(Tổ Quốc) - Tờ SCMP đăng tải, cuộc chiến tranh chấp lãnh thổ giữa Armenia và Azerbaijan đã làm dấy lên bài học cảnh báo cho Trung Quốc liên quan tới vai trò của máy bay không người lái trên chiến trường.
Trong một bài báo trên tạp chí Tàu Hải quân và Thương mại, tác giả đã đề cập tới việc quân đội Armenia bị "choáng ngợp" bởi các máy bay không người lái của đối thủ. Mặc dù sở hữu lực lượng lục quân truyền thống "đáng gờm", bao gồm xe tăng, radar và các thiết bị thiết giáp, quân đội Armenia vẫn dễ dàng trở thành mục tiêu của các máy bay không người lái Azerbaijan. Đáng chú ý trong đó có các máy bay Bayraktar TB2 với khả năng tấn công chuẩn xác vào các thiết bị đang chuyển động và các mục tiêu trong hào chiến đấu. Không chỉ tấn công, các máy bay không người lái còn được sử dụng cho các chiến dịch trinh sát – buộc phía Armenia phải đầu hàng sau 6 tuần tham chiến.
"Trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh, 'lá chắn' chống lại máy bay không người lái không hoạt động hiệu quả. Mặc dù mỗi bên đều bắn hạ một số lượng lớn máy bay đối thủ nhưng không bên nào có khả năng ngăn chặn máy bay không người lái xuất hiện và gây thiệt hại", bài báo nhận định.
Cũng theo bài báo, quân đội Trung Quốc "có nhiều máy bay không người lái với các loại khác nhau và cũng đang phải đối mặt với nguy cơ từ các máy bay không người lái hiện đại của các đối thủ…". "So với các máy bay không người lái trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh, mối đe dọa máy bay không người lái đối với Trung Quốc có công nghệ hiện đại hơn, khó phát hiện và đánh chặn hơn", bài báo viết.
Tác giả kêu gọi, quân đội Trung Quốc nên gia tăng cảnh báo về các nguy cơ liên quan tới máy bay không người lái và đưa nó vào trong chương trình huấn luyện cũng như chiến lược của mình.
"Đối với phần lớn các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang Trung Quốc, làm sao để đối phó với máy bay không người lái vẫn là một bài học mới", tác giả chỉ ra, đồng thời cho rằng, các đơn vị cần phải hiểu rõ hơn về tính chất của các loại máy bay không người lái khác nhau – từ máy bay tấn công cho tới máy bay tàng hình, từ đó tìm ra được các chiến lược đối phó phù hợp.
Bài viết đề xuất thiết lập một hệ thống phát hiện đa lớp với các radar chống máy bay không người lái, các trạm phát hiện radio cũng như các biện pháp khác nhằm "giám sát liên tục các máy bay không người lái tại nhiều địa điểm khác nhau trong một phạm vi rộng lớn".
Trung Quốc cũng là một quốc gia có tần suất sử dụng máy bay không người lái trong quân đội "dày đặc". Quốc gia châu Á không ngừng phát triển các mẫu máy bay không người lái mới có năng lực tối tân trong các lĩnh vực như tàng hình, tốc độ, độ cao, sức chịu đựng…
Hồi tháng Mười, truyền thông Trung Quốc đưa tin, nước này đang hoàn thiện loại "máy bay không người lái tự sát" chi phí thấp, có thể phóng đi từ một thiết bị chiến thuật hạng nhẹ hoặc các máy bay trực thăng để tấn công mục tiêu.
Phó Giáo sư Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore là Michael Raska nhận định, mặc dù việc sử dụng máy bay không người lái từng xuất hiện từ thời các cuộc tấn công máy bay không người lái của Mỹ tại Iraq và Afghanistan; tuy nhiên, giới lãnh đạo chính trị và quân sự Armenia vẫn thất bại khi phản ứng trước những tiến bộ của công nghệ vũ khí.
"Cuộc xung đột chắc chắn sẽ làm gia tăng các tranh luận về sử dụng máy bay không người lái trong xung đột và những biện pháp đối phó hiệu quả", ông Raska nói.
Theo học giả an ninh cấp cao Timothy Heath từ tổ chức tư vấn chính sách Rand, cuộc xung đột Nagorno-Karabakh cho thấy, về mặt lý thuyết, các lực lượng vũ trang yếu hơn có thể triển khai máy bay không người lái một cách hiệu quả và tạo ra tổn thất cho các lực lượng lục quân truyền thống không có chuẩn bị kỹ càng.
"Cuộc chiến gần đây chứng tỏ các nền quân đội hiện đại phải phát triển nhiều biện pháp phòng thủ chi phí thấp đối phó với máy bay không người lái. Các lực lượng trên mặt đất nên triển khai nhiều radar di chuyển được cũng như tên lửa đất đối không có thể theo kịp các phương tiện thiết giáp và các đơn vị trên mặt đất khác", ông Heath chỉ ra.
Trong khi đó, nhà phân tích về năng lực phòng thủ Malcom Davis từ Viện Chính sách Chiến lược Australia đánh giá, cuộc chiến Nagorno-Karabakh là sự dự báo về tương lai chiến tranh, trong đó các vũ khí gây sát thương tự động và đạn tuần kích – hay còn được gọi là máy bay không người lái tự sát (kamikaze) – có thể mở ra các lối đi mới để các nước nhỏ và tầm trung tận dụng các công nghệ mới nhằm tạo ra hiệu quả sát thương.
"Nếu được sử dụng hiệu quả với năng lực tình báo, giám sát và trinh sát, một đội bay không người lái sẽ đem lại khả năng tấn công nhanh và chính xác vào các mục tiêu không được bảo vệ và bị phát hiện", ông Davis nói. "Đối với các nước không thể chi trả cho các lực lượng phòng không tối tân, máy bay không người lái là một trong những biện pháp hiệu quả về mặt chi phí để giành lại quyền kiểm soát trên không".