(Tổ Quốc)- Với chủ đề “Ưu tiên nước Mỹ”, động thái công bố của Trump là một bước đi khôn ngoan nhưng thiếu sức nặng.
(Tổ Quốc)- Với chủ đề “Ưu tiên nước Mỹ”, động thái công bố của Trump là một bước đi khôn ngoan nhưng thiếu sức nặng.
>>Vì sao hai con của Trump không bỏ phiếu cho cha?
>>Donald Trump tự trở thành nạn nhân của phái nữ
>>Trump tuyên bố NATO đã lỗi thời
>>Donal Trump– ông vua không ngai... Tiết lộ của một quản gia lâu năm
Trump đang tiến rất gần đến vị trí đề cử của đảng Cộng hòa và đây là thời điểm nhà tỷ phú cho rằng thích hợp để công bố chi tiết chương trình nghị sự đối ngoại và đánh bóng tên tuổi trang trọng hơn trong bài phát biểu ngày 27/4 tại Washington.
Mâu thuẫn và không rõ
"Ưu tiên nước Mỹ sẽ là chủ đề lớn và tiên quyết trong chính quyền của tôi", ông Trump cho biết tại Washington. Ông kêu gọi "một định hướng chính sách đối ngoại mới cho đất nước của chúng ta – thay thế tính ngẫu nhiên bằng việc xác định mục đích, dựa vào hệ tư tưởng sẽ được thay thế bằng tính chiến lược và sự hỗn loạn sẽ được loại bỏ bằng tính chất hòa bình."
Thiếu chi tiết và logic, chính sách đối ngoại của ông Trump bị lên án và phản đối kịch liệt. (Nguồn: WSJ)
"Chính sách đối ngoại của tôi sẽ luôn luôn đặt lợi ích của nhân dân Mỹ và an ninh của Mỹ lên trên hết", ông Trump nói. "Nó (nước Mỹ) phải là đầu tiên".
Ưu tiên nước Mỹ sẽ được thể hiện bằng việc tăng cường sức mạnh quân đội, hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân và gia tăng đáng kể số lượng quân đội Hoa Kỳ, tàu chiến và máy bay. Trong khi đó, Trump kêu gọi Mỹ rút lui khỏi sự can dự toàn cầu, đánh dấu sự phá vỡ lập trường truyền thống của đảng Cộng hòa. Theo nhà tỷ phú, Mỹ phải định hình lại quan hệ với các nước khác, giảm bớt căng thẳng nếu có thể và không can dự vào quá nhiều nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, ông Trump chưa giải thích được chi tiết về việc quân đội của Mỹ sau khi mở rộng sẽ làm gì, lực lượng vũ trang được tăng cường sẽ đóng vai trò gì và làm thế nào kế hoạch phát triển quân sự sẽ được thực hiện với một tầm nhìn chiến lược đã giảm bớt.
Trong khi ông Trump nêu nguyên tắc chung là làm cho nước Mỹ trở thành "một đồng minh lớn và đáng tin cậy một lần nữa," chi tiết của nội dung này không được làm rõ tại một điểm nóng phức tạp như Syria. Điều này cũng mâu thuẫn với việc ông Trump nhấn mạnh rằng các nước đồng minh sẽ phải chi trả cho việc Hoa Kỳ đang bảo vệ họ, nếu không họ sẽ phải tự bảo vệ mình.
Trump cho biết, Hoa Kỳ phải sẵn sàng dừng việc bảo vệ các đồng minh châu Âu mà ông nói không đóng góp đủ vàoTổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và "Hoa Kỳ phải chuẩn bị để các nước này tự bảo vệ mình." Trong một vài đề nghị cụ thể, ông Trump cho biết sẽ triệu tập cuộc họp hội nghị thượng đỉnh ở châu Âu và châu Á để cải tổ NATO và tái cân bằng thỏa thuận an ninh hạt nhân với Nhật Bản và Hàn Quốc.
Một điểm đáng chú ý đó là ông Trump nhấn mạnh mong muốn của mình để tìm cách cải thiện quan hệ với Nga và Tổng thống Vladimir V. Putin - một chiến lược đã có từ thời ông Obama để "thiết lập lại" quan hệ với Nga sau cuộc xung đột tại Georgia vào năm 2008. Tuy nhiên, Trump cho biết với kỹ năng của một nhà đàm phán thương mại, ông sẽ thành công hơn người tiền nhiệm và mặc dù có sự khác biệt với Nga và Trung Quốc, Trump nói “Chúng ta không bắt buộc phải có đối thủ”.
Trump cũng không rút lại những ý tưởng chính sách đối ngoại gây nhiều tranh cãi của mình, tiêu biểu, kêu gọi việc "tạm dừng" cho phép người Hồi giáo vào Hoa Kỳ.
Chỉ trích Bush và Obama
Những luận điểm trên của ông Trump trái ngược với chính sách đối ngoại của đảng Cộng hòa gần đây, nổi bật với quan điểm của ông Bush và Thượng nghị sĩ John McCain thường kêu gọi sự hiện diện ‘cơ bắp’của Hoa Kỳ ở Trung Đông, Ukraine và các nơi khác.
Theo Wall Street Journal, bài diễn văn 5000 từ của ông Trump thiếu chi tiết cụ thể theo tiêu chuẩn chính trị bình thường trong khi chỉ gây chú ý bằng những tuyên bố chỉ trích tầm nhìn của cựu Tổng thống George W. Bush, cũng như Tổng thống Barack Obama.
Về vấn đề Trung Đông, ủng hộ cả 2 lập trường gây hấn và hòa giải, ông Trump không ngần ngại để chỉ trích ông Bush với quyết định năm 2003 tiến hành xâm chiếm Iraq đã gây bất ổn Trung Đông và "khiến bên hưởng lợi lớn nhất là Iran." Và hành động của ông Obama tại Trung Đông cũng đã khiến gia tăng sức mạnh cho nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS), một mạng lưới khủng bố mà ông Trump nhấn mạnh phải bị đánh bại, mặc dù không nói rõ bằng phương thức nào.
Trump cũng cáo buộc ông Obama đã có những chính sách đối ngoại rời rạc, thể hiện sự ủng hộ đối với những kẻ thù của nước Mỹ trong khi làm xấu đi quan hệ với các đồng minh và coi an ninh quốc gia là ưu tiên thấp hơn.
Dấy lên sự phản đối
Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest bác bỏ những cáo buộc của ông Trump với Tổng thống Obama và cho biết cử tri sẽ có quyết định của riêng họ về vị tổng tư lệnh tiếp theo mà họ muốn.
"Một điều đúng là Tổng thống Obama trong suốt nhiệm kỳ tổng thống đã nỗ lực đoàn kết cộng đồng quốc tế để đối đầu với một loạt các mối đe dọa," ông nói.
hóm vận động tranh cử của bà Clinton đã chỉ trích gay gắt của bài phát biểu, nói rằng cách tiếp cận Trump sẽ làm cho thế giới hỗn loạn và nguy hiểm. "Tôi chưa bao giờ thấy một sự kết hợp của những khẩu hiệu đơn giản, mâu thuẫn và sai sót trọng yếu trong một bài phát biểu như vậy," cựu Ngoại trưởng Madeleine Albright cho biết trong một cuộc gọi với nhóm của bà Clinton.
Nhiều cố vấn an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã bác bỏ các chính sách của ông Trump, cho rằng việc cấm người Hồi giáo nhập cảnh Mỹ và xây dựng một liên minh mới với Nga là các chiến lược nguy hiểm.
Một số thành viên đảng Cộng hòa, trong đó có Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, một người ủng hộ sự can dự mạnh mẽ của Hoa Kỳ trên thế giới, cũng phản đối quan điểm của Trump.
Về tổng thể, giới phân tích đã nhận định, tuyên bố về chính sách đối ngoại của Trump là một bước đi khôn ngoan khi đề cập đến quan hệ của Mỹ với Nga và Trung Quốc - những chủ đề thu hút sự quan tâm lớn của dư luận và cử tri nước này. Tuy nhiên, tính hệ thống, chiến lược và nhất quán mà ông Trump tuyên bố về chiến lược của mình vẫn chưa rõ ràng trong khi một số lập trường của ông đã dấy lên sự lo ngại rộng rãi đối với các đồng minh chiến lược và lâu năm của Washington.
An Bình (Tổng hợp)