• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trưng cầu áp đảo, Catalan xé toạc Tây Ban Nha?

Thế giới 02/10/2017 10:00

(Tổ Quốc) - Lãnh đạo khu vực Catalonia đang mở đường cho việc đơn phương tuyên bố độc lập từ Tây Ban Nha.

Lãnh đạo khu vực Catalonia đã mở đường cho việc đơn phương tuyên bố độc lập từ Tây Ban Nha ngày 1/10 sau khi các cử tri, bất chấp sự ngăn chặn của lực lượng cảnh sát, đã ủng hộ áp đảo độc lập với 90% số phiếu.

Mặc dù cảnh sát Tây Ban Nha mạnh mẽ ngăn cản cuộc trưng cầu dân ý, chính quyền Catalan cho biết 2.26 triệu người đã đi bỏ phiếu, chiếm khoảng 42%.

Như thông báo trên kênh TV3 của Catalonia, kết quả bỏ phiếu chính thức của Catalan là 2.262.424 phiếu, với 2.020.14 (90.09%) phiếu ủng hộ độc lập và 176.565 phiếu (7.87%) bỏ phiếu phản đối.

Khi được hỏi liệu quốc hội Catalan có thể đơn phương tuyên bố độc lập hay không, phát ngôn viên chính quyền Catalan Jordi Turull nói rằng, "Chúng tôi sẽ đưa kết quả này tới với người dân và quốc hội Catalonia và sẽ phụ thuộc vào quốc hội Catalonia để thực hiện quyết định này."

Thủ hiến Catalan Carles Puigdemont cũng tuyên bố, "Vào ngày xen lẫn hy vọng và đau khổ, công dân Catalonia đã giành được quyền có một quốc gia độc lập dưới hình thức một nước cộng hòa".

"Chính phủ của tôi, trong vài ngày tới sẽ gửi kết quả bỏ phiếu hôm nay cho Quốc hội Catalan… để họ có thể hành động theo luật của cuộc trưng cầu dân ý," ông nói.

Luật về cuộc trưng cầu dân ý, được Madrid coi là vi hiến, ghi rằng quốc hội Catalan có thể tuyên bố độc lập của nếu đa số phiếu ủng hộ rời khỏi Tây Ban Nha. Luật này không quy định số lượng người tham gia tối thiểu để kết quả có giá trị.

Trưng cầu vỡ trận: Bạo lực leo thang

Hàng nghìn ảnh sát quốc gia được triển khai tới Catalonia để ngăn cuộc bỏ phiếu, sử dụng dùi cui, bắn đạn cao su vào đám đông và đẩy cử tri rời khỏi các trạm bỏ phiếu, một số người thậm chí còn bị giật tóc.

Xô xát giữa cảnh sát và cử tri Catalan đã khiến hơn 800 người bị thương. (Nguồn: AP)

Trước đó trong ngày, tại nhiều đường phố của Catalonia – khu vực công nghiệp và du lịch chấm 1/5 nền kinh tế Tây Ban Nha, bạo lực đã bùng nổ khi cảnh sát quốc gia xông vào các điểm bỏ phiếu.

Các quan chức xứ Catalan cho hay, hơn 800 người đã bị thương trong những cuộc đụng độ với cảnh sát chống bạo động ở Tây Ban Nha trong suốt cuộc trưng cầu dân ý, khiến đất nước này rơi vào cuộc khủng hoảng hiến pháp nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ và làm trầm trọng thêm khoảng cách giữa Madrid và Barcelona.

Các quan chức xứ Catalan cho biết 844 người đã bị thương khi xung đột với cảnh sát, trong khi Bộ Nội vụ Tây Ban Nha cho hay 12 cảnh sát đã bị thương.

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đã lên tiếng lo lắng về bạo lực trong khi vẫn ủng hộ quan điểm của Madrid rằng bỏ phiếu là vi hiến.

"Bất kể quan điểm ra sao về sự độc lập, tất cả chúng ta phải lên án những cảnh tượng đã xảy ra và kêu gọi Tây Ban Nha thay đổi cách làm này trước khi có ai đó bị thương nghiêm trọng", Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon, một nhà lãnh đạo cũng ủng hộ độc lập của khu vực này cho hay.

Bước đi tiếp theo?

 Trước đó, trong tiến trình vận động hướng tới cuộc trưng cầu dân ý, Puigdemont đã nói ông sẽ chuyển sang tuyên bố độc lập trong vòng 48 giờ sau khi người dân bỏ phiếu "có". Tuy nhiên, tính chất phân mảnh của cuộc bỏ phiếu, với nhiều trạm bỏ phiếu bị đóng cửa, có thể làm phức tạp bất kỳ động thái nào hướng đến một tuyên bố chính thức.

Puigdemont đã kêu gọi châu Âu can thiệp để đảm bảo rằng các quyền cơ bản được tôn trọng hoàn toàn.

Những tuyên bố về độc lập của Thủ hiến Catalan theo sau một bài diễn văn truyền hình của Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy, người phản đối sự chia tách và cáo buộc Catalan đang cố gắng "tống tiền ... cả nước". Ông đề nghị tổ chức các cuộc đàm phán toàn diện về tương lai của khu vực Catalan.

"Tôi đề nghị rằng tất cả các đảng phái chính trị cùng các đại diện của nghị viện gặp nhau, và cùng nhau suy nghĩ về tương lai mà tất cả chúng ta đang phải đối mặt", Rajoy nói trong bài phát biểu trên truyền hình.

Trong một dấu hiệu khác, căng thẳng sẽ kéo dài hơn cuộc bỏ phiếu vừa qua, các nhóm ủng hộ ly khai và nhiều tổ chức công đoàn tại Catalonia kêu gọi tổng đình công vào ngày thứ ba, tờ La Vanguardia cho hay.

"Tôi rất vui khi bất chấp những rào cản mà họ đưa ra, tôi đã quyết định đi bỏ phiếu", Teresa, một cán bộ hưu trí 72 tuổi ở Barcelona, đã xếp hàng 6 tiếng liền để bỏ phiếu chia sẻ.

Dù cuộc bỏ phiếu trên không có tư cách pháp lí vì đã bị Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha bác bỏ và tuyên bố trái với hiến pháp năm 1978, tuy nhiên, bạo lực leo thang và lập trường kiên quyết của chính quyền Catalan sẽ tiếp tục là một vấn đề nghiêm trọng trong nền chính trị xã hội Tây Ban Nha – điều về lâu về dài cũng sẽ ảnh hưởng đến an ninh và sự phát triển chung của Liên minh châu Âu EU. Đồng euro giảm giá 1/3 so với đồng USD sau tiến trình trưng cầu bạo lực.

(Theo: Reuters)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ