(Tổ Quốc) - Những kỷ vật lần đầu xuất hiện, những bức ảnh, tài liệu về các đảng viên, cựu tù chính trị bị thực dân Pháp, đế quốc Mỹ giam giữ ở các nhà tù hiện diện trong trưng bày “Thắp lửa niềm tin”, do Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức giúp công chúng hiểu hơn về quá trình đấu tranh gian khó, anh dũng, vẻ vang của các chiến sĩ cách mạng.
Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020); 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội (17/3/1930 - 17/3/2020).
Bà Nguyễn Thị Thành, cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò không khỏi xúc động khi gặp lại những kỷ niệm, ký ức một thời tại không gian trưng bày “Thắp lửa niềm tin” của di tích Nhà tù Hỏa Lò. Bà Thành cho biết: Trong giai đoạn hoạt động cách mạng, tôi nhận nhiệm vụ tác chiến trong vùng địch hậu, rồi bị bắt giam, tra tấn suốt nhiều năm. Mỗi ngày, quân địch lần lượt dùng các loại đòn tra tấn, hòng bắt tôi khai nhận. Một lần, thiết bị tra tấn bằng cách dẫn điện vào người bị rơi ra, tôi hét lên với địch “Này, rơi rồi!”. Lúc đó chúng dường như thêm nản chí khi nhận ra, đòn tra tấn bấy nay không làm suy giảm ý chí, sự kiên trung của những tù binh.
Có mặt trong ngày khai mạc trưng bày, cựu chiến binh Nguyễn Thế Nghĩa, người dùng máu nhuộm cờ và vẽ chân dung Bác Hồ tại Nhà tù Phú Quốc kể: Trong trại giam cuối tháng 9-1969, chúng tôi chết lặng, xót xa khi hay tin Bác Hồ mất từ người chiến sĩ vừa bị địch bắt giam. Đảng ủy chủ trương tổ chức để tang vị lãnh tụ kính yêu. Giữa chốn lao tù, tôi nảy sinh ý tưởng lấy máu làm cờ và vẽ chân dung Người. Hòa cùng dòng máu của tôi còn có sự hỗ trợ của nhiều đồng chí khác, góp phần tô thắm thêm cho lá cờ và tấm chân dung Bác.
Với 3 phần: Mặt trời trong ngục thất, vầng dương trong ngục thất và thắp lửa niềm tin; trưng bày là tổ hợp những hình ảnh gợi nhớ về chốn “địa ngục trần gian” với tường đá, dây kẽm gai, song sắt... Màu sắc sử dụng tạo thành những mảng màu đối lập: Một bên là sắc trầm của xanh rêu, nâu đen, xám - những màu sắc chủ đạo của lao tù, một bên là màu sắc sáng tươi, nổi bật, tượng trưng cho ý chí của những người yêu nước. In chìm phía sau là hình ảnh của các chiến sĩ cộng sản dù bị gông cùm, xiềng xích, vẫn bất khuất, hiên ngang, cùng chung sức, đồng lòng hướng về cách mạng.
Theo ông Nguyễn Văn Quang (cựu chiến binh thời kỳ kháng chiến chống Mỹ), cách sắp xếp hình khối cùng hiệu ứng ánh sáng trong không gian trưng bày thực sự cuốn hút người xem. Còn du khách Nga Feodor Vasilyev thì chia sẻ: “Lần đầu tiên đến thăm Hà Nội, tới tham quan di tích Nhà tù Hỏa Lò, tôi thật may mắn khi được tham dự một triển lãm đặc biệt, gặp gỡ những nhân vật lịch sử. Điều này đã góp phần mang đến cái nhìn chân thực, sống động và sâu sắc về đất nước các bạn với những con người từ trong gian khó, đứng lên củng cố hòa bình, xây dựng, phát triển đất nước”.
Cũng trong thời gian này, công chúng và du khách còn được thấy các kỷ vật gắn bó với nhiều thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và những đảng viên kiên trung của Đảng từng bị địch bắt giam cầm. Đó là chiếc máy đánh chữ của nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Trân; bộ sưu tập những bài báo trong chuyên mục “Những việc cần làm ngay” của nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh; Huy hiệu của nguyên Bí thư Đảng đoàn phụ nữ Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hoàng Thị Ái...
Trưởng ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò Nguyễn Thị Bích Thủy khẳng định: Trưng bày “Thắp lửa niềm tin” nhằm tiếp tục lan tỏa hơn nữa niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần giáo dục truyền thống, để các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ thêm trân trọng những thành quả cách mạng của cha anh, nêu cao ý chí, lòng quyết tâm bồi đắp, tô thắm trang sử vàng của đất nước.
Trưng bày diễn ra đến 29/2/2020./.