Lạp 600 km và chỉ cách bở biển Thổ Nhĩ Kỳ 2 km. Tranh chấp về hòn đảo nhỏ nhất này ở Biển Aegean liên quan đến việc Kastellorizo có được hưởng vùng đặc quyền Kinh tế EEZ và thềm lục địa hay không? Tổng thống R. Erdogan cho rằng, người gây căng thẳng trong khu vực là Hy Lạp và người Síp gốc Hy Lạp, vốn bỏ qua các quyền lợi của Thổ Nhĩ Kỳ và người Síp Thổ Nhĩ Kỳ.
Việc Hy Lạp đòi chủ quyền đối với thềm lục địa và EEZ của đảo Kastellorizo là hoàn toàn bất hợp lý, không thể chấp nhận được... Ông R. Erdogan nói: "Một hòn đảo diện tích chỉ có 10 km2, mà lại đòi có thềm lục địa lên tới 40 nghìn km2 là nực cười và không dựa trên cơ sở nào của luật pháp quốc tế. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bảo vệ đến cùng các vùng lãnh hải và lợi ích của mình ở Địa Trung Hải."
Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận các đảo ở biển Aegean, trong đó có đảo Kastellorizo có lãnh hải nhưng không thể có bất kỳ quyền tài phán nào trên biển liên quan đến thềm lục địa hoặc vùng đặc quyền kinh tế EEZ. Ankara cũng lập luận rằng, nếu một quốc gia có nhiều đảo, thì các đảo này có quyền tài phán trên biển, nhưng quyền tài phán này phải tình từ đất liền chứ không phải đảo. Thổ Nhĩ Kỳ coi tranh chấp ở biển Aegean không chỉ giới hạn ở thềm lục địa.
Các vấn đề liên quan lãnh hải, khu vực thông tin chuyến bay (FIR), không phận, vùng đặc quyền kinh tế, tình trạng của các đảo nhỏ và bãi đá không có người ở và cuối cùng là các vi phạm thoả thuận phi quân sự ở các đảo phải được giải quyết. Những tranh chấp này phải được giải quyết theo các nguyên tắc của luật pháp, nhưng cũng phải tính đến sự cân bằng lợi ích giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.
Hy Lạp, luôn luôn viện dẫn Công ước của Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) năm 1982 và cho rằng tất cả các đảo trên Biển Aegean đều có lãnh hải 12 hải lý tính từ bờ đảo. Athens một mặt đòi các quy định của UNCLOS được áp dụng để giải quyết những bất đồng này, nhưng mặt khác lại không xem xét các phán quyết và án lệ của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) trong việc giải quyết các trường hợp tranh chấp tương tự trên thế giới.
Nếu Hy Lạp đòi lãnh hải 12 dặm cho các đảo của mình, thì họ sẽ chiếm 71% diện tích biển Aegean và Thổ Nhĩ Kỳ chỉ chiếm 8,5%, phần còn lại sẽ đi theo các tuyến thương mại quốc tế. Điều này có nghĩa là hầu hết các tàu Thổ Nhĩ Kỳ đi, đến Istanbul và Izmir sẽ luôn phải xin phép Hy Lạp. Đây là điều không thể chấp nhận được đối với Ankara.
Mặc dù căng thẳng, nhưng khó có khả năng bùng nổ chiến tranh
Tranh chấp tài nguyên và chủ quyền biển Eagean và Địa Trung Hải chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Vấn đề chính ở đây là bất đồng tiềm tàng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với EU mà Hy Lạp và Síp là thành viên, mâu thuẫn giữa Ankara với các nước Ả Rập, Israel, Mỹ, đặc biệt là tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ muốn khôi phục lại sức mạnh của đế chế Ottoman.
Việc tăng cường sự có mặt quân sự của mình tại Libya, Niger, Somalia, Qatar, Syria... và việc theo đuổi học thuyết "Tổ quốc xanh" (Mavi Vatan) do đô đốc Cem Gurdenis đưa ra năm 2006 nằm trong chiến lược của Ankara nhằm mở rộng ảnh hưởng của mình ra toàn bộ khu vực.
Không ai có thể loại trừ khả năng bùng nổ một cuộc đụng đầu quân sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp trong bối cảnh cả hai bên đang ráo riết chuẩn bị chiến tranh. Nhưng liệu cuối cùng có xảy ra đụng độ quân sự hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc Athens và Ankara hiểu được hậu quả của nó mà chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán theo đề nghị của EU và NATO.
Ngoài ra, chiến tranh có bùng nổ hay không còn phụ thuộc vào thái độ của EU và Mỹ vì Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đều là thành viên NATO. Các quốc gia hàng đầu của châu Âu và NATO chắc chắn sẽ tìm mọi cách để hoà giải và ngăn chặn khả năng bùng nổ xung đột quân sự giữa hai thành viên NATO.
Mặt khác, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đều gặp rất nhiều khó khăn kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra. Đặc biệt, Thổ Nhĩ Kỳ đang phải gồng mình đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế do Mỹ, phương Tây cấm vận và chi phí cho cuộc chiến ở miền Bắc Syria, Libya, can dự vào cuộc xung đột giữa Azerbaijan và Armenia, cuộc chiến chống người Kurd đòi ly khai trong nước.., khó có thể phát động được một cuộc chiến tranh mới với Hy Lạp mà đứng sau là các nước EU và NATO. Hơn nữa, xung đột quân sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp sẽ gây chia rẽ và đe dọa sự toàn vẹn của khối liên minh NATO.
Bất đồng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp kéo dài gần 200 năm với 7 cuộc chiến tranh đẫm máu vẫn không giải quyết được vấn đề gì. Đàm phán trên tinh thần thiện chí, có tính đến lợi ích của nhau, vì hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực Trung Đông và Địa Trung Hải là con đường duy nhất để giải quyết các bất đồng và xây dựng mối quan hệ láng giềng tốt giữa hai nước.
So sánh lực lượng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp (theo Al-Jazeera)
Thổ Nhĩ Kỳ
Dân số: 81,3 triệu người, trong đó 35 triệu người trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự
Quân đội: Xếp thứ 11 trên thế giới, thứ 2 trong NATO
Quân số tại ngũ: 735 nghìn người
Ngân sách quốc phòng: 19 tỷ USD
Tàu chiến: 149 chiếc
Tàu ngầm: 12 chiếc
Tàu đổ bộ tấn công: 33 chiếc
Sân bay: 98
Máy bay chiến đấu: 206 chiếc
Máy bay lên thẳng: 497 chiếc
Xe tăng: 2622 chiếc
Xe bọc thép: 8777 chiếc
Đại bác: 1260 khẩu
Pháo tự hành: 1278 khẩu
Bệ phóng tên lửa: 438
Hy Lạp
Dân số: 11,8 triệu người, trong đó 4 triệu người trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự
Quân đội: Xếp thứ 33 trên thế giới, thứ 9 trong NATO
Quân số tại ngũ: 750 nghìn người
Ngân sách quốc phòng: 4,8 tỷ USD
Tàu chiến: 116 chiếc
Tàu ngầm: 11 chiếc
Tàu đổ bộ tấn công: 9 chiếc
Sân bay: 77
Máy bay chiến đấu: 187 chiếc
Máy bay lên thẳng: 231 chiếc
Xe tăng: 1355 chiếc
Xe bọc thép: 3691 chiếc
Đại bác: 463 khẩu
Pháo tự hành: 547 khẩu
Bệ phóng tên lửa: 152