• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trump bất ngờ bồi thêm “đòn mới” vào đồng minh

Thế giới 16/01/2017 21:10

(Tổ Quốc) - NATO "lỗi thời", bà Angela Merkel của Đức có một "sai lầm nghiêm trọng" về người tị nạn, Brexit thật "tuyệt vời" và Mỹ có thể đạt được một thỏa thuận với Nga”, ông Donald Trump đã mở ra cuộc “tấn công hàng loạt” trong các cuộc phỏng vấn với giới truyền thông châu Âu.

Chỉ 5 ngày trước lễ nhậm chức trở thành Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, ông Trump đã tung ra một loạt những ý kiến tranh cãi về các đồng minh châu Âu trong các cuộc phỏng vấn với tờ báo Anh The Times và tờ Bild của Đức.

Đồng minh lo ngại

Trong một ý kiến dấy lên sự sửng sốt giữa các nước phía đông châu Âu của NATO– vốn lo ngại về Moscow sau sự sáp nhập Crimea và sự liên quan tại Ukraine, ông Trump cho biết NATO đã "lỗi thời".

"Tôi đã nói một thời gian dài trước đây rằng NATO có vấn đề", Trump nói với tờ The Times of London và Bild, nhật báo bán chạy nhất của Đức.

"Điều đầu tiên, NATO đã lỗi thời, bởi vì đã được thiết lập từ rất nhiều năm trước đây," ông nói. "Điều thứ hai, nhiều nước không phải trả những gì họ nên phải trả tiền."

Ông Trump phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 11/1. (Nguồn: Reuters)

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump cho biết sẽ cân nhắc về việc có nên tiếp tục giúp đỡ các đồng minh NATO nữa hay không nếu Mỹ không được "hoàn trả hợp lý" các chi phí bảo vệ.

Ngân sách hoạt động của NATO được lấy từ nguồn chung của liên minh 28 quốc gia trong những năm gần đây.

Trong đó, bên đóng góp cốt lõi hiện nay là Mỹ - chiếm 70% ngân sách. Trong năm 2014, do quan ngại từ hành động của Nga tại Ukraine, biến động ở Trung Đông và Bắc Phi, các nhà lãnh đạo NATO đã đồng ý thay đổi kế hoạch cắt giảm quốc phòng và đóng góp  tương đương 2% GDP cho hoạt động quốc phòng.

Sau chiến thắng của ông Trump, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng liên minh này là nền tảng của hệ thống an ninh xuyên Đại Tây Dương trong "gần 70 năm" và đặc biệt cần thiết tại một thời điểm có nhiều thách thức mới.

Trong một bình luận khác, ông Trump nói Brexit " là một điều tuyệt vời" và cho biết ông ủng hộ một thỏa thuận thương mại với Anh thời hậu EU và cho rằng điều này sẽ "tốt cho cả hai bên."

"Chúng tôi sẽ làm việc rất chăm chỉ để thực hiện điều này (thỏa thuận với Anh) nhanh chóng và đúng cách," ông Trump cho biết và xác nhận ông sẽ gặp Thủ tướng Anh Theresa May ngay sau khi ông nhậm chức vào ngày 20/1.

Đồng bảng ngày 16/2 giảm mạnh trong phiên giao dịch châu Á đầu tuần sau khi xuất hiện thông tin Anh có thể rời thị trường chung để bảo vệ biên giới – điều truyền thông Anh cảnh báo về một "Brexit cứng rắn".

"Các quốc gia khác sẽ rời khỏi" Liên minh châu Âu trong tương lai, Trump dự đoán, phần lớn là do áp lực của khối này đang gia tăng đáng kể sau khi dòng người di cư và người tị nạn tiếp tục đổ tới châu lục già.

Trump cũng chỉ trích bà Merkel vì đã để Đức tiếp nhận nhiều người nhập cư không có giấy tờ nhập cảnh, ám chỉ rằng điều này đặt ra một nguy cơ an ninh. "Tôi nghĩ rằng bà ấy đã có một sai lầm rất nghiêm trọng" về chính sách tị nạn, ông Trump cho biết.

Bà Merkel đã đánh mất sự ủng hộ tại bang nhà do chính sách mở cửa đối với người tị nạn – với 890.000 người tị nạn đổ tới nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong năm 2015 – điều góp phần thúc đẩy phong trào chống nhập cư phát triển mạnh mẽ.

NewYork Times dẫn lời hai quan chức châu Âu, người yêu cầu giấu tên do họ không muốn tạo thêm căng thẳng cho mối quan hệ của Mỹ với châu Âu, bày tỏ sự thất vọng với những nhận xét của ông Trump.

Các nhà ngoại giao cho biết họ đã nghe về những nhận định trên trong suốt chiến dịch tranh cử của ông Trump. Tuy nhiên, khi chỉ còn vài ngày nữa là tới ngày nhậm chức, điều nhiều quốc gia châu Âu ngày càng nhận thấy rõ là những chỉ trích gay gắt của ông Trump với NATO và EU không chỉ là một nỗ lực để giành phiếu.

Động thái về Nga

Trong các cuộc phỏng vấn trên, ông Trump đã mở vòng tay với Nga khi cho biết “có thể đạt được một số thỏa thuận tốt với Nga”, mở ra khả năng thực hiện một thỏa thuận cắt giảm kho vũ khí hạt nhân trong khi các biện pháp trừng phạt chống lại Moscow sẽ được nới lỏng.

Xu hướng này trong khi cũng đi ngược lại lập trường các nước đồng minh châu Âu của Washington – đã áp đặt lệnh trừng phạt chống lại Nga về hành động sáp nhập Crimea năm 2014 – điều mới được tiếp tục gia hạn ngày 19/12/2016.

Trong khi đó, phản ứng của Nga đối với tuyên bố này hết sức lạnh nhạt. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) Konstantin Kosachev đã cho biết vào hôm thứ Hai rằng Nga không phải là quá lo lắng đối với việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đến mức phải chuẩn bị "hy sinh một cái gì đó, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến an ninh."

Ông Kosachev cũng bày tỏ với hãng tin RIA Novosti rằng bình luận của Trump trong cuộc phỏng vấn với The Times of London cần được xem xét một cách thận trọng do đây không phải là một tuyên bố chính thức, trong khi ông Trump cũng chưa tiến hành nhậm chức.

Trong khi thời gian nhậm chức đang đến gần, thông qua cuộc họp báo ngày 11/1 và các cuộc phỏng vấn gần đây với giới truyền thông châu Âu, ông Trump đã gửi đi hàng loạt thông điệp gây tranh cãi đối với cả giới chính trị Mỹ, lực lượng đồng minh hay nhiều cường quốc thế giới  - điều cũng đang dấy lên sự lo ngại những thay đổi bất ngờ khi thời đại Trump bắt đầu.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ