• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tranh chấp với New Delhi chưa hạ nhiệt, Trung Quốc lại tiếp tục "nhòm ngó" đất của đồng minh Ấn Độ?

Thế giới 01/07/2020 11:36

(Tổ Quốc) - Báo Hindustan Times của Ấn Độ đã gọi đây là một phần trong "kế hoạch bành trướng" của Trung Quốc.

Báo Hindustan Times (Ấn Độ) đưa tin, Trung Quốc lại vừa khơi mào một cuộc tranh chấp biên giới mới với Bhutan, một trong những đồng minh truyền thống của Ấn Độ, trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và New Delhi vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Cụ thể, trong hội nghị lần thứ 58 được Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) tổ chức vào tuần đầu tháng 6, Bắc Kinh đã phản đối việc tài trợ cho dự án khu bảo tồn động vật Sakteng Wildlife Sanctuary (SWS) ở một quận miền Đông Bhutan, giáp với Ấn Độ và Trung Quốc, đồng thời tuyên bố rằng địa điểm này là vùng lãnh thổ "đang tranh chấp".

Trước động thái trên, Hindustan Times đã gọi đây là một phần trong "kế hoạch bành trướng" của Trung Quốc, sau những động thái của nước này tại một số khu vực khác như cao nguyên Ladakh của Ấn Độ, biển Hoa Đông và biển Đông.

Strat News Global cho biết Hội đồng GEF đã rất "sốc" trước tuyên bố phản đối bất ngờ của Trung Quốc, nhưng GEF cũng đã ngay lập tức bác bỏ quan điểm này.

Đại đa số các thành viên thuộc hội đồng GEF đều ủng hộ lập trường của Bhutan và kế hoạch tài trợ cho SWS đã được thông qua tại cuộc họp, bất chấp sự phản đối đến từ đại diện của Trung Quốc.

Hindustan Times cho biết hai nước Bhutan và Trung Quốc đã có tranh chấp biên giới kể từ năm 1984, và biên giới giữa hai nước vẫn chưa hoàn toàn được phân định. Tuy nhiên, thực tế, khu bảo tồn SWS không nằm trong những khu vực tranh chấp giữa Bhutan và Trung Quốc, theo báo India Today.

Phía Bhutan đã mạnh mẽ phản đối tuyên bố của Trung Quốc về tranh chấp lãnh thổ tại khu bảo tồn SWS. Phát biểu tại cuộc họp của GEF, người đại diện chung của Bhutan, Bangladesh, Ấn Độ, Maldives, Nepal, và Sri Lanka nhấn mạnh: "Khu bảo tồn động vật Sakteng là một phần lãnh thổ không thể tách rời và có chủ quyền của Bhutan".

India Today cho hay, một chi tiết khá đáng chú ý trong vụ việc lần này là vấn đề tài trợ cho khu bảo tồn SWS "chưa từng" được thảo luận trước đó, do vậy đây là lần đầu tiên vấn đề này được đề cập, và có thể nói rằng Trung Quốc đã "nắm lấy cơ hội này" để tuyên bố yêu sách chủ quyền đối với SWS.

Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Hồng Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ