(Tổ Quốc) - Theo hãng AP, Trung Quốc hiện đang tăng cường chiến dịch kiểm soát đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lớn nhất kể từ khi bùng phát.
Mới đây, nước này tiếp tục phát triển loại vaccine công nghệ mRNA nhằm bảo vệ tốt nhất trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Vào đầu mùa xuân năm 2020, công ty dược phẩm Trung Quốc Fosun Pharma đã đạt được thỏa thuận phân phối và thậm chí là sản xuất vaccine công nghệ mRNA của hãng Pfizer/BioNTech. Tuy nhiên nước này vẫn duy trì mục tiêu sử dụng vaccine do nước này sản xuất và hạn chế nhập khẩu vaccine. Một số chuyên gia cho rằng sự chậm trễ đưa vào sử dụng vaccine mRNA có thể dẫn đến số ca tử vong tăng cao hơn cũng như gây ra thiệt hại kinh tế lớn.
"Vấn đề lớn nhất là sự chậm trễ mở cửa trở lại trong trạng thái bình thường mới. Hậu quả là rất lớn từ sự gián đoạn từ chuỗi cung ứng cũng như các ngành dịch vụ", ông Xi Chen, chuyên gia kinh tế y tế tại Đại học Yale nhận định.
Nhiều nhà nghiên cứu liên tục chỉ ra việc tiêm chủng vaccine mRNA do hãng Pfizer/BioNTech và hãng Moderna sản xuất có thể mang lại sự bảo vệ tốt nhất, ngăn ngừa nguy cơ nhập viện hay tử vong cao do Covid-19. Các loại vaccine truyền thống của Trung Quốc hầu hết đều sản xuất theo công nghệ truyền thống, có thể khá hiệu quả với chủng virus đầu tiên nhưng lại kém hiệu quả với các chủng mới gần đây.
Khi bằng chứng này trở nên rõ ràng, ngay cả những quốc gia ban đầu sử dụng vacicne của Trung Quốc đã chuyển sang loại vaccine mRNA để tiêm nhắc lại hoặc tiêm mũi mới tiếp theo.
Hầu hết vacine mRNA đã được cấp phép sử dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới bởi tính hiệu quả và an toàn đã được chứng minh ở hàng trăm triệu người. Tuy nhiên,Trung Quốc cũng khẳng định nước này luôn muốn làm chủ công nghệ và giảm phụ thuộc vào nước ngoài.
Trong hơn 1 năm qua, phương pháp truyền thống của Trung Quốc đã kiểm soát phần nào dịch bệnh và ngăn ngừa mức độ lây lan của virus tốt hơn nhiều so với các quốc gia khác. Chiến lược 0-Covid đã kiểm soát nghiêm ngặt số ca mắc và thực hiện phong tỏa trong cộng đồng để ngăn ngừa lây lan trên diện rộng.
Đến thời điểm hiện tại, biến thể omicron siêu lây nhiễm đang là một phép thử với chiến lược 0-Covid. Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu tiếp tục duy trì biện pháp phong tỏa dài ngày và điều này phần nào tác động đến kinh tế đất nước. Trong khi các quốc gia khác trên thế giới đã trở lại nhịp sống bình thường sau khi đã được bảo vệ bởi vaccine hoặc mắc bệnh thì Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì với chiến lược ban đầu nhằm tránh nguy cơ phải nhập viện hoặc tử vong cao.
Vaccine mRNA của Trung Quốc
Trang Global Times của Trung Quốc đưa tin hãng dược Fosun Pharma hiện đang làm việc với các cơ quan y tế để cấp phép sử dụng vaccine mRNA.
Trong khi đó, nhà khoa học Bo Ying, người từng làm việc cho hãng Moderna đã thành lập một trung tâm vaccine mRNA thuộc công ty công nghệ sinh học Suzhou Abogen Biosciences, Trung Quốc.
Abogen đã hợp tác với công ty công nghệ sinh học Walvax và Học viện Y khoa quân sự Trung Quốc - một cơ sở nghiên cứu y học của quân đội để phát triển vaccine mRNA. Abogen đã huy động hơn 1,7 tỷ USD kể từ năm 2020.
Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí Lancet Microbe, vaccine mRNA của Abogen đã thành công trong việc tạo ra phản ứng miễn dịch trong thử nghiệm sơ bộ để đánh giá mức độ an toàn. Ngoài ra, Walvax Biotechnology cũng đang hợp tác với công ty khởi nghiệp RNACure (có trụ sở tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc) nhằm phát triển một vaccine mRNA tiềm năng khác.
"Các kết quả đầy hứa hẹn", Tiến sĩ Vineeta Bal, nhà nghiên cứu hệ thống miễn dịch tại Viện nghiên cứu và Giáo dục Ấn Độ nhận định.
Tuy nhiên, các nghiên cứu mở rộng về mức độ ngăn ngừa nhiễm trùng hoặc triệu chứng vẫn chưa hoàn thành. Các chuyên gia cho biết ngay cả khi các nghiên cứu có thể hoàn thành và vaccine đã chứng minh hiệu quả, quá trình sản xuất hàng triệu liều vaccine cần thiết vẫn là một thách thức. Công ty Abogen đã xây dựng cơ sở sản xuất vào tháng 12/2020 với công suất dự kiến lên tới 120 triệu liều/năm.
Ông Scott Wheelwright, Giám đốc điều hành của BioInno Bioscience, nhà sản xuất hợp đồng dược phẩm sinh học Trung Quốc cho rằng quá trình sản xuất vaccine và đảm bảo chất lượng trên quy mô lớn sẽ là thách thức vì công nghệ mRNA vẫn còn khá mới.
Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đại lục đã tiêm ngừa Covid-19 cho hơn 88% dân số đủ điều kiện tiêm chủng bằng các loại vaccine không bào chế theo công nghệ mRNA. Trung Quốc không chấp thuận sử dụng bất kỳ loại vaccine nào do quốc gia khác bào chế/.