(Tổ Quốc)- Triển khai THAAD là một động thái trong chiến lược “xoay trục” của Mỹ sang châu Á giai đoạn mới.
(Tổ Quốc)- Triển khai THAAD là một động thái trong chiến lược “xoay trục” của Mỹ sang châu Á giai đoạn mới.
>>Đàm phán Mỹ - Hàn còn nhiều rào cản
Hàn Quốc nằm ở vùng giao thoa ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Mỹ. Quốc gia này duy trì quan hệ mật thiết với cả hai nước lớn: Đi với Mỹ về an ninh, đi với Trung Quốc về kinh tế. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cũng tin rằng mối quan hệ được tăng cường với Trung Quốc sẽ giúp đối phó hiệu quả với Triều Tiên.
Nhưng, việc Bình Nhưỡng thử hạt nhân ngày 6/1/2016 và phóng thử tên lửa đẩy ngày 7/2/2016 làm cho người Hàn Quốc nhận ra rằng Bắc Kinh không có mấy ảnh hưởng để ngăn chặn Bình Nhưỡng phát triển vũ khí chiến lược. Đứng trước sự thách thức sống còn của một quốc gia, “thà tin hơn là bỏ qua” những lời đe dọa bên miệng hố chiến tranh hạt nhân của Bình Nhưỡng. Bất chấp quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, nữ Tổng thống Hàn Quốc tỏ ra quyết tâm đàm phán triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại nước này.
Pham vị bao quát của THAAD: một phần lãnh thổ Trung Quốc và Viến Đông Nga
Việc triển khai THAAD đụng chạm đến giây thần kinh nhạy cảm của Trung Quốc. Trước đây Mỹ và Hàn Quốc không ít lần đề cập đến việc đặt THAAD ở Hàn Quốc, nhưng lần này bà Park mới bật đèn xanh thương lượng. Ngày 4/3, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ra thông báo cho biết nước này và Mỹ đã thành lập Nhóm làm việc chung thảo luận chính thức khả năng triển khai THAAD. Nhóm làm việc sẽ tiến hành thảo luận các vấn đề như tính khả thi của việc triển khai, thời gian và địa điểm, chia sẻ kinh phí, cũng như các tác động đến môi trường và an toàn…
THAAD là hệ thống phòng thủ tên lửa đa năng chống lại các loại tên lửa tầm ngắn, tầm trung và xuyên lục địa. Hệ thống ra đa của THAAD có thể bao quát khu vực bán kính 2000 km, gồm toàn bộ vùng Đông Bắc Trung Quốc, nơi triển khai tên lửa đạn đạo.
Nhìn từ góc độ Mỹ, một mũi tên nhắm hai đích. Việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc sẽ làm giảm nhiệt yêu cầu nội bộ của nước này trang bị vũ khí hạt nhân sau vụ Triều Tiên thử hạt nhân hồi tháng 1/2016.
Nhưng không thể không nhận ra ý tứ của Mỹ đáp trả những hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc đã liên tục leo thang căng thẳng ở vùng biển này bất chấp phía Mỹ bày tỏ quan ngại. Phía Mỹ ở tất cả các cấp, kể cả gặp gỡ cấp cao, yêu cầu Trung Quốc ngừng việc tôn tạo các đảo nhân tạo. Mới đây, Trung Quốc đã triển khai tên lửa tại Hoàng Sa, lắp đặt ra đa ở Trường Sa, chuẩn bị cho những bước leo thang quân sự hóa Biển Đông. Phía Mỹ đánh giá rằng Trung Quốc đang tiến tới “kiểm soát Biển Đông trên thực tế”.
Có dấu hiệu Mỹ mở rộng chính sách “xoay trục” tại châu Á sang giai đoạn hai để đối phó với những hành động gây hấn mới của Trung Quốc. Giai đoạn một từ đầu năm 2012, với 3 nội dung chính: củng cố hệ thống đồng minh, đối tác; tái bố trí binh lực ở châu Á-Thái Bình Dương; về kinh tế, thúc đẩy đàm phán hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Lần này, giới chức quân sự Mỹ, từ Bộ trưởng quốc phòng, Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân, tới Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương, đều khẳng định Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự và năng lực tấn công của quân đội Mỹ ở khu vực, nhằm cân bằng lại thách thức quân sự gia tăng của Trung Quốc. Thậm chí, Không quân Mỹ đang chuẩn bị các căn cứ dự phòng ở Tây Thái Bình Dương để đề phòng trường hợp xẩy ra xung đột quân sự với Trung Quốc, như Mỹ từng làm thời Chiến tranh lạnh phòng ngừa xung đột quân sự với Liên Xô.
Việc triển khai THAAD nếu thành hiện thực sẽ là một trong các biện pháp phòng ngự tiền tiêu, đòn “điểm huyệt” của Mỹ đối với Trung Quốc, là một động thái chiến lược.
Phía Trung Quốc cho rằng phạm vi bao phủ của THAAD vượt ra ngoài phạm vi phòng thủ trên bán đảo Triều Tiên và đe dọa trực tiếp lợi ích an ninh chiến lược của Trung Quốc.
Ngoại trưởng Vương Nghị trực tiếp nêu quan ngại khi thăm Washington hồi tháng 2. Bắc Kinh cử đặc sứ tới Seoul thuyết phục Hàn Quốc chú ý tới lập trường và lợi ích của Trung Quốc. Ngày 3/3, đại diện Trung Quốc đã chính thức phản đối trong một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Cả phía Mỹ và Hàn Quốc đều trấn an Trung Quốc rằng việc triển khai THAAD “chỉ nhằm tự vệ”, “đối phó với tên lửa Triều Tiên”... Cách giải thích này cũng na ná như việc Trung Quốc thuyết phục Mỹ và thế giới rằng các tổ hợp thiết lập trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa “mang tính dân sự” và rằng sự mở rộng hiện diện tại đấy không đe dọa “tự do hàng hải” ngang qua Biển Đông.
Như Giáo sư Chu Hạo, một trong các chuyên gia quan hệ quốc tế hàng đầu của Trung Quốc, mới đây nhận xét, “giữa Trung Quốc và Mỹ không tồn tại bất kỳ tin cậy chiến lược nào”./.