(Tổ Quốc) - Sáng 24/3, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Đại sứ quán Australia tổ chức Hội nghị Triển khai Chương trình phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025 và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công tác gia đình.
- 13.01.2022 Tạo chuyển biến về nhận thức, hành động trong phòng, chống bạo lực gia đình
- 25.05.2021 Kế hoạch Tổ chức tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình trên phương tiện truyền thông đại chúng
- 23.02.2021 Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Vĩnh Long về các biện pháp tăng cường triển khai và thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống bạo lực gia đình
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy; bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA và ông Mark Tattersall, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Australia chủ trì Hội nghị. Hội nghị được thực hiện trực tiếp kết hợp với trực tuyến đến 25 điểm cầu là các Bộ, ngành, các địa phương.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định sự ổn định của gia đình chính là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với trách nhiệm được giao quản lý nhà nước về gia đình, Bộ VHTTDL đã chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược, Đề án, Chương trình của lĩnh vực gia đình giai đoạn 2010-2020, từ đó xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030, Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025.
Đây là những văn bản hết sức quan trọng, định hướng, tạo nền tảng cho công tác gia đình trong giai đoạn 2021-2030 nhằm phấn đấu đạt được mục tiêu chung "xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, là hạt nhân, tế bào lành mạnh của xã hội, tổ ấm của mỗi người; là nơi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, lối sống tôn trọng đạo lý uống nước nhớ nguồn, tương thân tương ái, chung thủy nghĩa tình, góp phần nhân rộng các giá trị tốt đẹp, thúc đẩy phát triển bền vững đất nước".
Thứ trưởng cho rằng, trách nhiệm của chúng ta trong thời gian tới là phải tăng đầu tư nguồn lực; nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành; đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động, giáo dục; hoàn thiện khung khổ pháp luật để triển khai, thực hiện có hiệu quả Chiến lược, Chương trình, Kế hoạch về công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, ban hành.
Thứ trưởng cũng bày tỏ cảm ơn sự phối hợp tích cực, chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; Uỷ ban nhân dân các địa phương; các tổ chức, cá nhân trong quá trình xây dựng, trình ban hành, triển khai thực hiện các văn bản nêu trên. Đặc biệt cảm ơn Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Cơ quan hợp tác phát triển Úc và các tổ chức, cá nhân đã nhiệt tình ủng hộ, hỗ trợ kỹ thuật cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình tại Việt Nam thời gian qua.
Tại hội nghị, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam Naomi Kitahara khẳng định: UNFPA rất vinh dự hỗ trợ Bộ VHTTDL về kỹ thuật trong công tác xây dựng Chương trình về Phòng chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025, kế hoạch thực hiện trong thời gian tới nhằm hỗ trợ, bảo vệ người bị bạo lực gia đình và nâng cao nhận thức ngăn chặn người gây ra bạo lực gia đình. Trong 5 năm tới, UNFPA sẽ cam kết hỗ trợ Bộ VHTTDL thực hiện chương trình nhằm đảm bảo tất cả phụ nữ và trẻ em Việt Nam, bao gồm cả các đối tượng dễ tổn thương nhất được sống một cuộc sống không có bạo lực...
Thời gian qua, Việt Nam đã và đang quyết tâm chấm dứt bạo lực gia đình thông qua ưu tiên sửa đổi pháp luật, chính sách về phòng chống bạo lực gia đình, nâng cao nhận thức nhằm chuyển đổi hành vi của người dân một cách hiệu quả.
Theo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 được thực hiện với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc và UNFPA, cuộc điều tra cho thấy có rất ít thay đổi về tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ kể từ cuộc điều tra đầu tiên được thực hiện vào năm 2010. Kết quả điều tra cho thấy 62,9% phụ nữ ở Việt Nam từng trải qua một hoặc hơn một hình thức bạo lực, bao gồm bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần, bạo lực kinh tế và kiểm soát hành vi. Tuy nhiên, đây là vấn đề còn ẩn khuất trong xã hội Việt Nam khi có 90,4% nạn nhân của bạo lực không tìm kiếm bất kỳ sự trợ giúp nào từ chính quyền, và một nửa trong số đó chưa từng kể với ai về tình trạng bị bạo lực của mình. Ước tính bạo lực đối với phụ nữ gây thiệt hại cho Việt Nam tương đương 1,81% GDP vào năm 2018. Đây là vấn đề đáng báo động và các khuyến nghị từ Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ năm 2019 nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường các biện pháp can thiệp trong giai đoạn tới.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về các giải pháp chính của Chương trình về phòng chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025. Trong đó có việc hoàn thiện pháp luật, chính sách về phòng, chống bạo lực gia đình; tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo và phối hợp liên ngành giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình; xây dựng và vận hành hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ, phòng ngừa bạo lực gia đình; tăng cường thông tin, giáo dục, truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình các cấp, các ngành; hợp tác quốc tế; nghiên cứu khoa học; xây dựng cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình...
Bộ VHTTDL đang lấy ý kiến các đơn vị, bộ, ngành, địa phương về việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, đây là khuôn khổ pháp lý quan trọng để giải quyết vấn đề bạo lực gia đình và dự kiến sẽ được trình tại kỳ họp sắp tới của Quốc hội vào tháng 5 và thông qua vào tháng 10 năm nay./.