• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Triều Tiên "đánh động" Mỹ bằng tên lửa tàu ngầm mới

Thế giới 28/04/2022 16:52

(Tổ Quốc) - Loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm mới được ra mắt sẽ hỗ trợ năng lực tấn công hạt nhân từ biển của Triều Tiên linh hoạt hơn.

Trong một màn biểu dương lực lượng, Triều Tiên đã trình làng một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) mới trong cuộc diễu binh vào ngày 25/4, kỷ niệm 90 năm thành lập quân đội nước này (KPA).

SLBM mới có kích thước lớn hơn một chút so với Pukguksung-5, tên lửa tàu ngầm được tiết lộ lần đầu tiên trong một cuộc duyệt binh vào tháng Một năm ngoái. Các nhà phân tích cho rằng tên lửa mới có thêm bộ phận đốt cháy để có tầm bắn xa hơn, phần đầu đạn được mở rộng để mang nhiều thiết bị độc lập có thể quay trở lại (MIRV) và về mặt lý thuyết có khả năng tấn công lục địa Mỹ.

Tên lửa mới có khả năng được phóng từ tàu ngầm 3000 tấn mới của Triều Tiên hiện được đóng tại nhà máy đóng tàu Sinpo.

Đột phá trong học thuyết hạt nhân

Sau khi giới thiệu một loạt tên lửa và các loại vũ khí khác trong lễ duyệt binh, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã có bài phát biểu về học thuyết hạt nhân mới của nước này, trong đó tuyên bố rằng Triều Tiên có ý định mở rộng phạm vi sử dụng vũ khí hạt nhân.

Triều Tiên "đánh động" Mỹ bằng tên lửa tàu ngầm mới - Ảnh 1.

Triều Tiên liên tục cải thiện năng lực phóng tên lửa từ tàu ngầm. Ảnh: Asia Times/ Facebook.

Bài phát biểu nêu bật sự phát triển của học thuyết hạt nhân Triều Tiên. Vũ khí hạt nhân của Triều Tiên dưới thời hai nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật chủ yếu nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công từ Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Điều này có nghĩa là Triều Tiên hướng đến duy trì hiện trạng và ngăn chặn cuộc chiến tranh liên Triều tái diễn bằng việc thể hiện mối đe dọa sẽ đáp trả bằng hạt nhân.

Tuy nhiên, ông Kim Jong Un đã mở rộng vai trò của kho vũ khí hạt nhân Triều Tiên là để nâng cao tầm vóc quốc tế, bảo vệ quyền tự do đối phó với Hàn Quốc và duy trì sự độc lập chiến lược của nước này. Theo đó, Triều Tiên có thể tìm cách để được công nhận là một cường quốc hạt nhân chính thức có khả năng đe dọa Mỹ và cũng có thể sử dụng mối đe dọa leo thang hạt nhân để tạo vỏ bọc chiến lược cho các hoạt động cường độ thấp chống lại Hàn Quốc mà không bị Mỹ trả đũa. Các hoạt động như vậy đã diễn ra vào năm 2002 trong trận Yeongpeong và trong vụ đánh chìm tàu Cheonan năm 2010. Trong cả hai trường hợp, sự trả đũa của Hàn Quốc đều bị hạn chế và Mỹ đã không can thiệp, thay mặt cho đồng minh của mình.

Vũ khí hạt nhân cũng giúp Triều Tiên duy trì sự độc lập chiến lược của mình. Trong khi Trung Quốc là đồng minh lâu đời của Triều Tiên kể từ cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, trong những năm gần đây, nước này ngày càng chỉ trích chế độ ông Kim và ủng hộ các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc nhằm kiềm chế các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Do đó, Triều Tiên giờ đây có thể nghĩ rằng sự độc lập chiến lược mà kho vũ khí hạt nhân của họ cung cấp có giá trị hơn nhiều so với bất kỳ sự bảo vệ nào mà Trung Quốc có thể đưa ra.

Sự linh hoạt mới về hạt nhân của Triều Tiên cũng diễn ra trong bối cảnh làn gió chính trị mới đang thổi qua Hàn Quốc. Tổng thống mới đắc cử của Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã tuyên bố sẽ thúc đẩy một "khoảng cách siêu lớn" giữa khả năng quân sự của miền Bắc và miền Nam cũng như củng cố quan hệ đồng minh của Hàn Quốc với Mỹ.

Câu hỏi về sức mạnh hạt nhân tàu ngầm Triều Tiên

Màn ra mắt tên lửa SLBM lần này chỉ là hành động biểu dương lực lượng mới nhất của Triều Tiên sau một loạt vụ thử tên lửa trong những tháng trước. Những vụ thử tên lửa liên tiếp này đã buộc ông Yoon phải xem xét lại việc bố trí lại các tài sản chiến lược của Mỹ như tàu sân bay, tàu ngầm và máy bay ném bom ở Hàn Quốc.

Triều Tiên cũng có thể đang tìm cách cải thiện sự cơ động của kho vũ khí hạt nhân bằng cách chọn tàu ngầm là hệ thống vận chuyển do nước này khó có thể che giấu vũ khí hạt nhân trên đất liền và cũng chưa thể nắm rõ hoàn toàn năng lực của đối thủ. Bán đảo Triều Tiên tương đối nhỏ và điều này hạn chế nhiều lợi thế của kho vũ khí hạt nhân trên đất liền khi máy bay chiến đấu của Mỹ và Hàn Quốc có thể dễ dàng bay qua toàn bộ bán đảo trong thời gian ngắn. Cả Mỹ và Hàn Quốc gần đây đều đã trang bị vũ khí có thể tiêu diệt kho vũ khí hạt nhân trên đất liền của Triều Tiên, chẳng hạn như tên lửa hành trình phá hủy boong-ke và bom thông minh.

Do đó, tàu ngầm có thể được coi là vũ khí tối tân để thực hiện đáp trả bằng hạt nhân vì chúng cực kỳ khó xác định vị trí và khó bị bắn trúng. Một vụ phóng vũ khí hạt nhân từ tàu ngầm trên thực tế là không thể ngăn cản do khả năng tàng hình của chúng và việc lực lượng Mỹ, Hàn Quốc tại bán đảo Triều Tiên còn thiếu khả năng phòng thủ hiệu quả trước các mối đe dọa tên lửa đạn đạo.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Triều Tiên có làm chủ được công nghệ và quy trình cần thiết để thể hiện sức mạnh răn đe hạt nhân từ tàu ngầm hay không. Mặc dù Triều Tiên có thể sẽ theo đuổi các vụ phóng thử trong thời gian tới để phát huy khả năng răn đe của kho vũ khí hạt nhân, nhưng vẫn chưa rõ liệu nước này đã nắm vững các quy trình để hoàn thành một chu kỳ phóng thành công hay chưa, cũng như các công nghệ và nguồn lực cần thiết để duy trì sự răn đe hạt nhân trên biển.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ