(Tổ Quốc) - Tranh chấp nguồn nước sông Nile giữa Ethiopia - Ai Cập - Sudan hiện đang leo thang căng thẳng.
Các cuộc đàm phán giữa Ai Cập, Ethiopia và Sudan dưới sự trung gian hòa giải của Mỹ, Liên minh châu Âu và Nam Phi về phân chia nguồn nước sông Nile một lần nữa kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào. Việc không đạt được thỏa thuận do bất đồng xung quanh đập thủy điện Đại Phục hưng của Ethiopia đang được xây dựng và chuẩn bị đưa vào vận hành đang làm cho căng thẳng leo thang trong quan hệ giữa ba nước nằm dọc con sông dài nhất thế giới này.
Ngoại trưởng Ethiopia Gedu Andargachew tuyên bố, Addis Ababa sẽ bắt đầu tích nước vào hồ chứa của công trình thủy điện Đại Phục hưng vào ngày 2/7/2020 tới, bất chấp có đạt được thỏa thuận với Ai Cập và Sudan hay không. Ông nói, không có thế lực nào có thể ngăn cản được kế hoạch này của Ethiopia. Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed đã họp với các tướng lĩnh quân đội bàn về chiến lược phòng thủ mới.
Về phần mình, Ai Cập đã chính thức yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc xem xét việc Ethiopia tích nước hồ Đại Phục hưng mà không có sự đồng thuận của các nước vùng hạ lưu. Ngoại trưởng Ai Cập, Sameh Shoukry nhấn mạnh, nếu Hội đồng Bảo an không ngăn chặn được Ethiopia tích nước vào hồ thì Cairo sẽ có các biện pháp cứng rắn thẳng thắn và rõ ràng.
Đồng thời, Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah El-Sisi đi thăm các đơn vị quân đội đóng sát biên giới Ethiopia, tuyên bố quân đội Ai Cập có thể bảo vệ được các quyền lợi quốc gia của Ai Cập ở trong cũng như ngoài nước.
Trong khi đó, Sudan nói sẽ không muốn đối đầu với Ethiopia và kêu gọi nối lại đàm phán để giải quyết bất đồng.
Đập Đại Phục hưng ở Ethiopia. Ảnh: Reuters.
Tầm quan trọng của sông Nile và đập thủy điện Đại Phục hưng
Sông Nile có chiều dài khoảng 6.650 km bắt nguồn từ Hồ Victoria chảy ra Địa Trung Hải là con sông dài nhất thế giới. Sông Nile chảy qua lãnh thổ mười một quốc gia gồm Tanzania, Uganda, Rwanda, Burundi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Kenya, Ethiopia, Eritrea, Nam Sudan, Cộng hòa Sudan và Ai Cập. Với lưu lượng nước khoảng 300 triệu m³/ngày, sông Nile là nguồn sống của hơn 300 triệu người, chủ yếu ở vùng nông thôn. Sông Nile là nguồn cung cấp nước chính cho Ethiopia, Ai Cập và Sudan nên tranh chấp gay gắt nhất là giữa ba nước này.
Sông Nile có ý nghĩa kinh tế hết sức to lớn nên luôn là mục tiêu tranh chấp của nhiều nước. Nguồn nước sông Nile cực kỳ quan trọng đối với Ai Cập, một quốc gia có hơn 90% diện tích là sa mạc. Ai Cập đang khai thác khoảng 55,5 tỷ m3 nước mỗi năm từ sông Nile, đáp ứng 95% nhu cầu của đất nước.
Đập Đại Phục hưng Ethiopia (The Grand Ethiopian Renaissance Dam-GERD) trước đây gọi là đập Thiên niên kỷ và đôi khi còn được gọi là đập Hidase, là một đập thủy điện khổng lồ được Ethiopia khởi công xây dựng trên thượng nguồn của sông Nile từ năm 2011. Dự án này nằm ở khu vực Benishangul-Gumuz của Ethiopia, cách biên giới Sudan khoảng 15 km về phía đông.
Đập Đại Phục hưng có chiều cao 170 mét, hồ chứa rộng 1.800 km2 có thế chứa được khoảng 74 tỷ m3 nước, gần bằng lượng nước hàng năm của Ai Cập và Sudan cộng lại.
Với công suất lắp đặt 6.450 MW, sau khi hoàn thành dự kiến vào cuối năm 2022, đây sẽ là nhà máy thủy điện lớn nhất châu Phi và lớn thứ bảy trên thế giới. Ethiopia dự kiến sẽ đưa vào hoạt động 2 trong tổng số 16 tourbin vào tháng 12/2020 với công suất 750 MW.
Theo Addis Ababa, hiện nay khoảng 65% dân số không có điện. Công suất của nhà máy này không những sẽ đủ để đáp ứng toàn bộ nhu cầu điện của đất nước 100 triệu dân, mà còn có thể bán cho các nước láng giềng Ai Cập, Sudan, Kenya và Djibouti.
Theo các ước tính khác nhau, chi phí cho việc xây dựng nhà máy thủy điện này lên tới 4 - 6 tỷ USD được huy động từ trái phiếu và đầu tư cá nhân. Trong tương lai, khi đưa nhà máy vào vận hành, Ethiopia dự kiến sẽ thu được khoảng 27 triệu USD/ ngày. Ngoài ra, hồ chưa nước này còn có thể cung cấp cho Addis Ababa khoảng 7 nghìn tấn cá mỗi năm, một nguồn thu quan trọng đối với quốc gia không có biển và người dân bị nạn đói đe doạ.
Ngoại trưởng Ethiopia Gedu Andargachew tuyên bố không thế lực nào có thể ngăn cản được kế hoạch xây đập Đại Phục hưng
Bất đồng giữa Ethiopia, Ai Cập và Sudan về sử dụng nguồn nước sông Nile
Vấn đề nguồn nước sông Nile do lịch sử để lại hết sức phức tạp. Hàng ngàn năm trước đây và đến cả thời hiện đại, Ai Cập dưới sự đô hộ của Anh một thời gian dài đã thực thi ảnh hưởng của mình đối với toàn bộ sông Nile từ thượng nguồn đến hạ nguồn.
Bất đồng giữa Addis Ababa, Cairo và Khartoum gần đây trở nên hết sức căng thẳng do Ethiopia xây dựng đập thủy điện Đại Phục hưng trên thượng nguồn sông Nile mà không có bất cứ sự bàn bạc nào với các nước liên quan. Ba nước liên quan trực tiếp đến nguồn nước sông Nile là Ethiopia, Ai Cập và Sudan không nhất trí được về thời gian và khối lượng nước sẽ được tích trữ tại hồ chứa của con đập này.
Đập Đại Phục hưng của Ethiopia gây ra nhiều lo ngại đối với các quốc gia nằm ở hạ lưu sông Nile do lưu lượng nước bị suy giảm. Hồ thủy điện này có thể chứa 74 tỷ m³ nước, trong khi lưu lượng hàng năm của sông Nile chỉ ở mức khoảng 49 tỷ m³.
Cairo và Khartoum lo ngại nguồn cung cấp nước cho hồ Nasser của nhà máy thủy điện Aswan (Ai Cập) được xây dựng từ 1967 và Meroe (Sudan) xây dựng năm 2009 dẫn đến giảm sản lượng điện của hai nước này.
Theo tính toán, khoảng 85% nước sông Nile đến Ai Cập là từ vùng thượng lưu Ethiopia. Theo số liệu được đưa ra trong một thông điệp Cairo gửi Hội đồng Bảo an tháng 5 vừa qua, hiện nay mỗi người Ai Cập chỉ có 570 m³ nước/năm, trong khi theo tiêu chuẩn quốc tế là 1000 m³ và đến năm 2025, lượng nước này sẽ giảm xuống chỉ còn 500 m³/năm.
Theo thỏa thuận năm 1959 về phân chia nguồn nước sông Nile, hàng năm Ai Cập được quyền nhận 55,5 tỷ m³ và Sudan 18,5 tỷ m³. Hiện nay do Ethiopia xây đập chắn phía thượng lưu, Ai Cập chỉ còn nhận được khoảng 31 tỷ m³ và Sudan khoảng 10 tỷ m³. Lượng nước này không đủ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp của Ai Cập và Sudan.
Theo các chuyên gia, nếu hạn ngạch nước sông Nile dành cho Ai Cập chỉ ở mức thấp như vậy, quốc gia này sẽ mất 1,5 triệu việc làm, thiệt hại hàng năm trong sản xuất điện có thể sẽ lên tới 300 triệu USD, nông nghiệp sẽ bị thiệt hại 1,4 tỷ USD, và nhà nước sẽ buộc phải chi hơn 500 triệu USD để nhập khẩu lương thực, thực phẩm.
Ai Cập đòi Ethiopia tích nước vào hồ thủy điện Đại Phục hưng theo giai đoạn, ít nhất trong vòng mười năm và dưới sự kiểm soát của các nước láng giềng, và quan trọng nhất là việc tích nước chỉ được bắt đầu sau khi đạt được thỏa thuận về việc sử dụng nước sông Nile. Tuy nhiên, phía Ethiopia tuyên bố không chấp nhận việc kéo dài thời gian tích nước trong vòng 10-12 năm.
Ethiopia đã bác bỏ đề nghị này của Ai Cập, coi đây là vi phạm chủ quyền của mình. Các cuộc đàm phán vừa qua đã đi vào bế tắc. Addis Ababa rất cần điện trong tương lai gần và dự định sẽ tích nước đầy hồ chứa trong 3 năm để có thể phát điện sớm. Điều này sẽ làm cho Ai Cập và Sudan mất 25 tỷ m³ nước, có thể dẫn đến hạn hán, mất mùa nghiêm trọng và nạn đói.
Cơ sở giải quyết bất đồng về nguồn nước sông Nile
Tháng 3/2015, các nhà lãnh đạo Ethiopia, Ai Cập và Sudan đã ký một thỏa thuận các nguyên tắc, theo đó các bên cam kết phải đạt được sự đồng thuận thông qua sự hợp tác trong các vấn đề liên quan đến đập Đại Phục hưng.
Những nguyên tắc này bao gồm: Cùng nhau hợp tác, phát triển và hỗ trợ lẫn nhau về kinh tế, cam kết không gây thiệt hại cho bất kỳ quốc gia nào, sử dụng nguồn nước công bằng, hợp lý và phối hợp với nhau trong lần đầu tiên đưa nước vào tích trữ tại hồ thủy điện và cùng nhau giám sát việc vận hành hàng năm của con đập này, nhưng bất đồng vẫn tồn tại bất chấp thỏa thuận.
Nhu cầu điện để phát triển kinh tế của Ethiopia cần phải được tính đến, nhưng việc xây dựng đập Đại Phục hưng khổng lồ này không được gây thiệt hại cho các nước ở vùng hạ lưu, đặc biệt là Ai Cập và Sudan.
Ngày 22/6/2020, Liên đoàn Ả Rập (AL) và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp và kêu gọi Ethiopia, Ai Cập và Sudan trở lại bàn đàm phán để thỏa thuận về việc phân chia nguồn nước sông Nile và trước mắt là các vấn đề liên quan đến việc xây dựng và vận hành đập Đại Phục hưng của Ethiopia.
Bất đồng về nguồn nước sông Nile giữa Ai Cập, Ethiopia và Sudan cần phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, các hiệp định năm 1929, 1959 và thỏa thuận về các nguyên tắc đã ký năm 2015 giữa ba nước, đảm bảo lợi ích hài hòa của các quốc gia liên quan.
Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt lại.