• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung Đông định hình chính sách ngoại giao của Tổng thống đắc cử Biden với khu vực

Thế giới 12/11/2020 15:04

(Tổ Quốc) - Trong khi chiến thắng của ông Biden khiến các nhà lãnh đạo châu Âu thở phào nhẹ nhõm thì phản ứng của Trung Đông được đánh giá là "kém đồng đều hơn".

Theo CNBC, chiến thắng của ông Biden trong bầu cử tổng thống Mỹ 2020 sẽ mở ra thay đổi quan trọng trong chính sách đối ngoại và trên hết là phong cách ngoại giao khác biệt đáng kể khi nhắc đến đồng minh hay đối thủ của Mỹ.

Trung Đông định hình chính sách ngoại giao của Tổng thống đắc cử Biden với khu vực - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: CNBC

Thế giới có thể chuẩn bị chứng kiến sự quay trở lại các quy chuẩn chính thức dưới thời Tổng thống đắc cử Biden thay vì chính sách cứng rắn của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, trong khi chiến thắng của ông Biden có thể là sự thở phào nhẹ nhõm của nhiều nhà lãnh đạo châu Âu thì phản ứng của Trung Đông ít đồng nhất hơn. Đó là bởi vì một số quốc gia có thể hưởng lợi trong cách tiếp cận giao dịch của Trump trong nhiệm kỳ của ông nhưng cũng có một số quốc gia khác phản đối gay gắt với chính sách ngoại giao thời kỳ Tổng thống Trump.

"Ông Biden và nhóm chính sách của ông sẽ có cách tiếp cận thế giới khác với ông Trump", ông Hussein Ibish - học giả cấp cao tại Viện Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất ở Washington cho biết. "Họ muốn quay trở lại trật tự quốc tế có hệ thống nhằm thể chế hóa, tập trung vào liên minh và dựa trên quy tắc mà Mỹ đã xây dựng kể từ Thế chiến thứ Hai kết thúc".

Trong khi đó, ông Kirsten Fontenrose – Giám đốc Sáng kiến An ninh Trung Đông - Scowcroft tại Hội đồng Đại Tây Dương lại cho rằng, cả ông Biden và ông Trump đều có mục tiêu giảm dấu chân của Mỹ đối với sự hiện diện quân sự ở Trung Đông và điều đó bao gồm cả việc giảm kinh phí và nhân lực. "Cả hai nhà lãnh đạo cùng tìm cách giảm chi phí liên quan đến Trung Đông nhưng đều không muốn làm giảm đi ảnh hưởng của Mỹ. Đó sẽ là thách thức," ông Fontenrose nói.

Câu hỏi lớn về Saudi Arabia?

Một câu hỏi đặt ra là cách tiếp cận của ông Biden đối với Saudi Arabia – đối tác của Mỹ kể từ những năm 1940 sẽ ra sao?

"Không có đảm bảo Riyadh vẫn tiếp tục được Washington sủng ái", các nhà phân tích công ty tư vấn rủi ro chính trị AKE Group viết trong một bài báo vào cuối tháng Chín.

Chính phủ Saudi bày tỏ lo ngại về các chính sách ít ủng hộ đối với quốc gia này ở thời ông Biden so với thời Tổng thống Trump. Những gì Saudi dự đoán là chính quyền Tổng thống đắc cử Biden có thể sẽ quay trở lại chính sách của cựu Tổng thống Obama – đặc biệt là thỏa thuận hạt nhân Iran hay còn được gọi là JCPOA . Các rủi ro có thể lại xuất hiện tại các quốc gia Ả rập vùng Vịnh bởi luôn xem Tehran là mối đe dọa của vương quốc này. Quan hệ giữa Mỹ và Saudi từng được đánh giá là có phần hạ nhiệt đáng kể trong nhiệm kỳ ông Obama.

Theo CNBC, bầu cử Mỹ 2020 liên tục tập trung vào các vấn đề của Iran. Một số quan chức bày tỏ hi vọng hài lòng với kết quả bầu cử trên truyền thông khi nhắc đến sự hồi phục của JCPOA và nới lỏng các trừng phạt kinh tế để duy trì thỏa thuận hạt nhân. Tuy nhiên, cho đến nay, điều đó vẫn chưa chắc chắn vì không rõ Iran có sẵn sàng thỏa hiệp.

Các nhà lãnh đạo thế giới phần lớn bị lung lay từ sự khó đoán trong chính sách của Tổng thống Trump.

Chính quyền Tổng thống Trump đã ký các hợp đồng mua bán vũ khí đối với Saudi Arabia và các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất bất chấp sự phản đối của Quốc hội Mỹ.

"Một số các quốc gia Trung Đông quyền lực bày tỏ thích Tổng thống Trump nhưng cũng ở mức hạn chế vì khả năng khó đoán của ông. Với ông Biden, tôi cho rằng các quốc gia này sẽ cần phải mất tới 4 năm để có thể hiểu về chính sách đối ngoại của Mỹ với các quốc gia này", ông Michael Stephens - chuyên gia cấp cao Viện Nghiên cứu chính sách Ngoại giao nhấn mạnh.

Giới phân tích khẳng định ông Biden dường như có khả năng áp dụng khuôn khổ chiến lược bao gồm châu Âu, đánh dấu sự thay đổi đáng kể so với cách tiếp cận đơn phương của Tổng thống Trump.

Bình thường hóa với Israel và các quan hệ Palestine

"Các quốc gia Ả rập như Saudi Arabia sẽ tìm kiếm đồng minh trong bối cảnh quan hệ thân thiết của họ với Mỹ đang suy yếu. Đây là bằng chứng trong bối cảnh cả UAE và Bahrain thiết lập quan hệ với Israel. Các nhà phân tích mong muốn chính quyền ông Biden sẽ tiếp tục khuyến khích điều này mặc dù nhiều khả năng sẽ không thể có ảnh hưởng mạnh mẽ như dưới thời Tổng thống Trump.

"Đối với chính quyền ông Biden, họ sẽ xem Saudi Arabia là một giải thưởng lớn trong nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Israel", ông Fontenrose nhấn mạnh.

Ông Biden và phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris nhiều khả năng sẽ ủng hộ Israel trong thời gian dài nhưng các quan chức Israel vẫn thực sự lo lắng về khả năng quan hệ với Mỹ sẽ hạ nhiệt như từng xảy ra dưới thời cựu Tổng thống Obama.

Trong khi ông Biden không có khả năng đảo ngược bất kỳ động thái chính sách lớn nào của Tổng thống Trump đối với Israel như động thái chuyển đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem nhưng Tổng thống đắc cử từng bày tỏ mục đích khôi phục sự ủng hộ đối với người dân Palestine. Nhiều khả năng chính quyền Tổng thống đắc cử Biden sẽ thúc đẩy các bước nhanh chóng khôi phục hỗ trợ kinh tế và nhân đạo cho người dân Palestine nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra ở Gaza, mở lại lãnh sứ quán Mỹ ở Đông Jerusalem", phó Tổng thống đắc cử - bà Harris từng lên tiếng vào đầu tháng 11.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ