• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung - Ấn gặp mặt: Gỡ rối bế tắc bất thường?

Thế giới 05/06/2020 16:29

(Tổ Quốc) - Giới chuyên gia cho biết cuộc đàm phán về bế tắc giữa Ấn Độ và Trung Quốc vào thứ Bảy sẽ tập trung vào việc đưa quân đội quay về vị trí trước khi xảy ra tranh chấp.

Khi các quan chức quân sự hàng đầu của Ấn Độ gặp gỡ các đối tác từ Trung Quốc vào thứ Bảy để giải quyết cuộc đối đầu mới nhất ở Himalaya, họ có thể sẽ thúc giục lực lượng quân đội quay trở lại vị trí trước tranh chấp, các chuyên gia quân sự Ấn Độ cho biết.

Nhưng họ cũng nên đặt mục tiêu là làm rõ với nhau về chủ quyền đường biên giới chưa phân chia 3.488km, được gọi là Đường kiểm soát thực tế (LAC), để ngăn chặn sự bùng phát tái diễn, theo Trung tướng DS Hooda, từng dẫn dắt đơn vị giám sát biên giới Ấn Độ với Pakistan và Trung Quốc.

Hooda, người phát biểu tại một hội thảo trực tuyến do Viện Nghiên cứu về Trung Quốc có trụ sở tại New Delhi tổ chức hôm thứ Tư, cho biết, một lựa chọn để giảm bớt căng thẳng hiện nay là đưa ra lệnh cấm tuần tra trong các khu vực tranh chấp, như đã được thực hiện trong quá khứ.

Nhưng điều làm phức tạp các cuộc đàm phán hiện nay là dường như không có nguyên nhân nào giải thích được hành động lần này từ phía người Trung Quốc, Hooda nói. Những người lính từ cả hai phía đã bị thương từ những trận đánh đấm và ném đá.

Các lần bế tắc trước đây được châm ngòi là từ những bất đồng về việc xây dựng cơ sở hạ tầng biên giới, và một số vấn đề khác.

Trung - Ấn gặp mặt: Gỡ rối bế tắc bất thường? - Ảnh 1.

Tranh chấp biên giới là một khúc mắc dai dẳng trong quan hệ Trung - Ấn. Ảnh: AFP.

Chúng tôi hoàn toàn rõ ràng về các lằn ranh đỏ và yêu cầu của hai bên. Một người muốn xây dựng, bên kia nói không. Do đó, chúng tôi biết các bước đi để giải quyết. Tôi không chắc chúng ta biết được điều đó trong trường hợp này, ông Hooda nói và cảnh báo về một cuộc đình chiến kéo dài.

Sự bế tắc bất thường

Cả hai bên không chính thức nói về lí do cuộc đối đầu bắt đầu khoảng một tháng trước, nhưng các nhà phân tích suy đoán rằng quyết định tăng cường quân đội ở biên giới của Trung Quốc có thể được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố. Điều này bao gồm động thái áp đặt luật lệ liên bang vào khu vực Kashmir năm ngoái của Ấn Độ và việc Delhi hoàn thành một con đường và cây cầu gần LAC gần đây - một phần của chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực này.

Ấn Độ đã cáo buộc quân đội Trung Quốc xâm nhập vào các khu vực không nằm trong tranh chấp, như thung lũng sông Galwan, nằm giữa Ladakh do Ấn Độ quản lý và Aksai Chin do Trung Quốc kiểm soát. Aksai Chin có tầm quan trọng chiến lược đối với Bắc Kinh vì đây là con đường duy nhất của nước này nối trực tiếp đến Tân Cương và Tây Tạng.

Các nguồn tin quân sự Ấn Độ cho biết phía của họ sẽ, trong các cuộc đàm phán vào Thứ Bảy, nhấn mạnh việc giữ nguyên trạng tại Galwan, đồng thời tìm cách giảm leo thang ngay lập tức tại Pangong Tso, một hồ nước ở cao nguyên Tây Tạng, nơi cả hai bên đều có những yêu sách chưa được giải quyết.

Shyam Saran, cựu Ngoại trưởng Ấn Độ và cựu chủ tịch ủy ban cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ, nói với tờ This Week Asia rằng sự bế tắc hiện nay là bất thường và đề nghị phối hợp hành động ở cấp cao.

Sameer Patil, một chuyên gia của Chương trình nghiên cứu an ninh quốc tế tại Mumbai cho biết, với sự đối đầu hiện tại, diễn ra ba năm sau lần leo thang gần nhất ở cao nguyên Doklam, cả hai bên cần xem xét các giải pháp bền vững hơn thay vì chỉ chữa cháy.

Ông Patil nói, cả hai bên sẽ có đại diện là các quan chức cấp Trung tướng vào thứ Bảy, một động thái phản ánh mức độ nghiêm trọng của tranh chấp lần này.

Thông thường, các cuộc đàm phán như vậy diễn ra ở cấp cục bộ và nếu nó không được giải quyết, vấn đề sẽ đưa lên cấp chỉ huy khu vực, ông nói. "Tuy nhiên, để có một cuộc họp cấp trung tướng là chưa từng có và nó phản ánh sự nghiêm trọng của tình hình".

Trong khi Trung Quốc chưa công bố ai sẽ dẫn đầu phái đoàn đàm phán, quân đội Ấn Độ sẽ do Tư lệnh Quân đoàn 14, Trung tướng Harinder Singh, dẫn dắt.

Commodore C Uday Bhaskar, một sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu, cho biết áp lực chính trị trong nước sẽ đè nặng lên cả hai bên trong việc giải quyết tranh chấp.

Cả hai quốc gia, với các nhà lãnh đạo mạnh mẽ, có thể không muốn bị coi là thỏa hiệp về vấn đề chủ quyền lãnh thổ, Bhaskar cho biết.

Ông tin rằng chương trình nghị sự trong cuộc đàm phán lần này sẽ không hoàn toàn nghiêng về các yếu tố biên giới địa phương mà được định hình bởi nền tảng chính trị.

Tranh chấp hàng thập kỷ

Hai nước láng giềng được trang bị vũ khí hạt nhân, với hơn một phần ba dân số thế giới, đã xảy ra xung đột tại biên giới của họ kể từ những năm 1950, dẫn đến một cuộc chiến ngắn nhưng dữ dội vào năm 1962.

Kể từ đó, đối đầu bằng súng đạn không xảy ra dù còn có một số cuộc đụng độ lẻ tẻ.

Vào năm 2013, leo thang đã diễn ra 3 tuần tại cao nguyên Depsang ở Ladakh, điều sau đó buộc hai bên phải tiến hành nhiều vòng đàm phán và đối thoại.

Cuộc đối đầu ở cao nguyên Doklam năm 2017, tại ngã ba với Bhutan, đã được giải quyết sau 70 ngày và 13 vòng đàm phán có sự tham gia của các bộ trưởng ngoại giao cũng như đại sứ của cả hai nước.

Lần sóng gió mới nhất bắt đầu ở bang Sikkim và kể từ đó, các phương tiện truyền thông từ cả hai bên đã tập trung vào mức độ tích tụ quân sự dọc biên giới.

Ở Ấn Độ, đã có thông tin về việc quân đội Ấn Độ di chuyển pháo hạng nặng và tăng cường giám sát trên không trong khu vực.

Tờ Hoàn Cầu Trung Quốc đưa thông tin trong tuần này rằng quân đội nước này đã mở rộng kho vũ khí kể từ vụ Doklam và PLA đã tiến hành tập trận ở các khu vực có độ cao lớn vào ban đêm để thực tập xâm nhập đằng sau đối thủ.

Trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh xác nhận sự hiện diện lớn của Trung Quốc dọc theo LAC trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hồi đầu tuần này, thì các quan chức Trung Quốc không nói gì nhiều ngoài việc nhấn mạnh tình hình biên giới ổn định và có thể kiểm soát được và cả hai bên giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ