• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung Quốc đẩy chiến dịch giành thiện cảm từ Đài Loan lên "tầm cao" mới?

Thế giới 10/07/2020 13:11

(Tổ Quốc) - Bất chấp việc đi lại giữa Đài Loan và Trung Quốc bị hạn chế do COVID-19, Bắc Kinh vẫn tăng cường các hoạt động tuyên truyền hướng tới người dân hòn đảo thông qua thế giới mạng.

Reuters đưa tin, trong bối cảnh các hoạt động đi lại giữa hai bờ Eo biển Đài Loan bị ngưng trệ do đại dịch COVID-19, Trung Quốc đang triển khai một chiến dịch thúc đẩy "tái thống nhất" với Đài Loan trên thế giới ảo với những hoạt động như phát sóng trực tiếp, hội nghị trực tuyến và cuộc thi sáng tạo video…

Những nỗ lực gia tăng của Trung Quốc nhằm giành được tình cảm của người dân Đài Loan diễn ra vào thời điểm người dân nơi đây đang bày tỏ thái độ ủng hộ cho các cuộc biểu tình chống chính quyền cũng như phản đối việc Bắc Kinh áp dụng luật an ninh quốc gia mới tại Hong Kong.

Trung Quốc đẩy chiến dịch giành thiện cảm từ Đài Loan lên "tầm cao" mới? - Ảnh 1.

Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn (ảnh: Al Jazeera)

Đài Loan là một trong những vấn đề lãnh thổ nhạy cảm nhất của Trung Quốc với Bắc Kinh coi hòn đảo là một tỉnh của mình và tuyên bố có thể dùng vũ lực để giành quyền kiểm soát nếu cần thiết.

Mặc dù có nhiều người Đài Loan từng tìm kiếm gốc gác tổ tiên của mình tại Đại lục và chia sẻ những tương đồng văn hóa với người Trung Quốc, nhưng phần lớn người dân hòn đảo không muốn chính thức trở thành một phần trong lãnh thổ Trung Quốc.

Bắc Kinh từ lâu đã thực hiện nhiều biện pháp như tổ chức các chương trình hoạt động hè giảm chi phí cho thanh niên Đài Loan, tour tìm kiếm gốc gác tổ tiên tại Trung Quốc và một loạt các dự án nhằm thúc đẩy thông điệp Đài Loan sẽ trở nên tốt hơn nếu quay trở về với Trung Quốc và người dân Đài Loan không có gì phải sợ hãi.

Trong khi con đường di chuyển bình thường bị hạn chế, Trung Quốc đã vận dụng tới sức mạnh Internet để tiếp tục chiến dịch của mình.

Hồi tháng 6, nhiều gia đình Đài Loan đã tham gia một gala tại thành phố miền nam Phúc Châu, Trung Quốc – thông qua cuộc gọi trực tuyến nhằm chào mừng lễ hội Thuyền Rồng truyền thống.

Truyền thông Trung Quốc miêu tả sự kiện là một nỗ lực để tăng cường "bản sắc tổ tiên cho giới trẻ Đài Loan", đồng thời thể hiện "những lời chúc tới tình cảm vững bền dọc theo Eo biển".

Một cuộc thi làm video nhằm "phá vỡ các rào cản do virus tạo ra" cũng đang được phát động tại các trường trung học tại Đài Loan. "Dịch bệnh đã phân cách núi với biển nhưng không thể ngăn cản niềm mong mỏi được về nhà", một tấm poster về cuộc thi đăng tải trên Internet viết. Cuộc thi do một tổ chức thanh thiếu niên thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc tại tỉnh Phúc Kiến (nằm đối diện với Đài Loan qua eo biển) tổ chức.

"Người dân Đài Loan rất minh bạch"

Những động thái trên đã khiến các cơ quan an ninh tại Đài Loan lo ngại.

Trong một báo cáo an ninh nội bộ mà Reuters có được, một cơ quan miêu tả đó như một "thể thức vận động mới" để tuyên truyền ý thức hệ chính trị và làm dấy lên những bất mãn đối với chính quyền Đài Loan. Một báo cáo khác chỉ ra, các hoạt động trực tuyến khiến chính quyền Đài Loan gặp khó khăn trong việc xác định những bên liên quan và có thể làm bùng lên "một cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia mới".

"Họ được chỉ đạo để mở rộng các nỗ lực phát sóng trực tiếp và gọi trực tuyến", một nhân viên an ninh Đài Loan cho hay. "Họ muốn gia tăng ấn tượng tốt về Trung Quốc [trong người dân Đài Loan]".

Theo các quan chức an ninh Đài Loan, các chiến dịch trên Internet do các cơ quan quốc gia Trung Quốc khởi xướng như Văn phòng các vấn đề Đài Loan và Cục Mặt trận Thống nhất – những đơn vị chịu trách nhiệm thu hút những người gốc Trung nước ngoài và không phải là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ngoài ra, bản báo cáo thứ 3 cũng cáo buộc các mạng xã hội bao gồm TikTok hay Instagram được được sử dụng để "lôi kéo tương tác" với giới trẻ Đài Loan.

Thông cáo của Văn phòng các vấn đề Đài Loan tại Trung Quốc nhấn mạnh với Reuters, trong bối cảnh đại dịch, giành được tình cảm của người dân Đài Loan là "một sự lựa chọn tự nhiên". Tuy nhiên, chính quyền Đài Loan đang tìm cách "bêu xấu những trao đổi giữa những người yêu nước ở hai bên bờ eo biển", văn phòng cho hay, đồng thời còn gọi đó là một động thái "xấu xa".

Còn Hội đồng các vấn đề Đại lục – cơ quan chuyên về các chính sách Trung Quốc của Đài Loan nói với Reuters, người dân cần phải cẩn trọng nhằm "tránh bị rơi vào bẫy" của Bắc Kinh và các chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc đang sử dụng "một hình thức mới".

Tuy nhiên, giới chức an ninh Đài Loan đánh giá, các chiến dịch trực tuyến có thể sẽ không hiệu quả bằng những trao đổi trực tiếp; và một khi đi lại giữa hai bên được nối lại, Trung Quốc chắc chắn sẽ đẩy mạnh các hoạt động "người thực việc thực".

Nhiều chứng cứ cho thấy, ảnh hưởng của các chiến dịch trực tuyến sẽ không rõ ràng. "Sẽ khó hơn để thuyết phục người dân khi họ không thực sự thấy những lợi ích được đưa ra", một nhân viên an ninh nói.

Theo một cuộc thăm dò ý kiến do Đại học Chengchi tại Đài Bắc tổ chức, khoảng 27% người dân trên hòn đảo ủng hộ cho Đài Loan chính thức độc lập. Đây là tỷ lệ cao kỷ lục so với chỉ 0,7% người trả lời muốn hòn đảo quay trở về Trung Quốc. Tuy nhiên, phần lớn người tham gia cuộc thăm dò muốn duy trì tình trạng hiện tại.

"Họ [Trung Quốc] đã cố gắng rất nhiều với chiến dịch trên Internet", nhân viên an ninh nói. "Nhưng hầu hết người dân Đài Loan đều rất minh bạch".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ