(Tổ Quốc) - Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã phát triển quan hệ kinh tế và an ninh chặt chẽ với nhiều nước Mỹ Latinh, bao gồm Brazil và Venezuela.
Vai trò của Trung Quốc ở Mỹ Latinh đã phát triển nhanh chóng kể từ năm 2000. Các công ty nhà nước Trung Quốc là những nhà đầu tư lớn trong các ngành năng lượng, cơ sở hạ tầng của khu vực và quốc gia này đã trở thành một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Nam Mỹ. Bắc Kinh cũng đã mở rộng sự hiện diện ngoại giao, văn hóa, quân sự và gần đây nhất là hỗ trợ Nam Mỹ trong cuộc chiến chống Covid-19.
Nhưng Mỹ và các đồng minh lo ngại rằng Bắc Kinh đang sử dụng những mối quan hệ này để theo đuổi các mục tiêu địa chính trị riêng. Và Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách chống lại sự ảnh hưởng ngày càng tăng của ông lớn châu Á này tại nơi từng là "sân sau" của Mỹ.
Quan hệ Trung Quốc -Mỹ Latinh
Mối quan hệ của Trung Quốc với khu vực này có từ thế kỷ XVI, khi tuyến đường thương mại Manila tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi đồ sứ, lụa và gia vị giữa Trung Quốc và Mexico. Trong thế kỷ tiếp theo, mối quan hệ hai bên chủ yếu liên quan đến hoạt động di cư vì Bắc Kinh vẫn bận tâm đến sự biến động trong nước của chính họ.
Hầu hết các nước Mỹ Latinh đều công nhận chính phủ Trung Quốc sau chuyến công du của Tổng thống Mỹ Richard Nixon đến Bắc Kinh năm 1972, nhưng phải đến sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001, họ mới bắt đầu hình thành các mối quan hệ chính trị, kinh tế và văn hóa mạnh mẽ. Ngày nay, Peru có cộng đồng người gốc Hoa lớn nhất khu vực, chiếm khoảng 5% dân số. Các quốc gia khác có cộng đồng người Hoa lớn bao gồm Brazil, Cuba, Paraguay và Venezuela. Năm 2000, thị trường Trung Quốc chỉ chiếm chưa đến 2% xuất khẩu của Mỹ Latinh, nhưng tốc độ phát triển nhanh chóng của Trung Quốc đã thúc đẩy sự bùng nổ giao thương giữa hai bên. Trong tám năm tiếp theo, thương mại tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 31%, đạt giá trị 180 tỷ USD vào năm 2010. Đến năm 2021, tổng kim ngạch thương mại đạt 450 tỷ USD và các nhà kinh tế dự đoán rằng con số này có thể vượt quá 700 tỷ USD vào năm 2035. Trung Quốc hiện là Đối tác thương mại hàng đầu của Nam Mỹ và là đối tác thương mại lớn thứ hai của Mỹ Latinh nói chung, sau Washington. Bắc Kinh đã có các hiệp định thương mại tự do với Chile, Costa Rica và Peru, và hai mươi quốc gia Mỹ Latinh cho đến nay đã ký kết tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc (OFDI) và các khoản vay cũng đóng một vai trò quan trọng. Vào năm 2020, OFDI của Trung Quốc ở Mỹ Latinh lên tới khoảng 17 tỷ USD, chủ yếu ở Nam Mỹ. Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc là một trong những nhà cho vay hàng đầu của khu vực này. Từ năm 2005 đến năm 2020, họ đã cùng nhau cho các chính phủ Mỹ Latinh vay khoảng 137 tỷ USD, thường để đổi lấy dầu và được sử dụng để tài trợ cho các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, những mối quan hệ này đã làm dấy lên một số lo ngại. Mặc dù các khoản vay của Trung Quốc thường có ít điều kiện hơn, nhưng sự phụ thuộc vào chúng có thể đẩy các quốc gia bất ổn về kinh tế như Venezuela vào nợ nần ngập đầu và có thể dẫn đến vỡ nợ. Các nhà phê bình cũng cảnh báo rằng sự kiểm soát ngày càng tăng của Trung Quốc đối với các cơ sở hạ tầng quan trọng ở đây như lưới điện cũng gây ra rủi ro an ninh quốc gia.
Lợi ích chính trị, an ninh của Trung Quốc trong khu vực?
Đi đầu về lợi ích chính trị là mong muốn mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc thông qua "hợp tác Nam-Nam" - một khuôn khổ phát triển tập trung vào viện trợ, đầu tư và thương mại. Việc Trung Quốc tập trung vào quyền lực mềm, bao gồm tăng cường quan hệ văn hóa và giáo dục, cũng đã giúp Bắc Kinh thể hiện thiện chí chính trị với các chính quyền địa phương và thể hiện mình là một đối tác thay thế khả thi cho Mỹ và châu Âu.
Kể từ chuyến công du kéo dài 13 ngày mang tính bước ngoặt của cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân tới Mỹ Latinh vào năm 2001, đã có hàng chục cuộc trao đổi chính trị cấp cao. Chủ tịch Tập Cận Bình đã tới thăm khu vực này 11 lần kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2013. Ngoài một số thỏa thuận song phương với các nước trong khu vực, Trung Quốc đã ký kết các quan hệ đối tác chiến lược toàn diện -mức cao nhất mà nước này dành cho các đối tác ngoại giao - với Argentina, Brazil, Chile, Ecuador, Mexico, Peru và Venezuela.
Việc Trung Quốc thúc đẩy cô lập Đài Loan cũng là một yếu tố chính khác. Với việc Bắc Kinh từ chối quan hệ ngoại giao với các nước công nhận Đài Loan, sự ủng hộ của Mỹ Latinh đối với hòn đảo này đã giảm dần trong những năm gần đây. Chỉ có tám quốc gia trong khu vực vẫn công nhận Đài Loan.
Chiến lược của Trung Quốc về Mỹ Latinh, được xác định trong Sách trắng Chiến lược Quốc phòng năm 2015 và các văn bản khác, cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác an ninh và quốc phòng. Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm củng cố mối quan hệ quân sự bền chặt hơn với các đối tác Mỹ Latinh bao gồm mua bán vũ khí, trao đổi quân sự và các chương trình đào tạo.
Venezuela trở thành nước mua khí tài quân sự của Trung Quốc nhiều nhất trong khu vực sau khi chính phủ Mỹ cấm mọi hoạt động bán vũ khí thương mại cho nước này từ năm 2006. Từ năm 2009 đến 2019, Bắc Kinh được cho là đã bán số vũ khí trị giá hơn 615 triệu USD cho Venezuela. Bolivia và Ecuador cũng đã mua máy bay quân sự, phương tiện mặt đất, radar phòng không và súng trường tấn công trị giá hàng triệu USD của Trung Quốc. Cuba cũng đã tăng cường quan hệ quân sự với Trung Quốc, đón một số chuyến thăm cảng của quân đội Trung Quốc.
Sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc cũng thể hiện rõ qua việc nước này tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình ở Haiti, cũng như các cuộc diễn tập huấn luyện quân sự và cung cấp vật tư cho cơ quan thực thi pháp luật địa phương trên toàn khu vực. Ví dụ, Trung Quốc đã cung cấp cho các sở cảnh sát Bolivia thiết bị chống bạo loạn và xe quân sự, đồng thời tặng thiết bị giao thông và xe máy cho lực lượng cảnh sát ở Guyana, Trinidad và Tobago.
Mỹ phản ứng
Các nhà hoạch định chính sách và quan chức quân sự Mỹ đã bày tỏ quan ngại về sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Mỹ Latinh trong khi Washington chuyển trọng tâm sang châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông. "Chúng ta đang đánh mất vị thế của mình ở đây và cần phải có hành động ngay lập tức để đảo ngược xu hướng này", Đô đốc Craig S. Faller, cựu lãnh đạo Bộ Tư lệnh Miền Nam của Mỹ cho biết vào năm 2021.
Dưới thời Donald Trump, ông đã có cách tiếp cận cứng rắn với khu vực này, áp đặt các lệnh trừng phạt đối với một số quốc gia và giảm tài trợ cho các tổ chức khu vực. Một số nhà phân tích cho rằng điều này đã khiến một số chính phủ xích lại gần Bắc Kinh.
Tổng thống Biden, người đi đầu về chính sách Mỹ Latinh trong nhiệm kỳ làm phó tổng thống cho ông Barack Obama, từ lâu đã lập luận rằng Mỹ nên tìm cách lấy lại vai trò lãnh đạo trong khu vực để chống lại một Trung Quốc đang trỗi dậy. Gọi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh chiến lược" và cam kết tăng cường quan hệ đối tác của Mỹ ở Tây Bán cầu, ông Biden đã phát động Sáng kiến Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn (B3W) với các đối tác trong G7 để chống lại BRI của Trung Quốc. Tuy nhiên, B3W đang phải đối mặt với những câu hỏi lớn về ngân sách, thời hạn và nhiều khía cạnh khác về quá trình triển khai. Đồng thời, một số chuyên gia cho rằng ông Biden vẫn chưa tập trung đủ vào khu vực này, đặc biệt là về thương mại.