(Tổ Quốc) - Tốc độ hiện đại hóa và tầm với của quân đội Trung Quốc đã mở rộng nhanh chóng trong vài năm qua.
Cuộc hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc bắt đầu với những nhu cầu mới của ban lãnh đạo dân sự với sự chuyển tiếp từ “dấu mình chờ thời” dưới thời Đặng Tiểu Bình sang “tích cực hành động” dưới thời Tập Cận Bình.
Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 10/2017) đề mục tiêu thành lập các bộ tư lệnh chiến khu liên hợp vào năm 2020 và quân đội Trung Quốc (PLA) thành “đẳng cấp thế giới” vào năm 2050.
Đổi mới tầm nhìn, thực hiện cải tổ
Sách trắng quốc phòng công bố gần đây nhất của Trung Quốc (tháng 5/2015) nêu nhiệm vụ các lực lượng vũ trang bảo vệ lợi ích quốc gia của Trung Quốc trong và ngoài nước, trong “những lĩnh vực mới” như không gian mạng, không gian vũ trụ và hàng hải. Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) công bố năm 2013 nhằm kết nối với châu Âu, châu Á, châu Phi thúc đẩy các lực lượng vũ trang Trung Quốc bảo vệ các lợi ích hải ngoại ngoài những khu vực truyền thống trong tương lai gần. Với việc mở rộng “những lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc từ Tây Tạng và Đài Loan sang bao gồm cả Biển Đông từ năm 2009, quần đảo Senkaku từ năm 2010, và vùng đất “phía Nam Tây Tạng” (Arunachal Pradesh do Ấn Độ quản lý) từ năm 2005, các lực lượng vũ trang của Trung Quốc được mở rộng phạm vi tiến hành các chiến dịch quân sự.
Đội hình tàu sân bay Liêu Ninh diễu võ dương oai tại Biển Đông. |
PLA thực hiện một số bước cải tổ:
Tháng 12/2015, tái tổ chức các quân khu thành chiến khu với những nỗ lực theo hướng hình thành các bộ tư lệnh liên hợp thống nhất. Sự lộn xộn ban đầu trong cơ cấu thành viên sau khi 4 tổng cục được đặt dưới sự chỉ đạo của Văn phòng Quân ủy Trung ương và sự hình thành 5 chiến khu từ 7 quân khu, dường như đã được xử lý.
Tháng 3/2018, Trung Quốc công bố ngân sách quốc phòng 175 tỷ USD, tăng 8% so với 2017, và tăng hàng năm ở mức 2 con số so với đầu những năm 1990. Mức chi tiêu quốc phòng thực sự của Trung Quốc vẫn còn nhiều tranh cãi ở mức từ 200-300 tỷ USD, nếu gộp cả các hoạt động lưỡng dụng và các hoạt động khác của các lực lượng vũ trang Trung Quốc.
Từ tình hình quân đội Trung Quốc ở Eo biển Đài Loan và Biển Đông, có thể thấy, việc tổng lực xây dựng lực lượng quân đội được kết hợp với chiến lược vận dụng “ba cuộc chiến”, đặt trọng tâm vào các lĩnh vực truyền thông, pháp lý và tâm lý. Nhiều thỏa thuận mà lãnh đạo tiền nhiệm cam kết “duy trì hiện trạng” đang bị vi phạm; các trở ngại mới, không thể chấp nhận được đặt ra với các đối thủ, cho thấy giai đoạn mới trong cách ứng xử của Trung Quốc với các nước láng giềng.
Dấu chân hải ngoại
Dấu chân quân đội Trung Quốc ở hải ngoại cũng tăng lên với tốc độ lớn hơn. Tháng 12/2015, Trung Quốc bắt đầu xây dựng một căn cứ hải quân ở Djibouti, và tuyên bố triển khai 6.000 thủy quân lục chiến ở Gwadar, Pakistan. Tàu ngầm Trung Quốc cũng đã bắt đầu thực hiện các nhiệm vụ thường lệ ở Ấn Độ Dương, neo đậu ở cảng Colombo và Karachi vào năm 2015, ngoài ra, còn có các hoạt động tuần tra hung hăng hơn của các tàu ngầm hạt nhân chiến lược mới lớp Jin ở Thái Bình Dương, tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Han gần Okinawa. Những động thái trên phù hợp với chiến lược “Hai đại dương”, hướng tới Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. 26 nhiệm vụ của hải quân Trung Quốc đến Vịnh Aden từ năm 2008 là sự thực hành cho chiến lược hoạt động ngoài những phạm vi truyền thống của quân đội Trung Quốc.
Các chiến dịch đổ bộ, đề tài phòng không trong các nhiệm vụ ở Vịnh Aden khiến nhiều người ngạc nhiên vì rõ ràng những hoạt động đó không phải cách thức chống cướp biển. Những nhiệm vụ đến Vịnh Aden cũng tạo ra bài học giá trị trong các chiến dịch không vận, hải vận tầm trung, trong khi sơ tán hơn 50.000 công dân Trung Quốc ở những nơi có chiến tranh như Yemen, Libya, Ai Cập, Syria.
Hiện đại hóa phương tiện chiến tranh
Ngày 13/5, tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự đóng bắt đầu chạy thử từ Đại Liên. Việc đóng con tàu nặng 70.000 tấn này bắt đầu hơn 4 năm trước.
Trung Quốc cũng đưa vào sử dụng các loại máy bay chiến đấu đa năng như J-10, J-11, J-20 trong suốt thập kỷ qua. Những loại máy bay trên đang được triển khai ở Eo biển Đài Loan, Tây Tạng, Biển Đông và nhiều khu vực khác. Máy bay Su-35 mua của Nga (tổng cộng 24 chiếc) đã hoạt động ở Eo biển Ba Sĩ – gửi đi tín hiệu rõ ràng về việc Trung Quốc đã có sức mạnh trên không vượt trội ở Hoa Đông.
Cường kích J-11 B hoạt động tại khu vực Hoàng Sa. |
Các nhiệm vụ quân sự ở khoảng cách xa xôi đòi hỏi công tác vận tải hạng nặng, được phản ánh trong việc Trung Quốc gần đây đưa 7 máy bay vận tải hạng nặng Yun-20 vào biên chế không quân, cùng với việc mua loại máy bay vận tải lớn nhất của Ukraine. Những nỗ lực trên có thể tăng cường khả năng không vận của Trung Quốc ở những chiến trường xa xôi, thúc đẩy PLA phát triển thành quân đội đẳng cấp thế giới.
Trung Quốc đang gây áp lực với Mỹ thông qua việc quảng bá tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 “sát thủ đảo Guam”, lần đầu tiên ra mắt tại cuộc duyệt binh hồi tháng 9/2015.
Bằng cách triển khai các lực lượng vũ trang, phát triển năng lực răn đe hạt nhân và thông thường, Trung Quốc đang ngày càng thèm khát một vị trí lãnh đạo ở châu Á./.
(Theo mạng cpianalysis.org)