(Tổ Quốc) - Cuộc xung đột ở Ukraine đã kéo dài đến tháng thứ chín, các bên đang hướng đến khả năng đàm phán ngoại giao.
Ngày 24/2/2022, Liên bang Nga đã phát động “Chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine. Moscow tuyên bố, mục đích của chiến dịch này là khôi phục hòa bình ở Donbass, cũng như ngăn chặn sự mở rộng NATO sang phía Đông, đe dọa an ninh quốc gia của Nga. Mỹ và các nước phương Tây ủng hộ mạnh mẽ Ukraine, áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn đối với Nga. Đến nay, cuộc chiến đã bước sang tháng thứ chín và cục diện trên thực địa ở Ukraine vẫn trong thế giằng co. Các lực lượng Nga đã kiểm soát và sáp nhập vào Nga bốn tỉnh Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson.
Cuộc chiến kéo dài không chỉ gây thiệt hại cho Nga, Ukraine mà còn cho cả Mỹ và phương Tây, tác động tiêu cực đến tất cả các nước trên thế giới. Tình hình này đang đòi hỏi các bên liên quan đi vào đàm phán để giải quyết cuộc xung đột
Mỹ và châu Âu tính giảm viện trợ cho Ukraine
Mỹ và châu Âu không thể tiếp tục viện trợ cho Ukraine mà không biết khi nào xung đột chấm dứt, trong khi bản thân họ đang gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế và đời sống.
Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ gần 40 tỷ USD, Liên minh EU cũng đã quyết định dành 18 tỷ euro cho Ukraine. Phần lớn số tiền này sẽ được dùng để cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những lời hứa trên giấy, còn trên thực tế việc thực hiện cam kết này đang gặp nhiều khó khăn.
Bản thân Mỹ và EU đang gặp nhiều vấn đề về kinh tế và xã hội. Kinh tế suy thoái, lạm phát, giá cả tăng vọt lên mức chưa từng có, thất nghiệp gia tăng. Cao ủy châu Âu dự báo kinh tế châu Âu đang lâm vào khủng hoảng và suy thoái nghiêm trọng.
Chuyến thăm của Thủ tướng Anh Boris Johnson đến Trung Đông (3/2022), tiếp theo là Tổng thống Mỹ Joe Biden (7/2022), Thủ tướng Đức Olaf Scholz (8/2022) đã không thuyết phục được các nước sản xuất dầu mỏ và khí đốt ở vùng Vịnh tăng sản lượng đề thay thế nguồn năng lượng cung cấp từ Nga.
Các nhà lãnh đạo Mỹ và phương Tây bắt đầu nhận thấy rằng việc cung cấp vũ khí cho Ukraine là không hiệu quả vì Ukraine không giành được thắng lợi nào đáng kể trên mặt trận. Những lô vũ khí lớn cũng chỉ có thể góp phần làm chậm lại chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga và kéo dài xung đột. Tờ báo Telegraph của Anh viết, nếu Kiev không "lật ngược được tình thế" trên tiền tuyến, không có chiến thắng ở mặt trận, phương Tây sẽ cắt giảm các chương trình hỗ trợ Ukraine.
Tạp chí Newsweek số ra gần đây viết, tình hình ở các nước EU đang buộc lãnh đạo các nước này phải xem xét lại việc tiếp tục cung cấp viện trợ cho Kiev. Theo tạp chí này, EU có kế hoạch viện trợ cho Ukraine 18 tỷ euro vào năm tới, nhưng họ đang phải đối mặt với các cuộc biểu tình phản đối do khủng hoảng kinh tế, đời sống khó khăn, các nhà phân tích chính trị cho rằng cam kết này rất khó có thể thực hiện được.
Các nước thúc giục Nga-Ukraine đàm phán
Cuộc chiến Ukraine - Nga đã bước sang tháng thứ chín, Mỹ và châu Âu đã bắt đầu nói về một giải pháp ngoại giao với Nga. Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cũng như Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang thúc giục Ukraine bước vào đàm phán để ký kết một hiệp ước hòa bình với Moscow.
Nhiều nhà lãnh đạo Mỹ và phương Tây ngày càng tin rằng Ukraine sẽ không thể đạt được các mục tiêu của mình bằng quân sự. Họ coi mùa đông sắp tới chiến sự sẽ giảm bớt, là thời điểm thích hợp để bắt đầu các cuộc đàm phán giữa các bên.
Các quan chức cấp cao của Mỹ đang đề nghị Ukraine suy nghĩ về các cuộc đàm phán hòa bình với Nga. Đại sứ Mỹ tại NATO Julian Smith nói: "Mỹ hy vọng sẽ bắt đầu đàm phán về Ukraine trong tương lai gần.”
Tổng thống Biden cho rằng "cuộc chiến ở Ukraine phải kết thúc bằng một thỏa thuận". Tại cuộc họp báo sau bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ, ông đã gợi ý về khả năng đàm phán sớm giữa Ukraine và Nga.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Mark Milley, đang tìm cách thuyết phục Tổng thống Biden thúc đẩy Ukraine đi vào một giải pháp ngoại giao để chấm dứt căng thẳng. Ông nói: “Một chiến thắng quân sự có lẽ không thể đạt được. Các lực lượng Ukraine không thể đánh đuổi được các lực lượng Nga ra khỏi lãnh thổ của mình, trừ khi quân đội Nga bị sụp đổ hoàn toàn. Điều này rất khó xảy ra. Vì vậy, chúng ta phải sử dụng các phương tiện khác.”
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, trong cuộc gặp gần đây với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đã kêu gọi lãnh đạo Ukraine nên tỏ ra cởi mở với một giải pháp thương lượng và xem xét khả năng đàm phán với Nga. Ông Sullivan khuyên Tổng thống Zelensky cân nhắc các đòi hỏi thực tế và ưu tiên đàm phán, bao gồm cả việc xem xét lại mục tiêu đã nêu của ông là giành lại quyền kiểm soát bán đảo Crimea.
Đáng lưu ý, cuộc gặp trên diễn ra sau khi Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William J. Burn gặp Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR) Sergey Naryshkin tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 14/22/2022.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khi gặp người đồng cấp Ukraine Dmitry Kuleba tại Phnom Penh, Campuchia, thông báo rằng Kiev có cơ hội quyết định về thời gian và nội dung đàm phán với Moscow.
Trước Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Bali mới đây, một số nhà lãnh đạo phương Tây đã đưa ra những lời kêu gọi tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình càng sớm càng tốt giữa các bên trong cuộc xung đột Ukraine. Ngày 14/11/2022, phát biểu trên đài phát thanh France Inter, Tổng thống Pháp Macron cho rằng cần nỗ lực hơn nữa trong những tuần tới để tìm ra giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột Ukraine. Ông cũng bày tỏ ý định sớm gặp Tổng thống Nga V. Putin.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Bali đã tái khẳng định quan điểm của Bắc Kinh về sự cần thiết phải khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình để chấm dứt sự kiện ở Ukraine.
Tờ Politico của Mỹ tiết lộ, Bộ Ngoại giao Mỹ đang bí mật chuẩn bị cơ sở cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine. Washington tự tin rằng có thể đưa cả hai bên của cuộc xung đột ngồi vào bàn đàm phán vào mùa Đông này, khi cường độ chiến sự có thể giảm do thời tiết lạnh giá. Nhà Trắng cũng đang gây áp lực lên V. Zelensky để Ukraine rút các điều khoản không thể đàm phán khỏi danh sách các điều kiện để bắt đầu đối thoại với Nga.
Một số thông tin cho biết, bản thân Tổng thống Zelensky không loại trừ khả năng đạt được thỏa thuận với Moscow trước cuối năm 2022.
Về phần mình, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko nói: “Moscow không đưa ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào để bắt đầu đàm phán với Kiev, ngoại trừ điều kiện chính là Ukraine phải thể hiện thiện chí".
Đây là những dấu hiệu về khả năng mở ra các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga. Đàm phán là biện pháp tốt nhất để tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột. Các nhà phân tích chính trị cho rằng Mỹ, các nước phương Tây và Ukraine nên bắt đầu quá trình đàm phán với Nga để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Việc tiếp tục xung đột sẽ chỉ dẫn đến nhiều thiệt hại về người và của không cần thiết cho cả hai bên, đồng thời sẽ có tác động nghiêm trọng đến toàn thế giới.