(Tổ Quốc)- Bình Nhưỡng có thể đã kích hoạt nhà máy tái chế plutonium để sử dụng trong quá trình sản xuất vũ khí hạt nhân.
(Tổ Quốc)- Bình Nhưỡng có thể đã kích hoạt nhà máy tái chế plutonium để sử dụng trong quá trình sản xuất vũ khí hạt nhân.
Thông tin này được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết ngày 6/6, trích dẫn hình ảnh vệ tinh và nhấn mạnh ý kiến gần đây từ một nhóm chuyên gia Mỹ.
Hình ảnh vệ tinh lò phản ứng Yongbyon của Triều Tiên. (Nguồn: AFP)
"Nhiều dấu hiệu chúng tôi đã thu được cho thấy... các hoạt động liên quan đến lò phản ứng 5 Megawatt, việc mở rộng các cơ sở hạ tầng làm giàu và những hoạt động liên quan đến tái chế (plutoni)", Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano cho biết.
"Tuy nhiên, chúng tôi không có các thanh sát viên hoạt động này trên thực địa mà chỉ có thể quan sát qua hình ảnh vệ tinh. Chúng tôi không thể nói chắc chắn. Nhưng chúng tôi đã có chỉ dẫn về những hoạt động chắc chắn (liên quan đến tái chế plutonium) thông qua các hình ảnh vệ tinh," ông Amano nói trong cuộc họp báo thường kỳ tại Vienna.
Ông Amano cũng cho biết các dấu hiệu phát hiện được tại tổ hợp hạt nhân chính Yongbyon của Triều Tiên bao gồm "các hoạt động di chuyển của các phương tiện, hơi nước, xả nước ấm hay vận chuyển vật liệu."
Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Robert Clapper cũng đã cảnh báo trong tháng 2 rằng Triều Tiên đã vận hành lò phản ứng đủ lâu để nó có thể bắt đầu tái chế plutonium từ nhiên liệu đã qua sử dụng trong vòng vài tuần đến vài tháng.
Ý kiến của ông Amano đồng quan điểm với các chuyên gia của Viện Mỹ-Hàn ở Đại học Johns Hopkins tuần trước. Các chuyên gia này đã dẫn hình ảnh vệ tinh cho biết các xe nghi chở nguyên liệu phục vụ hoạt động tái chế di chuyển bằng đường ray gần khu vực thí nghiệm chất phóng xạ của cơ sở Yongbyon.
Các xe chở nguyên liệu tương tự cũng được nhìn thấy trong hoạt động tái chế (plutoni) đầu những năm 2000 và nhiều thùng gỗ có thể được sử dụng để cung cấp hóa chất tái chế, Viện này cho biết.
Triều Tiên đã ngừng các hoạt động tại lò phản ứng ở Yongbyon năm 2007 theo một thỏa thuận giải trừ vũ khí để đổi lấy viện trợ. Tuy nhiên, lò phản ứng này đã được tân trang lại sau vụ thử hạt nhân lần thứ ba năm 2013.
Các thanh sát viên IAEA không được phép đến Triều Tiên từ năm 2009. Ông Amano cũng không nói chi tiết về thời gian phát hiện các hoạt động tại Yongbyon.
An Bình (Theo AFP)