(Tổ Quốc) - Hội nghị thượng đỉnh ba bên còn là cơ hội thúc đẩy vị thế cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Hôm 14/6, tờ Jerusalem Post đưa tin, một hội nghị thượng đỉnh an ninh chưa từng có trong tiền lệ giữa Thư ký Hội đồng Anh ninh Nga Nikolay Patrushev, Cố vấn an ninh Quốc gia Mỹ John Bolton và người đồng cấp Israel Meir Ben-Shabbat, sẽ diễn ra từ ngày 24-26/6 tại Jerusalem.
Xuất phát từ ý tưởng của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, hội nghị kỳ vọng sẽ thảo luận về các vấn đề liên quan tới Syria và Iran.
"Ngày nay, Nga đã trở thành một yếu tố chủ chốt và quyết định tại Trung Đông, và ông Netanyahu là người đầu tiên nhận ra xu thế này khi định nghĩa Nga là một thế lực thân thiện và ổn định trong thời kỳ Obama vào thời điểm Mỹ trực tiếp liên quan tới tình hình Trung Đông [và Bắc Phi] từ Ai Cập tới Libya và Syria. Nga, Mỹ và Israel đang thiết lập một ủy ban ba bên để giải quyết một trong những vấn đề khó khăn nhất trong khu vực - vốn gần như trở thành một ngòi nổ cho một cuộc chiến toàn diện", Nelly Gutina, một nhà phân tích chính trị người Israel nhận định.
Mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo Israel và Nga đang khá tốt đẹp (ảnh: Sputnik)
Bà Gutina tin rằng, mặc dù chương trình nghị sự còn đang trong vòng bí mật, thể thức ba bên của thượng đỉnh có thể coi là một thành công cho tất cả các nước liên quan. Tuy nhiên, bà cũng dự đoán, sự kiện này có thể khiến một số thế lực khác không hài lòng, điển hình là EU.
Còn theo Avigdor Eskin, một nhà chuyên gia chính trị khác cũng tới từ Israel, Nga, Israel và Mỹ có "mọi lý do" để "mở rộng hợp tác" tại Trung Đông. Ông cho rằng, về cơ bản, các lợi ích của Nga và Israel tại Syria là không có sự đối lập.
"Thông tin tình báo Israel về tình hình Nga-Iran tại Syria chỉ ra, có các lợi ích lẫn nhau rõ ràng trong quá khứ với mục tiêu chung là giữ cho Tổng thống Bashar al-Assad tại vị", ông Eskin lưu ý.
Ông cũng nhấn mạnh, sự hiện diện của Iran tại Syrai "không có lợi cho lợi ích của Nga". Israel từng nhiều lần cáo buộc Tehran gia tăng hiện diện quân sự tại Syria, trong khi Iran liên tục phủ nhận.
Hội nghị thượng đỉnh [ba bên] rất quan trọng. Nga, Mỹ và Israel gần như chắc chắn sẽ hợp tác trong các vấn đề chủ chốt và điều này sẽ mở rộng hòa bình cho khu vực.
Avigdor Eskin
"Hội nghị thượng đỉnh rất quan trọng", ông nói. "Nga, Mỹ và Israel gần như chắc chắn sẽ hợp tác trong các vấn đề chủ chốt và điều này sẽ mở rộng hòa bình cho khu vực".
Về phần mình, Israel được cho là sẽ có rất nhiều lợi ích từ mối quan hệ cải thiện giữa Mỹ và Nga. "Sáng kiến của Israel cũng phục vụ cho mục tiêu này", ông Eskin đánh giá.
Trong khi đó, Thủ tướng Netanyahu đang phải đối mặt với làn sóng chỉ trích ngày một gia tăng từ các đối thủ sau khi liên minh bảo thủ sụp đổ tại Quốc hội Israel – chỉ chưa đầy hai tháng sau khi các cử tri nước này đi bỏ phiếu.
Một cuộc bầu cử sớm mới đã được lên kế hoạch vào ngày 17/9 do ông Netanyahu không thể thiết lập được một liên minh cầm quyền mới gồm ít nhất 61 nghị sỹ vào ngày 29/5 vừa qua.
Bình luận về kết quả dự kiến của cuộc bầu cử sớm, ông Eskin dự đoán, "sẽ không có một lựa chọn thực tế nào khác ngoài một chiến thắng cho Netanyahu".
"Sự ủng hộ của Tổng thống Donald Trump là rất quan trọng và nó chỉ đang gia tăng", ông Eskin nhấn mạnh. "Quan hệ hợp tác với Nga cũng đang được thắt chặt. Sự nổi tiếng của Tổng thống Putin tại Israel đang vượt qua bất kỳ nghi ngờ nào và quan hệ thân thiết của ông với ông Netanyahu cũng sẽ giúp thủ tướng Israel trong chiến dịch tranh cử".
Quyết định của ông Trump công nhận Jerusalem và Cao nguyên Golan trước thềm tổng tuyển cử tháng Tư tại Israel, cũng được đánh giá là thể hiện thái độ tích cực Washington dành cho ông Netanyahu.
Tuy nhiên, theo bà Gutina, ảnh hưởng của Thủ tướng Israel trong nội bộ Đảng Cộng hòa Mỹ đã vượt xa mối quan hệ công việc của ông với Tổng thống Trump.
"Đảng Cộng hòa, đặc biệt là Trump dựa vào tiếng nói của những người Tin lành – cũng chính là những người đã vận động hành lang để chuyển đại sứ quán Mỹ về Jerusalem và công nhận Cao nguyên Golan…", bà chỉ ra.
Đề cập tới áp lực mà ông Netanyahu đang phải đối mặt từ phía lực lượng đối lập, bà Gutina đặc biệt chú ý tới liên minh trung tả Kahol Lavan, bao gồm ba cựu tướng lĩnh quân đội Israel. Bà chỉ ra, mặc dù quân đội có nhiều ảnh hưởng tại Israel, nhưng các đối thủ này vẫn chịu thua trước ông Netanyahu.
Hồi đầu tháng Tư, đảng Likud của ông Netanyahu giành được 35 ghế - bằng với những gì đối thủ Kahol Lavan có được. Đương kim thủ tướng Israel vượt lên nhờ vào sự ủng hộ của Đảng Shas, liên minh cánh hữu United Torah Judaism, liên minh các đảng cánh hữu, Kulanu và đảng Yisrael Beytenu. Tuy nhiên, vào phút cuối ông Netanyahu lại bất ngờ thất bại trong nỗ lực thành lập một chính phủ liên minh.