(Tổ Quốc) - Với mỗi ký tự, người đọc sẽ nhận được gần 400 triệu đồng, và hiện còn tới 3.000 ký tự chưa được giải mã.
Bảo tàng Quốc gia về chữ viết Trung Hoa tại An Dương, tỉnh Hà Nam vừa kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ việc giải mã những đoạn các ký tự cổ được cho là có niên đại hơn 3.000 năm từ thời kỳ nhà Thương.
Những ký tự trên, thoạt nhìn có nét tương tự với chữ viết Trung Hoa hiện đại, là bản chữ viết sớm nhất được ghi lại của nền văn minh Trung Hoa.
Theo các nhà khoa học, những đoạn ký tự này do các thầy bói thời xưa khắc lại trên mai rùavà phần xương vai bò. Chúng được xem là những thẻ sấm truyền (bói toán) hay ghi lại tất cả những câu hỏi về mọi thứ, từ thời tiết cho đến thuế má.
Cho đến thời điểm hiện tại, các nhà khoa học Trung Quốc đã giải mã được gần một nửa trong số khoảng 5.000 ký tự được khai quật. Hơn 3.000 ký tự còn lại vẫn nằm trong vòng bí ẩn.
Một thẻ sấm ngữ được khắc trên mai rùa (ảnh: Scmp) |
Giờ đây, Bảo tàng Quốc gia về chữ viết Trung Hoa hy vọng giải thưởng tiền mặt và công nghệ có thể giúp “vén màn” những thông điệp mà người xưa để lại.
Trong một thông báo đăng trên trang web vào đầu tháng này, Bảo tàng cho biết, họ sẽ trả 100.000 tệ (tương đương 340 triệu đồng) cho ai có thể cung cấp bản giải thích chi tiết cho mỗi ký tự chưa được giải mã. Đối với những ký tự còn đang gây tranh cãi, số tiền nhận được sẽ ít hơn một nửa, là 50.000 tệ. Bảo tàng khuyến khích các nhà nghiên cứu sử dụng công nghệ hiện đại kết hợp với các biện pháp truyền thống để có thể đạt được kết quả tốt nhất.
Tờ Nhật báo Kinh tế Thành Đô dẫn lời Liu Fenghua, một chuyên gia trong lĩnh vực này đến từ Đại học Trịnh Châu cho biết, hầu hết các ký tự chưa được giải mã đều là tên người và địa điểm.
“Bởi vì thời gian đã quá lâu, và nhiều địa điểm đã thay đổi tên, vì vậy rất khó để xác định chúng,” Liu nói. “Vì vấn đề tài chính, nhiều học giả đã đổi hướng nghiên cứu của mình sang các chủ đề khác.”
Đối với các nhà nghiên cứu về ký tự Trung Hoa cổ, hiểu được ý nghĩa một ký tự, cũng có thể coi là một thành tựu trong sự nghiệp.
Giáo sư lịch sử Zhu Yanmin của Đại học Nam Khai tại Thiên Tân chia sẻ với Nhật báo Tuổi trẻ Bắc Kinh: “Nếu chúng ta biết được đó là danh từ hay động từ, nội dung của đoạn viết có thể được hé mở, từ đó chúng ta có thể hiểu rõ hơn về lịch sử cổ đại.”
Thẻ sấm ngữ bắt đầu được biết đến rộng rãi từ năm 1899 khi chuyên gia đồ cổ Trung Quốc Wang Yirong tìm thấy một đoạn văn khắc trên “xương của rồng”, một loại vật liệu y học cổ truyền Trung Quốc. Phát hiện này đã dẫn đến làn sóng tìm kiếm sấm ngữ của các nhà sưu tập giàu có. Thời điểm đó, một cuộc tranh luận lớn cũng nổ ra do nhiều học giả nghi ngờ sự tồn tại của nhà Thương.
Trong những năm 1920, Học viện Khoa học Trung Quốc đã khai quật được rất nhiều thẻ sấm ngữ gần An Dương, cố đô cổ của nhà Thương.
Các nhà nghiên cứu xác nhận những di vật này thuộc về đời nhà Thương, khi người dân Trung Quốc bắt đầu học làm vũ khí và các dụng cụ bằng kim loại, thay vì bằng đá như trước đó.
(Theo SCMP)