• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tranh chấp Kuril tiếp tục phủ bóng đen lên thỏa thuận lịch sử Nga, Nhật

Thế giới 24/09/2018 21:35

(Tổ Quốc) - Người dân Nhật Bản phản đối một hiệp ước hòa bình vô điều kiện với Nga và đòi hỏi phải giải quyết tranh chấp lãnh thổ trước tiên.

Hôm thứ Hai (24/9). tờ báo Nhật bản Yomiuri đã công bố kết quả một cuộc trưng cầu dân ý, theo đó, 75% người dân nước này phản đối một hiệp ước hòa bình vô điều kiện giữa Nhật Bản với Nga.

Hầu hết người tham gia trả lời đều cho biết, họ ủng hộ lập trường của chính phủ Nhật Bản, đó là vấn đề “Lãnh thổ phía bắc” (cách Nhật Bản gọi các đảo Nam Kuril) – phải được giải quyết trước khi Tokyo và Nhật Bản ký kết bất kỳ một hiệp ước hòa bình nào.

Trong khi đó, theo kết quả một cuộc trưng cầu dân ý khác do tạp chí tài chính hàng đầu Nhật Bản, Nikkei tiến hành, 66% người được hỏi kêu gọi dàn xếp vấn đề tranh chấp lãnh thổ đầu tiên, và chỉ có 19% người tỏ thái độ phản đối trước quan điểm của chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe.

Tại phiên toàn thể ngày 12/9 trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Phương Đông, Tổng thống Nga Vladimir Putin đề nghị, Moscow và Tokyo nên ký kết một hiệp ước hòa bình mà không cần có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào và thời điểm đưa ra là cuối năm nay.

Khi được yêu cầu bình luận về sáng kiến của Tổng thống Nga, một quan chức từ Bộ Ngoại giao Nhật Bản chia sẻ với hãng tin Nga TASS rằng, Tokyo sẽ lên kế hoạch đàm phán về hiệp ước hòa bình với Nga sau khi tranh chấp lãnh thổ được giải quyết. Quan chức này cũng khẳng định, lập trường của Nhật Bản vẫn không thay đổi.

Kể từ giữa thế kỷ 20, Nga và Nhật Bản đã tổ chức các cuộc tham vấn liên quan tới một hiệp ước hòa bình giữa hai nước sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc; trong đó quần đảo Kuril là điểm cản trở mấu chốt. Sau Thế chiến thứ hai, quần đảo được trao cho Liên Xô trong khi Nhật Bản tuyên bố chủ quyền với bốn hòn đảo ở phía nam.

Năm 1956, Tokyo và Moscow đã ký kết một tuyên bố chung kết thúc tình trạng chiến tranh và khôi phục quan hệ ngoại giao cùng tất cả các quan hệ khác; tuy nhiên, hai bên vẫn chưa chính thức đạt được một hiệp ước hòa bình. Nga từng nhiều lần nhấn mạnh, chủ quyền của Nga tại quần đảo Kuril là điều không thể đem ra bàn cãi.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ