(Tổ Quốc)- Nếu cộng đồng quốc tế không viện trợ, Triều Tiên có thể diễn ra một cuộc khủng hoảng lương thức toàn diện.
Tình hình lương thực của Triều Tiên đang trở nên tồi tệ, do bị ảnh hưởng bởi nhiều năm hạn hán và lũ lụt. Lúa, ngô và hoa màu khác đang bị khô héo trên các cánh đồng. Việc mất mùa đang ở trong tầm tay, hậu quả nghiêm trọng là nạn đói, suy dinh dưỡng và các vấn đề sức khỏe người dân. Triều Tiên từng trải qua nạn đói nghiêm trọng giữa thập niên 1990 khi hệ thống phân phối khẩu phần bị đổ vỡ khiến khoảng 3 triệu người thiệt mạng. Hàng triệu người Triều Tiên đã phải dựa vào chợ đen để bổ sung khẩu phần lương thực "chết đói", nhưng hàng triệu người vẫn phải dựa vào khẩu phần lương thực được nhà nước phân phối, bao gồm binh lính và công nhân làm trong các xí nghiệp nhà nước.
Thường xuyên khan hiếm lương thực
Mùa màng thất bát đã buộc chính phủ phải giảm khẩu phần lương thực từ mức 380 gram mỗi ngày xuống 300 gram, mức thấp chưa từng có trong năm nay. Khẩu phần có thể giảm hơn nữa trong mùa khô từ tháng 5 đến tháng 9. Dân số của Triều Tiên là hơn 25 triệu người.
Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), khoảng 10,9 triệu người Triều Tiên, chiếm 43% tổng dân số, bị coi là không được đảm bảo an toàn lương thực. Cứ 5 trẻ em Triều Tiên thì có 1 cháu có khả năng đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng.
Ông Kim Jong-un thị sát vụ thử tên lửa tầm ngắn ngày 4/5.
Tháng 2/2019, Đại sứ của Triều Tiên tại Liên hợp quốc Kim Song đã yêu cầu hỗ trợ lương thực khẩn cấp và nói rằng Triều Tiên đang phải chịu sự thiếu hụt lương thực ước tính khoảng 1,5 triệu tấn trong năm 2019.
Các chuyên gia LHQ khuyến cáo cộng đồng quốc tế cần tăng viện trợ lương thực và các chương trình dinh dưỡng để giúp người dân Triều Tiên đối phó với các cú sốc. Họ cũng đề xuất cung cấp các thiết bị nông nghiệp hiện đại cho nước này để giảm thiểu nguy cơ mất mùa.
Trông chờ viện trợ lương thực quốc tế
Một tổ chức nghiên cứu của Hàn Quốc dự đoán rằng sản lượng ngũ cốc của Triều Tiên, bao gồm gạo ước tính đạt 4,55 triệu tấn vào năm 2018, giảm 160.000 tấn so với năm 2017. Nga đã đề nghị khoản viện trợ 4 triệu USD cho Triều Tiên trong năm nay thông qua một cơ quan của Liên hợp quốc, đưa Nga lên vị trí hàng đầu trong danh sách những nước cung cấp viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên.
Hàng năm Triều Tiên vẫn dựa vào viện trợ lương thực của Liên hợp quốc. Bộ phận theo dõi tài chính của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo Liên hợp quốc (OCHA) đã tiết lộ rằng Nga chiếm đến 54% trong tổng số 7,4 triệu USD tài trợ nhân đạo cho Triều Tiên, bên cạnh các quốc gia khác là Thụy Điển, Thụy Sỹ, Canada, Pháp và Ireland. Dữ liệu được đưa ra sau khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Nga có cuộc hội đàm thượng đỉnh Nga - Triều lần đầu tiên tại Vladivostok. Các khoản viện trợ cho Triều Tiên của các nước Thụy Điển, Thụy Sỹ, Canada lần lượt là 1,57 triệu, 1 triệu và 569 nghìn USD. Pháp và Ireland có mức đóng góp tương ứng là 140,9 nghìn và 113,7 nghìn USD.
Về vấn đề viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang khẳng định lập trường cơ bản của Hàn Quốc là các dự án viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên không liên quan đến tình hình chính trị; cho biết Hàn Quốc hiện đang xem xét tất cả mọi hoàn cảnh và đang tiếp tục thảo luận với các tổ chức quốc tế và các nước về vấn đề này. Về thời gian tiến hành viện trợ nhân đạo, Ngoại trưởng Kang giải thích khó có thể nói về thời điểm cụ thể, nhưng Chính phủ Hàn Quốc hy vọng sẽ sớm thực hiện kế hoạch này.
Trong khi đó, tại một diễn đàn của Quốc hội Hàn Quốc về các nỗ lực hợp tác xuyên biên giới, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon-chul cam kết hỗ trợ một cách có hệ thống cho các địa phương ở nước này theo đuổi các dự án hợp tác liên Triều, cho rằng những việc này sẽ giúp bù lại những hạn chế của Chính quyền Trung ương trong hợp tác liên Triều. Hợp tác và trao đổi liên Triều sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nếu chính quyền tỉnh khai thác những đặc điểm và lợi thế tương ứng của họ để bù lại những hạn chế của Chính quyền Trung ương. Bộ trưởng Kim Yeon-chul cũng lưu ý rằng mức độ hợp tác xuyên biên giới hiện nay vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng và nhu cầu của chính quyền các tỉnh.
Các biện pháp trừng phạt quốc tế áp đặt lên Triều Tiên được coi là một trong các yếu tố chính gây ra căng thẳng cho việc cung cấp lương thực tại quốc gia này. Ngành nông nghiệp Triều Tiên lâm vào tình cảnh thiếu nhiên liệu và phân bón do các lệnh trừng phạt quốc tế, được áp đặt để gây áp lực buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân.
Cuộc đàm phán Mỹ-Triều cho đến nay vẫn giậm chân tại chỗ kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội, Mỹ không giải tỏa cấm vận do không đạt được chương trình giải giáp vũ khí hạt nhân Triều Tiên. Ông Kim Jong-un đề ra thời hạn cuối năm nay để Washington thể hiện sự mềm dẻo trong thương lượng giải pháp.
Một số nhà quan sát kỳ vọng rằng, Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun có thể thảo luận với các đối tác Hàn Quốc về hỗ trợ lương thực cho Triều Tiên trong tuần này khi ông có chuyến thăm Seoul./.