• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung Quốc “che giấu” mục đích gì đằng sau cuộc chạy đua vũ trụ với Mỹ?

Thế giới 17/10/2016 10:43

(Tổ Quốc) - Với những bước tiến đại nhảy vọt trong ngành công nghiệp vũ trụ, Trung Quốc đang dần đạt đến mục tiêu của mình.  

Nếu cuộc chạy đua Mỹ - Xô giúp định hình ngành công nghiệp vũ trụ thế giới của nửa sau thế kỷ XX, thì bước sang thế kỷ XXI, Trung Quốc đã thế chỗ Liên Xô để phát động cuộc chiến vũ trụ mới với Mỹ.

Sáng sớm hôm nay (17/10), Trung Quốc đã phóng thành công tàu Thần Châu 11 vào quỹ đạo. Từ một khu phóng ở vùng Nội Mông hẻo lảnh, Thần Châu 11 đưa hai phi hành gia Cảnh Hải Bằng và Trần Đông lên trạm nghiên Thiên Cung 2 nơi họ sẽ có một tháng để tiến hành các công việc được giao. Đây là nhiệm vụ thứ sáu và cũng là nhiệm vụ có thời hạn dài nhất do con người tiến hành trong lịch sử ngành công nghiệp vũ trụ Trung Quốc.

Tàu Thần Châu 11 đem theo hai nhà du hành vũ trụ Trung Quốc được phóng thành công vào sáng sớm ngày hôm nay

Sau khi trạm không gian quốc tế ISS kết thúc hoạt động vào năm 2024, Trung Quốc có lẽ sẽ là quốc gia duy nhất còn duy trì hoạt động trên vũ trụ. Trung Quốc “đang vươn dậy mạnh mẽ khiến Mỹ đang phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu trong những năm tới,” Leroy Chiao, cựu phi hành gia của NASA từng làm việc trên ISS cảnh báo.

Bắc Kinh đang quăng tiền vào tham vọng chinh phục vũ trụ của mình với những mục tiêu cụ thể như trở thành quốc gia đầu tiên khám phá phần bị che khuất của mặt trăng và gửi máy thăm dò made-in-China lên sao Hỏa vào năm 2020.

Một con số của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế vào năm 2013 cho thấy Trung Quốc là quốc gia có chương trình vũ trụ lớn thứ hai trên thế giới, với nguồn kinh ước tính lên tới 13 tỉ USD – tuy vậy, vẫn có khá khiêm tốn so với mức 40 tỉ USD của Mỹ.

Hai phi hành gia sẽ làm việc 1 tháng trên trạm không gian Thiên Cung 2

“Trung Quốc đang kiến tạo khả năng của mình và mục tiêu của họ rõ ràng là trở thành người dẫn đầu trong cuộc chinh phục vũ trụ,” Chiao nói. Năm 2006, ông này cũng là người Mỹ đầu tiên được bước vào Trung tâm du hành vũ trụ của Trung Quốc.

Mặc dù bắt đầu muộn hơn Mỹ rất nhiều, nhưng Trung Quốc đang tăng tốc, dựa trên những gì được các chuyên gia nước này gọi là “lợi thế của người đến sau”: tận dụng những công nghệ tối tân nhất để tạo ra các bước nhảy vọt trong không gian.

Năm ngoái, quốc gia đông dân nhất thế giới đã tiến hành thành công 19 kế hoạch phóng các thiết bị vào vũ trụ - chỉ đứng sau Nga (26) và Mỹ (18). Năm nay, tỷ lệ này được kỳ vọng sẽ vượt qua con số 20. Trong khi đó, Mỹ chỉ có thể gửi phi hành gia lên vũ trụ nhờ thuê phi thuyền của Nga do chương trình phóng tàu vũ trụ của nước này đã kết thúc từ năm 2011.

“Trong những này gần đây, mục tiêu của chúng ta đã trở nên mờ nhạt, và giờ đây, những thành tựu của Trung Quốc đang ngày càng nhiều hơn. Chúng ta không thể bỏ qua điều này,” Hạ nghị sỹ Lamar Smith phát biểu trong một cuộc họp hồi tháng Chín.  

Đằng sau cuộc chạy đua vũ trụ là gì?

Trong một tuyên bố trước đây về kế hoạch phóng  Thần Châu 11, Trung Quốc nói họ muốn sản xuất ra loại rượu vang Pinot Noir và Merlot trên trạm không gian Thiên Cung 2.

Không nghi ngờ gì, đó dĩ nhiên không phải là lý do chính để Cảnh Hải Bình và đồng đội xuất hiện trên vũ trụ vào ngày hôm nay.

“Trở thành một cường quốc trong ngành công nghiệp vũ trụ luôn là một giấc mơ mà chúng ta theo đuổi,” Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu trong Ngày Vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc, ngày 25/4 vừa qua.

 Phi hành gia Trần Chí Cương vẫy cờ Trung Quốc ngoài không gian, bên cạnh tàu Thần Châu 7 năm 2008

Dưới sự nỗ lực và, tất nhiên, cả tiền bạc của người Trung Quốc, giấc mơ này đang ngày càng rõ ràng. Tháng trước, quốc gia châu Á đã hoàn thành chiếc kính viễn vọng vô tuyến trị giá lên tới 180 triệu USD. Có kích cỡ tương đương với 30 sân bóng đá, công trình được chủ tịch Tập ví von với “con mắt của Trung Quốc” sẽ giúp “vẽ lại” bản đồ thiên hà và có thể nhận biết được tín hiệu từ khoảng cách khoảng 13,7 tỉ năm ánh sáng. Nhằm đẩy mạnh khả năng “liên lạc” với các nền văn minh bên ngoài, Trung Quốc cũng đã tiến hành tạo ra những siêu vi tính nhanh nhất thế giới để xử lý cơ sở dữ liệu khổng lồ sẽ nhận được qua kính viễn vọng vô tuyến trên.  

Hồi tháng Sáu, nước này đã phóng thành công tên lửa Long March 7 từ một tổ hợp vũ trụ mới xây tại đảo Hải Nam. Theo kế hoạch, Long March 5 ra mắt vào cuối năm nay – sẽ sở hữu một sức mạnh lớn hơn bất kỳ thiết bị cùng chức năng nào mà Mỹ, Nga hay Châu Âu từng sản xuất.

Kĩnh viễn vọng vô tuyến điện mới hoàn thành của Trung Quốc
Tên lửa Long March 5 dự kiến sẽ được phóng vào cuối năm nay

Vào tháng Ba, kế hoạch xây dựng một kính viễn vọng không gian có độ bao phủ lớn gấp 300 lần so với kinh Hubble của Mỹ đã được Trung Quốc công bố. Vị trí dự định của thiết bị này là gần trạm vũ trụ Thiên Công 3, sẽ được nước này đưa lên quỹ đạo trong thời gian sắp tới.

Hệ thống định vị Beidou trị giá 810 triệu USD, được coi là đối thủ chính cho hệ thống GPS của Mỹ, cũng đã được đưa vào vận hành và sẽ đem lại cho Trung Quốc một lợi thế lớn trong những tình huống chiến sự nếu xảy ra sau này.

Trước năm 2020, lần đầu tiên trong lịch sử loại người, phần bị che khuất của Mặt trăng sẽ bị hé lộ nhờ một robot đến từ Trung Quốc. Nếu thành công, đây sẽ là bước ngoặt quan trọng để quốc gia lớn nhất châu Á này đưa người lên Mặt trăng vào năm 2030.

Với những kế hoạch đầy tham vọng của mình, Trung Quốc cũng đã tìm đến sự hợp tác với chương trình vũ trụ của Mỹ. Tháng Sáu vừa rồi, nước này đã ký một hiệp định với Liên Hợp Quốc (LHQ), theo đó trạm vụ trụ của Trung Quốc sẽ mở rộng cửa chào đón các phi hành gia từ các quốc gia thành viên của LHQ.

Mô hình trạm không gian Thiên Cung 1 của Trung Quốc

Tuy nhiên, một đạo luật của Mỹ từ năm 2011 đã cấm NASA hợp tác với chương trình vũ trụ của chính phủ Trung Quốc do những mối lo ngại về an ninh quân sự. Để “đối phó” với sự cấm đoán này, năm 2015, Zhang Changwu và những cựu thành viên của chương trình vũ trụ Trung Quốc đã thành lập nên Landspace, công ty tư nhân đầu tiên của Trung Quốc hoạt động trong ngành công nghiệp vũ trụ. Landspace dự định sẽ có kế hoạch phóng thương mại đầu tiên vào năm sau. “Công ty của chúng tôi sẽ rất mở cửa và minh bạch,” Zhang cho biết. Ông này cũng hy vọng rằng Landspace sẽ trở thành một cầu nối, tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và các quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ.

(Theo NBCnews)

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ