(Tổ Quốc) - Chuyến thăm của ông Trump sắp tới tới Saudi Arabia, Israel và Rome báo hiệu việc Mỹ lên kế hoạch củng cố một liên minh mạnh mẽ.
Khi Tổng thống Trump tuyên bố hôm thứ Năm rằng ông sẽ đến thăm các trung tâm của ba tôn giáo lớn trong chuyến đi nước ngoài đầu tiên của mình, các cố vấn của ông chỉ ra rằng điều này là một dấu hiệu cho thấy Mỹ đã lên kế hoạch củng cố một liên minh mạnh mẽ.
Ông Trump nói trong một buổi lễ tại Nhà Trắng rằng sẽ tới "Saudi Arabia, sau đó là Israel, rồi đến một nơi mà các hồng y của tôi yêu mến rất nhiều, Rome."
Lịch sử sang trang với cách tiếp cận mới
Các điểm dừng của ông Trump – Saudi Arabia, Israel và Rome – cũng gần tương tự như chuyến đi đầu tiên tới Trung Đông do người tiền nhiệm của ông, Tổng thống Barack Obama thực hiện.
Sự khác nhau rõ rệt giữa hai chuyến đi chỉ là thời điểm, của ông Obama vào tháng 6/ 2009 và cuối tháng này của ông Trump – cho thấy sự thay đổi của thế giới trong 8 năm qua và cách thức vị tân Tổng thống Mỹ này đối mặt với điều đó.
Ông Obama cũng đã tới Saudi Arabia vào tháng 6/2009, nhưng không tới Israel và trọng tâm của chuyến đi là một bài phát biểu mang tính bước ngoặt với thế giới Hồi giáo tại Đại học Cairo ở thủ đô Ai Cập. Lần này, các trợ lý của ông Trump không đề cập gì tới việc sẽ có một bài diễn văn, điều cho thấy Tổng thống Trump sẽ chủ yếu thảo luận với các nhà lãnh đạo sau những cánh cửa đóng kín.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gặp ông Trump tại Nhà Trắng tháng 2 vừa qua. (Nguồn: NYT) |
Các quan chức Nhà Trắng cho biết các nhà lãnh đạo nước ngoài sẽ sẵn sàng giúp đỡ Mỹ nếu những bất đồng về quyền con người và các vấn đề khác được trao đổi riêng tư. Họ trích dẫn việc gần đây một nhân viên cứu trợ người Mỹ gốc Ai Cập - bị bắt giữ trước đó ở Ai Cập, đã được thả sau khi có các cuộc nói chuyện riêng với Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi.
"Cách tiếp cận của Obama là xây dựng sự ủng hộ với công chúng Ả rập thông qua bài phát biểu của ông tại Cairo", ông Martin S. Indyk, phó chủ tịch điều hành của Viện Brookings cho biết. "Cách tiếp cận của Trump là tìm kiếm thỏa thuận với các nhà lãnh đạo Ả rập, không nói chuyện với người dân của họ, điều đó làm cho các nhà lãnh đạo thoải mái hơn rất nhiều."
Đối với chuyến đi quốc tế đầu tiên của một Tổng thống - người được cho là không thường “xuất hành”- hành trình của ông Trump là tham vọng. Các trợ lý nói rằng ông sẽ rời Washington vào ngày 19/ 5 và điểm dừng chân đầu tiên là Riyadh, Saudi Arabia, sau đó tới Jerusalem và Rome. Ông sẽ tham dự một cuộc họp của NATO tại Brussels vào ngày 24/ 5 và sau đó bay tới Sicily, nơi các nhà lãnh đạo của Nhóm G7 sẽ họp mặt vào ngày 26/5.
Tại cùng thời điểm trong nhiệm kỳ, ông Obama đã thực hiện ba chuyến đi nước ngoài, thăm 9 nước. Ông Trump đang đảo ngược truyền thống của các vị Tổng thống gần đây là thăm Canada hoặc Mexico trước khi đến những nơi khác. Ông Trump đã đón tiếp Thủ tướng Justin Trudeau của Canada tại Nhà Trắng, tuy nhiên, đã khiến quan hệ với cả hai nước láng giềng căng thẳng vì ông Trump tập trung vào các tranh chấp thương mại và muốn đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ NAFTA.
Mục tiêu tiến trình hòa bình Trung Đông
Dù sao, theo một cách hiểu nào đó, ông Trump vẫn đang đi theo truyền thống. Các trợ lý của ông Trump nói rằng điều quan trọng là Tổng thống phải đến Israel ngay sau Saudi Arabia, cả hai đều là đồng minh thân cận và để hướng tới bắt đầu tiến trình đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine, điều ông Trump, như ông Obama và các tổng thống khác trước đó, đều coi là một mục tiêu chính trong chính sách đối ngoại.
Chuyến đi này được tuyên bố một ngày sau khi ông Trump đã đón Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại Nhà Trắng – đánh dấu cuộc họp gần nhất với các nhà lãnh đạo Trung Đông, bao gồm trước đó cả Israel, Ai Cập, Jordan và Saudi Arabia. Trong khi đến thăm Jerusalem, ông Trump cũng đang cân nhắc chuyến đi tới Bethlehem để gặp ông Abbas một lần nữa.
Các quan chức Nhà Trắng đã chia sẻ rất ít về kế hoạch cụ thể của họ trong việc điều phối một thỏa thuận giữa Israel và Palestine, dù có những báo cáo rằng ông Trump đang hy vọng triệu tập một cuộc họp thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo Israel và Ảrập, có lẽ vào mùa hè. Tổng thống Trump đã yêu cầu con rể của ông, Jared Kushner, giám sát các vấn đề Trung Đông và bổ nhiệm một trong những luật sư của ông, Jason D. Greenblatt, để tiến hành các cuộc đàm phán.
Trong khi ông Trump tuyên bố trong cuộc gặp với ông Abbas rằng việc xây dựng hòa bình giữa người Israel và người Palestine sẽ không khó khăn như một số người nghĩ và "chúng ta sẽ làm được việc này", các trợ lý của ông đã lo ngại nhiều hơn.
Một sự thay đổi lớn, các trợ lý lưu ý, là vị thế được củng cố của Iran, điều họ cho biết đã khuyến khích Israel và các nước láng giềng Ả Rập tìm kiếm lập trường chung. Họ nói rằng lập trường cứng rắn của ông Trump chống lại Iran trong chiến dịch tranh cử đã khôi phục lòng tin của các nước vùng Vịnh về vai trò lãnh đạo của Mỹ. Ông Trump dự kiến sẽ gặp các nhà lãnh đạo từ khắp thế giới Hồi giáo khi ở Saudi Arabia, các trợ lý của ông nói.
Bằng cách đi tới Jerusalem sau Saudi Arabia, ông Trump sẽ tránh được sai lầm của ông Obama khi quyết định bỏ qua Israel. Nhiều người dân Israel không bỏ qua nghi ngờ của họ về điều này và sau đó mối quan hệ của ông Obama với Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã xấu đi trong sự nuối tiếc. Một số trợ lý của ông Obama đã hối tiếc về quyết định của ông Obama lúc đó, được đưa ra sau cuộc tranh luận nội bộ khốc liệt.
Tuy nhiên, ông Trump cũng có thể học hỏi được nhiều kinh nghiệm của ông Obama tại Saudi Arabia. Trước đó, ông Obama cũng đã tới nước này để làm mềm lập trường từ vua Abdullah, điều Nhà Trắng hy vọng sẽ tạo thuận lợi cho các cuộc đàm phán hòa bình mới với Israel.
Các trợ lý của ông Trump đã đặt nền móng cho chuyến thăm tới Trung Đông lần này của ông Trump từ tháng 3, trong một cuộc họp kéo dài và bữa ăn trưa với Phó Hoàng Thái tử Mohammed bin Salman al-Saud Mohammed bin Salman. Một quan chức cao cấp của Nhà Trắng cho biết ông rất ngạc nhiên trước sự sẵn sàng của Saudis trong việc hợp tác với Mỹ.
Điểm dừng ở Saudi sẽ bao gồm ba cuộc họp của ông Trump: một với quốc vương hiện tại, Vua Salman; một cuộc họp với Hội đồng Hợp tác Vịnh, bao gồm Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh khác; và một cuộc họp rộng hơn với các quốc gia Ả Rập và Hồi giáo.
Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia, Adel al-Jubeir, người đã tới Washington để chuẩn bị cho các cuộc họp, cho biết ông tin rằng "cách tiếp cận mới" của ông Trump đối với cuộc xung đột giữa Israel và Palestine "có thể có một xác suất thành công rất cao." Ông có vẻ hài lòng nhưng không đặc biệt ấn tượng khi ông Trump đã chọn Saudi Arabia thay vì các điểm đến truyền thống, như Canada, cho chuyến đi đầu tiên của ông.
"Đó là quyết định lịch sử," ông Jubeir nói, "nhưng nó không phải là một điều ngạc nhiên, vì bản chất của mối quan hệ này."
(Theo NYT)